Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020: Tận tụy “đưa đò”

“Ở bất cứ nơi nào, dù mảnh đất màu mỡ hay khô cằn, nếu người thầy tận tụy, hết lòng vì học trò, mảnh đất đó sẽ nở hoa”, đó là chia sẻ của hai thầy, cô giáo ở bậc học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) của TPHCM, vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay.
Thầy hiệu trưởng hết lòng vì học sinh
Tại Trung tâm GDNN - GDTX quận 10 vào giờ nắng gắt, mặc cho mồ hôi thấm đẫm lưng áo, thầy Trương Bá Hải, Giám đốc trung tâm, vẫn gõ cửa từng phòng học, đi kiểm tra hết các dãy hành lang trung tâm. Thầy cho biết, hiện trung tâm có hơn 700 học sinh (HS), nhưng có đến 47 em HS khuyết tật và khoảng 5% HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Các em HS kém may mắn, không may bị khuyết tật, thiệt thòi rất nhiều. Tuần nào, tôi cũng khảo sát một vòng để nắm bắt, kịp thời chia sẻ giúp các em tự tin, hòa nhập với bạn bè, thầy cô”, thầy Trương Bá Hải hồn hậu nói.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định) năm 1995, chuyên ngành Sư phạm Hóa, thầy Trương Bá Hải có 3 năm dạy học tại quê nhà, rồi vào TPHCM dạy hợp đồng tại một số trường trên địa bàn quận 6, quận 8. Đến năm 2004, thầy chính thức trúng tuyển tại Trung tâm GDTX quận 10. Từ 2013 đến nay, thầy trải qua các cương vị phó giám đốc, giám đốc trung tâm.
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020: Tận tụy “đưa đò” ảnh 1 Thầy Trương Bá Hải và những học trò khiếm thị của mình tại Trung tâm GDNN-GDTX quận 10
Thầy Trương Bá Hải tâm sự, nhớ lại gần 17 năm trước, khi mới chân ướt, chân ráo về trung tâm. Lúc đó, trung tâm chỉ là vài ba khối nhà cũ nát, mưa thì dột mà nắng thì nóng, bàn ghế xập xệ, thiếu thốn đủ bề. HS khi bước vào trung tâm đa số có hoàn cảnh khó khăn, tự ti, mặc cảm, lẩn quẩn với bao định kiến, học lực yếu, cá biệt, nên luôn có tư tưởng “học cho xong”. Thực tế đó luôn làm thầy cô của trung tâm đau đáu: Làm thế nào để duy trì sĩ số HS và vận động các em bỏ học quay lại lớp…
Về việc này, thầy Trương Bá Hải chia sẻ, do cuộc sống mưu sinh, nhiều phụ huynh có hoàn cảnh đặc biệt, sau khi cho con tới trung tâm là coi như đã hoàn thành trách nhiệm với con. Việc con em mình học tốt hay trốn tiết bỏ học, phụ huynh giao phó hoàn toàn cho trung tâm.
Thấy trò bỏ học liên tục không lý do, giáo viên chủ nhiệm tìm đến nhà gặp phụ huynh thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ: “Tôi không quản lý được nên đành kệ nó thôi!”. Nghe vậy, ai cũng buồn nhưng không thể làm căng với họ được. Thế rồi, thầy cô phân công nhau, nay người này đến đón các em tới trường, mai người khác vận động các mạnh thường quân cho tập, sách, đồng phục, miễn toàn bộ các khoản thu mà HS phải đóng để lôi kéo học trò đến lớp. 
Khó khăn là vậy, nhưng với sự tận tụy của thầy cô, sự nỗ lực của trò cũng được đền đáp khi tỷ lệ HS bỏ học mỗi năm một giảm. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT 5 năm trở lại đây luôn trên 90%, đặc biệt năm học 2019-2020, trung tâm có 100% HS khối 12 đậu tốt nghiệp; tỷ lệ HS đậu đại học, cao đẳng luôn dao động từ 35% - 50%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của trung tâm năm nào cũng được đầu tư sửa chữa và nâng cấp. 
Khi được hỏi về các thế hệ học trò của mình, thầy Trương Bá Hải tự hào kể: Năm nào vào dịp lễ, tết cũng có hàng chục đoàn học trò từ doanh nhân đến anh thợ cả về thăm trung tâm. Có hôm đang chạy xe trên đường, không may xe bị bể bánh, chưa biết tính sao, bất chợt có cậu thanh niên sà tới, sau một hồi mới biết đó là học trò cũ của trung tâm - hiện là chủ một tiệm sửa chữa xe gắn máy lớn. Em mời thầy ngồi nghỉ, nói trong 10 phút xe sẽ được sửa xong. Hoặc những cuộc gọi cảm ơn của những phụ huynh tưởng chừng không thể nói chuyện... Tất cả là động lực, là niềm tự hào đối với thầy cô của trung tâm.
