Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Nặng lòng với trẻ

“Chỉ 3 tháng nữa về hưu mà được nhận giải thưởng này, tôi rất vui và hãnh diện vô cùng, cảm giác không thể nào tả được”. 
Đó là tâm sự đầy cảm xúc của cô Bùi Thị Thư, giáo viên môn Toán của Trung tâm giáo dục thường xuyên  Số 1 (quận Sơn Trà), khi biết tin mình là 1 trong 20 giáo viên của thành phố Đà Nẵng vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017.Cống hiến thầm lặng Tính đến nay, cô Bùi Thị Thư đã có 31 năm đứng trên bục giảng, trong đó hơn hai phần ba thời gian là làm việc tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Số 1. Nhớ lại những ngày đầu mới chuyển về trung tâm, cô không khỏi bồi hồi. Đa phần học sinh của trung tâm là trường hợp không đủ điểm vào các trường THPT, nên trình độ rất thấp. Việc dạy học theo cách thức thông thường sẽ khiến học sinh khó tiếp thu, nên cần đa dạng phương pháp dạy, sao cho các em dễ hiểu nhất. Cô Thư đã tự làm đồ dùng học tập để giảm bớt thời gian diễn giải, học sinh được trực quan và tập trung cho việc luyện tập. “Ví dụ, muốn tính tỷ số thể tích của khối lập phương hay tính thể tích khối tứ diện trong hình lập phương, nếu mình vẽ hình trên bảng các em sẽ khó hình dung để nhìn ra, nên tôi phải làm mô hình thật, để các em dễ hiểu mà cũng tăng tính sinh động cho tiết học”, cô Thư chia sẻ. 
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Nặng lòng với trẻ ảnh 1 Cô giáo Bùi Thị Thư, giáo viên toán, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) 
 Chỉ còn 3 tháng nữa thì cô Thư nghỉ hưu, gia tài chặng đường dài trồng người của cô chính là hàng chục bằng khen, giấy khen các loại được Sở GD-ĐT, UBND quận Sơn Trà, UBND thành phố Đà Nẵng trao tặng. Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 như một phần thưởng quý giá và xứng đáng, ghi nhận quá trình phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục của người giáo viên tận tụy này. Với gia đình cô Thư, giải thưởng càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi năm 2016, chồng cô - giáo viên dạy toán Trường THPT Tôn Thất Tùng - cũng đã vinh dự được nhận giải thưởng này.
Một tấm gương đầy ấn tượng khác cũng được xét tặng Giải thưởng Võ Trưởng Toản năm nay là cô Nguyễn Thị Hồng Thu, Tổ trưởng chuyên môn - Trường chuyên biệt Tương Lai. Hơn 13 năm gắn bó với trường đã như là cái duyên của người phụ nữ này. Năm 2000, tốt nghiệp Cử nhân Tiểu học, cô Thu về phụ trách công tác đội ở một trường tiểu học. Năm 2004, cô được vận động tình nguyện về công tác tại Trường chuyên biệt Tương Lai - một ngôi trường rất ít giáo viên muốn đến, vì nơi đây chỉ dành cho các em khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, thậm chí có những em đa tật. “Tôi về công tác tại trường vì 2 lý do. Thứ nhất được dạy đúng ngành nghề mình đã học. Thứ hai, tôi nghĩ các em khuyết tật cũng cần được học, được quan tâm và cần tình thương từ xã hội. Khi đó trường tôi đang công tác không cho đi, vì tôi làm công tác Đội rất tốt. Các anh chị đồng nghiệp cũng khuyên vì sợ môi trường giảng dạy ở đó không dễ dàng chút nào. Thậm chí, gia đình tôi tuy không ngăn cản nhưng khuyên tôi rất nhiều. người thân bảo rằng tôi cần suy nghĩ thật kỹ để có quyết định chín chắn hơn. Nhưng tôi đã làm theo sự mách bảo của con tim. Đến bây giờ, tôi biết mình đã quyết định đúng”, cô Thu chia sẻ. 
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Nặng lòng với trẻ ảnh 2 Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu, tổ trưởng chuyên môn Trường chuyên biệt Tương Lai, Đà Nẵng
 Trong 4 giáo viên khối mầm non và chuyên biệt được nhận giải thưởng năm nay, cảm xúc đến với chúng tôi nhiều nhất có lẽ là trường hợp cô Nguyễn Thị Phượng Hải, giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban (quận Hải Châu). Cảm xúc không chỉ vì cô không dùng điện thoại di động hay hơn 30 năm đi xe đạp đến trường, mà còn ở những quyết định “khác người”. Được đề bạt làm hiệu phó, nhưng chỉ 2 năm sau cô từ chức xin xuống dạy trẻ vì cảm thấy buồn và nhớ trẻ. Niềm vui khi tiếp xúc với trẻ khiến cô cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa vô cùng. Cô luôn đến trường rất sớm mỗi buổi sáng và ra về sau khi tất cả học sinh đã rời trường. Với cô, các em như những đứa con bé bỏng của mình, nên lúc nào cũng lo cũng nhớ. Có lẽ vì thế mà nhiều học trò tuy đã trưởng thành vẫn quay trở lại thăm cô, dù cô chỉ là giáo viên mầm non. Điều đó làm cô vui, cảm động và nhớ suốt cuộc đời dạy trẻ. 
