Nhằm tôn vinh các thầy, cô giáo đã có nhiều đóng góp xuất sắc, tiêu biểu nhất trong ngành giáo dục TPHCM, từ năm 1998, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở GD-ĐT, với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản. Đây là giải thưởng được tổ chức hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Năm 2012, toàn ngành giáo dục TP có 30 giáo viên đoạt giải thưởng cao quý này, nâng tổng số nhà giáo được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản lên con số 450 người, tính trong 15 năm qua. Từ số báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một số chân dung tiêu biểu trong số các nhà giáo đoạt giải thưởng năm 2012.
Cô Lê Thị Ngọc Lưu, giáo viên toán Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, quận 5: Hết lòng vì học sinh
Đó là điều tâm niệm giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa vô cùng lớn lao mà cô Lê Thị Ngọc Lưu đã dốc hết tâm huyết đeo đuổi trong suốt chặng đường 30 năm đứng trên bục giảng.
Tâm huyết với nghề
|
Cũng như mọi giáo viên trẻ khác, những năm tháng vừa chân ướt chân ráo vào nghề, cô Lưu gặp không ít bỡ ngỡ.
Do Trường Mạch Kiếm Hùng vốn có nhiều con em người Hoa sinh sống tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn theo học nên rất nhiều lần cô trò bất đồng ngôn ngữ. Mặc dù học sinh cũng biết nói tiếng Việt nhưng lúc gặp tình huống “bí” không biết diễn tả thế nào, các em đột ngột chuyển sang dùng tiếng Hoa. Và điều này gây không ít bối rối cho cô giáo trẻ. Không lùi bước trước khó khăn, sau giờ lên lớp, ngoài việc dành thời gian tiếp cận với học sinh người Hoa nhằm cải thiện khả năng giao tiếp, cô Lưu còn dành thời gian tự học và nghiên cứu ít nhiều tiếng Hoa. Cô Lưu cũng tận tình chỉ dạy học sinh cách diễn đạt điều các em chưa hiểu bằng tiếng Việt. Và chỉ ít tháng sau đó, thầy trò đã có thể hiểu nhau.
Một kỷ niệm sâu sắc mà đến nay mỗi khi nhắc đến cô vẫn bồi hồi xúc động. Đó là buổi dạy phụ đạo cho 5 học sinh sát ngày thi tốt nghiệp. Đây là những học sinh học lực yếu nhất lớp do cô chủ nhiệm mà còn được liệt vào hàng tệ nhất khối 9. Cô Lưu cất giọng nhẹ nhàng: “Nếu ngày ấy bỏ mặc các em thi rớt tốt nghiệp, tương lai sẽ ra sao? Và tôi quyết tâm làm hết sức để giúp các em”. Những ngày gần sát kỳ thi tốt nghiệp, theo quy định nhà trường phải đóng cửa để làm công tác chuẩn bị nhưng cô Lưu năn nỉ ban giám hiệu sắp cho mình một góc nhỏ trong trường để làm nơi ôn bài cho học sinh. Xúc động trước tấm lòng hết mình vì học sinh của cô giáo trẻ, nhà trường đã đồng ý.
Bắt đầu từ 1-2 giờ trưa đến tối mịt, cô Lưu nhẫn nại đứng bên cạnh học sinh, hết giảng giải, sửa lỗi từng phép tính lại khảo bài các môn học thuộc lòng. Các buổi học sau cũng vào những chiều mưa tầm tã đó, tuy ngắn ngủi nhưng thấm đậm tình cảm thầy trò đã mang lại kết quả ít ai ngờ tới: Tất cả 5 học sinh được coi là “bỏ đi” ấy đã đậu kỳ thi tốt nghiệp năm 1989. “Ngày biết kết quả các em thi đậu tôi mừng đến phát khóc. Hai mươi mấy năm qua rồi nhưng tưởng như mới ngày hôm qua” - cô Lưu xúc động nói.
Cải tiến phương pháp dạy học
Trường Mạch Kiếm Hùng là trường công lập tự chủ tài chính, chất lượng học sinh đầu vào thấp nên việc làm thế nào để việc dạy học đạt kết quả tốt luôn là điều trăn trở của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Từ năm 2002 đến nay, suốt 10 năm trên cương vị là tổ trưởng chuyên môn, cô Ngọc Lưu cùng các đồng nghiệp trẻ của mình đã tổ chức nhiều buổi thảo luận nhằm đề ra sáng kiến kinh nghiệm trong việc soạn giáo án, nâng chất lượng bài giảng trên lớp. Bằng các hình thức như sử dụng học cụ trực quan trong việc dạy toán; hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm được nghiên cứu, biên soạn công phu cùng với ứng dụng giáo trình điện tử... đã giúp học sinh phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo của mình trong từng môn học.
Tháng 8-2009, sau thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi trên cơ sở phân tích, tổng hợp kiến thức từ thực tiễn, cô Lê Thị Ngọc Lưu vào thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm có tên “Dạy khái niệm hình học trong chương trình toán trung học cơ sở”. Nội dung đề tài xoáy sâu vào việc dạy khái niệm hình học như thế nào để học sinh dễ dàng nắm bắt và làm được bài tập đạt kết quả cao nhất. Đề tài tâm huyết này ngay sau khi đưa vào ứng dụng thí điểm đã mang lại kết quả tốt, được nhà trường và phòng giáo dục đánh giá cao.
Cô Ngọc Lưu chia sẻ: “Dạy khái niệm hình học cùng với sử dụng trên máy tính và kết hợp sử dụng đồ dùng dạy học ở một số tiết giúp giáo viên thực hiện được các ý tưởng của mình trong tiết dạy, hệ thống hóa các kiến thức của bài học; giúp lớp học trở nên sinh động hơn, gây hứng thú, thu hút sự chú ý của học sinh, giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn”.
Năm 2012, cô vinh dự được đề cử nhận giải thưởng Võ Trường Toản. Tâm sự về niềm vui lớn suốt một đời đi dạy học, cô không giấu được xúc động: “Đây là điều mà cả đời đứng trên bục giảng tôi không hề nghĩ tới. Những việc tôi đã làm chỉ là cố gắng hết sức để hoàn thành thiên chức của một người kỹ sư tâm hồn, mở ra con đường tương lai tươi sáng cho học sinh thân yêu. Nhiều đồng nghiệp khác còn có những đóng góp lớn cho sự phát triển đi lên của nhà trường như hôm nay. Họ cũng rất xứng đáng được tôn vinh. Tôi chân thành cảm ơn Báo SGGP và các đơn vị tổ chức và mong rằng giải thưởng Võ Trường Toản sẽ mãi phát triển bền vững vinh danh những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người”.
MAI NGUYỄN