Người “đãi cát tìm vàng”
Với cô Danh Thị Huyền Trân, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX Tân Bình (TPHCM) thì ấn tượng là bảng thành tích dẫn dắt HS đoạt giải cao hàng năm môn Sinh học cấp thành phố. Không chỉ truyền cảm hứng, khơi gợi ý thức yêu thích môn Sinh, cô còn dành nhiều tâm huyết phát triển các phong trào hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học trò.
Năm 2005, cô trúng tuyển vào giảng dạy tại Trung tâm GDNN - GDTX quận Tân Bình, đem hết tài năng, tâm huyết truyền thụ lại kiến thức cho trò. Học trò hệ GDTX có tâm lý mặc cảm và hay chán học, do đó, để khơi dậy cho trò niềm đam mê sách vở, không phải là chuyện dễ dàng. Tranh thủ giờ ra chơi, cô giáo trẻ gần gũi học trò, tâm sự, chia sẻ cùng các em...
Chính sự nhiệt tình, tận tâm của cô giáo trẻ và phương pháp nghiệp vụ sư phạm linh hoạt đã tạo cho các em sự hứng thú. “Dạy học sinh GDTX phải kiên trì, công phu, không thể theo phân phối chương trình cụ thể mà phải có giáo án riêng cho từng đối tượng cụ thể”, cô Danh Thị Huyền Trân cho biết.
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020: Tận tụy “đưa đò” ảnh 2  Những tiết học của cô Danh Thị Huyền Trân luôn vui nhộn, kích thích sự khám phá của học trò
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô Danh Thị Huyền Trân càng có cơ hội thể hiện trình độ của mình và nhanh chóng khẳng định bằng chất lượng học tập của các HS. Được giao nhiệm vụ Tổ trưởng môn Sinh, phụ trách bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi của trung tâm đi thi HS giỏi cấp thành phố, công việc rất nhiều và bận rộn, nhưng cô luôn phân bổ thời gian một cách hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
Xác định nhiệm vụ đội tuyển HS giỏi là trọng tâm, cô Danh Thị Huyền Trân xác định, công tác này phải có chiến lược lâu dài, không chỉ trong năm học mà phải chuẩn bị từ trước đó. Ngay từ cuối năm học lớp 9, cô đã rà soát lại danh sách HS khá giỏi để lên danh sách thành lập đội tuyển cho khối 10.
Nếu như việc tổ chức bồi dưỡng HS giỏi thường được thực hiện sau ngày khai giảng thì ngay trong hè (bắt đầu từ tháng 7), cô Danh Thị Huyền Trân đã mở lớp bồi dưỡng HS giỏi bộ môn Sinh.
Những học trò được chọn vào đội tuyển không chỉ có học lực khá giỏi, có năng khiếu, mà đòi hỏi phải có sự say mê, chăm chỉ và yêu thích môn học. Cô Danh Thị Huyền Trân và đội ngũ thầy cô của trung tâm còn chủ động trong thời khóa biểu lên lớp, thường từ 4-5 tiết trong 1 tuần. Do có lòng đam mê nên thầy trò xếp thời khóa biểu khoa học, không tạo áp lực lớn trong học tập của HS.
Tham gia giảng dạy đội tuyển HS giỏi của trung tâm, cô Danh Thị Huyền Trân đã đồng hành cùng các em HS đạt hàng chục giải HS giỏi cấp thành phố: Năm 2015 - 2016 có 2 HS đạt 1 giải nhất và 1 giải nhì; năm 2017-2018, có 2 HS đạt 2 giải ba; năm 2019 - 2020 có 2 HS đạt giải nhì cấp thành phố.
Kết quả giảng dạy bộ môn Sinh của cô Danh Thị Huyền Trân có tỷ lệ HS có điểm thi tốt nghiệp THPT môn Sinh ở các lớp giảng dạy đạt cao hơn tỷ lệ thành phố và cao nhất trong nhóm chuyên môn của trung tâm liên tục từ năm 2013 đến nay; riêng năm 2019, tỷ lệ HS trong kỳ thi quốc gia có điểm môn Sinh trên trung bình cao hơn tỷ lệ chung của nhóm chuyên môn là 10,3% và tính theo phổ điểm khối GDTX cao hơn thành phố 7% (tỷ lệ tốt nghiệp của khối GDTX thành phố 83%). Các lớp do cô làm công tác chủ nhiệm liên tục là lớp tiên tiến xuất sắc, 100% HS có hạnh kiểm tốt, 100% HS đạt học lực khá, giỏi.

Tin cùng chuyên mục