Đam mê và tình thương yêu Có thể khẳng định, nếu không có lòng đam mê và tình yêu thương con trẻ, các thầy cô khó thể trụ vững với nghề hàng bao năm qua, trong môi trường đầy áp lực. Điển hình như thầy giáo Nguyễn Việt Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn (Trường phổ thông Hermann Gmeiner, nơi học tập của các trẻ em làng SOS. Công tác tại trường từ năm 1998, gần 20 năm qua, ngoài dạy chữ, thầy còn giúp đỡ nhiều em mồ côi, dạy tiếng Anh miễn phí mỗi tối; tổ chức hoạt động có hiệu quả Câu lạc bộ Tiếng Anh cho học sinh trường. Qua đó, góp phần duy trì bền vững chất lượng dạy học, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của trường ngang bằng với tỷ lệ chung của thành phố Đà Nẵng.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Nặng lòng với trẻ ảnh 3 Thầy giáo Nguyễn Việt Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn Trường phổ thông Hermann Gmeiner, Đà Nẵng
 Hay như tâm sự của cô Nguyễn Thị Hồng Thu: “Các em đã dạy cho tôi rất nhiều điều bổ ích về chuyên môn và cách thức giao tiếp trong thế giới của người khiếm khuyết, vì tôi không có chuyên môn về giáo dục học sinh khuyết tật. Để hiểu học trò, tôi phải học hỏi các em ngôn ngữ giao tiếp của người khiếm khuyết. Tôi cũng đã kết bạn với những người khiếm thính ở các tỉnh thành khác, trao đổi chữ viết và ký hiệu qua video hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ khiếm thính... Qua đó, giúp tôi hiểu được ký hiệu nhiều hơn. Nhờ vậy, tôi đã biết cách giao tiếp bằng thủ ngữ với các em khiếm thính, để rồi sau đó tôi được phân công dạy trẻ khiếm thính suốt 13 năm đến tận bây giờ”.

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Nặng lòng với trẻ ảnh 4 Cô giáo Nguyễn Thị Phượng Hải, giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban (quận Hải Châu, Đà Nẵng)
 Điều đặc biệt ở những thầy cô giáo trên là những thành tích nổi bật, đáng khâm phục, khi hầu hết thầy cô nhiều năm liền đạt nhiều danh hiệu xuất sắc các cấp. Có thể kể đến cô Nguyễn Thị Hồng Thu, 17 năm công tác thì 15 năm đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi. Hay cô Nguyễn Thị Phượng Hải, 30 năm công tác thì hơn 20 lần đạt thành tích và được khen thưởng; trong đó, có thể kể đến Bằng khen thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 của Chủ tịch UBND thành phố; danh hiệu Giáo viên giỏi tiêu biểu toàn quốc… 
Thành tích của các thầy cô đạt được trong quãng đời gắn bó với ngành giáo dục không thể kể hết ra được. Xã hội luôn trân trọng và biết ơn những gì các nhà giáo đã thầm lặng cống hiến, hy sinh. Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner, nhận xét về đồng nghiệp của mình: “Các thầy cô ở đây ngoài dạy dỗ còn làm nhiệm vụ hỗ trợ trẻ lạc, trẻ mồ côi và bồi dưỡng học sinh yếu. Đa số giáo viên đều làm việc tự nguyện mà không hề so đo tính toán thiệt hơn. Nhiều em khi trưởng thành đã quay về trường thăm lại thầy cô. Với chúng tôi - những người làm thầy cô, đó là niềm hạnh phúc và là phần thưởng to lớn nhất không gì đánh đổi được”.
Các giáo viên Nguyễn Thị Phượng Hải, Nguyễn Việt Tuấn, Bùi Thị Thư, Nguyễn Thị Hồng Thu được xét tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đều được các thành viên hội đồng đánh giá cao, vì những cống hiến đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” của thành phố nhiều năm qua. Dù mỗi người công tác ở cương vị khác nhau, bậc học khác nhau, nhưng điểm chung là hết lòng yêu nghề, hết lòng tận tụy, thương yêu học sinh. Các thầy cô luôn vượt lên khó khăn, tranh thủ thời gian tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với từng đối tượng học sinh, với mục tiêu truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất cho các em. Đối với đồng nghiệp ở trường, các thầy cô là tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách và đạo đức để giáo viên trẻ và các thế hệ học sinh noi theo.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH VĨNH
Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục