Giải thưởng và trách nhiệm

Giải thưởng là hình thức vinh dự, vinh danh bằng vật chất hoặc tinh thần, được trao cho người lập công tích qua lao động sáng tạo và có cống hiến xứng đáng để khen ngợi, đồng thời tỏ lòng tri ân vì những tác động hữu ích đối với cộng đồng, xã hội. Giải thưởng, do vậy không đơn thuần chỉ là việc riêng của các chủ thể trao và nhận giải. Nó liên quan trong thực tế rất chặt chẽ với đông đảo người chứng kiến.

Gỉải thưởng văn học nghệ thuật sẵn mang tính chất và ý nghĩa riêng đặc thù. Bởi tác phẩm văn học nghệ thuật là hình thái giao tiếp trực tiếp, tinh tế giữa văn nghệ sĩ với đông đảo công chúng, hiện diện hàng ngày trong đời sống xã hội; được tiếp cận, thử thách qua dư luận thưởng thức, được nhiều người biết đến. Giải thưởng văn học nghệ thuật phần nhiều được công chúng am hiểu và quan tâm.

Giải thưởng góp phần quan trọng xác định thành tựu văn học nghệ thuật mỗi thời kỳ, đồng thời tham gia hữu hiệu định hướng sáng tác, khuynh hướng sáng tạo của văn nghệ sĩ, giúp văn nghệ sĩ yếu tố khách quan để tự đánh giá mình và tiếp tục phấn đấu vươn lên. Giải thưởng còn là cơ sở quan trọng làm căn cứ để Nhà nước phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ cao quý cũng như các phần thưởng lớn của Nhà nước. Đây thực sự là nét ưu việt của Nhà nước ta - đặc biệt coi trọng hoạt động văn học nghệ thuật cũng như văn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế đã không tránh khỏi tình trạng bất đồng ý kiến, hoặc từ nội bộ ban tổ chức giải, hoặc từ hội đồng giám khảo, hoặc từ giới văn nghệ sĩ, hoặc ở dư luận xung quanh. Thậm chí đã từng diễn ra hiện tượng từ chối không nhận giải và phát biểu không mấy xây dựng trên các phương tiện truyền thông của một số văn nghệ sĩ. Hậu quả trực tiếp của hiện trạng này là gây mất đoàn kết, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín giải, đồng thời làm xói mòn sự hăng hái của văn nghệ sĩ, tạo dư luận phân tán bất lợi trong xã hội. Tất cả những chuyện lùm xùm ấy phản ánh những bất cập từ bên trong lẫn bên ngoài các giải thưởng.

Có thể có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Trước hết, có thể là do phương thức tổ chức, vận hành giải thiếu khoa học, bài bản; không dự liệu được hết những phát sinh có thể nảy sinh để có giải pháp khắc phục triệt để từ trước, trong đó quy chế và tiêu chí chấm giải là nội dung trung tâm cần được hoàn thiện từ đầu. Nguyên nhân thứ hai có tính điển hình, liên quan trực tiếp đến hội đồng chấm giải. Trong đó, những yếu tố quan trọng chi phối kết quả chấm giải là thành phần, ý thức, trách nhiệm của các thành viên hội đồng. Cũng không loại trừ hiện trạng thiếu khách quan, thái độ “chăm bẵm” chủ quan của bản thân người dự giải. Để khắc phục tối đa tình trạng phân tán ý kiến đối với các kết quả chấm giải (khó có thể tuyệt đối thống nhất trong mọi trường hợp), tiến tới loại trừ các bất cập, tiêu cực trong quá trình chấm giải, đề cao uy tín của giải, đưa giải vào đúng vị trí, chức năng vốn có của nó; việc tổ chức giải thưởng phải luôn tiến hành thận trọng, nghiêm túc trong suốt quá trình xem xét định giải. Quy chế và tiêu chí giải phải rõ ràng, khoa học và được công khai rộng rãi. Công việc đặt lên vai hội đồng giám khảo trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm lương tâm to lớn. Trong hội đồng, ý kiến của mỗi cá nhân là cơ sở quan trọng, song sự đồng thuận của tập thể hội đồng trên cơ sở dân chủ bàn bạc cũng quan trọng không kém, nó giúp đem lại kết quả khách quan, chính xác hơn và từ đó tạo nên sự đồng thuận xã hội thuận lợi hơn. Mặt khác, cần nghiên cứu cải tiến phương pháp chấm giải phù hợp với tình hình mới, khi có sự quan tâm rộng rãi hơn của xã hội. Giờ đây, phương thức chấm giải ở nhiều nơi đã được mở rộng bằng cách thu gom ý kiến tham khảo từ các chuyên gia cùng các đối tượng chọn lọc tương đối rộng rãi khác, nhằm hoàn thiện kết luận của hội đồng. Bên cạnh đó, bản thân người tham gia giải cũng cần khách quan, tránh chủ quan, cá nhân cực đoan; gây sự cố không chính đáng.

Giải thưởng sẽ không còn là giải thưởng với đầy đủ ý nghĩa cùng tác dụng tích cực vốn có của nó đối với quá trình sáng tạo của mỗi nghệ sĩ cũng như đối với toàn bộ phong trào sáng tác, nếu chủ thể tổ chức không làm tròn trách nhiệm của mình và giữa họ với người tham gia giải không có cùng một mục tiêu, một ý chí, một động cơ và một tiếng nói chung, vì lợi ích không của riêng ai.

PGS-TS Trần Luân Kim

Tin cùng chuyên mục