Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Thầy cô sáng tạo, học trò thành công

Nếu như ở bậc học THPT, học sinh đã đủ lớn để chọn cho mình một phương pháp học tập phù hợp, thì ở cấp THCS - bậc học mang tính “quá độ” và học sinh đang “tuổi chướng”, việc gõ đầu trẻ vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Phương pháp giảng dạy phải vừa phù hợp tâm lý lứa tuổi, vừa tạo được sự hấp dẫn và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của học sinh... 
Người thầy của những sáng tạo 
Thầy Phạm Đình Thành tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Văn (Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, nay là Trường Đại học Sư phạm) năm 1987, rồi về công tác tại Trường THCS Hòa Phú (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), là một trường vùng cao của Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Sau đó, thầy Thành được điều chuyển về Trường THCS Hòa Liên, cách trường cũ chừng mươi cây số. Gắn bó với học sinh vùng núi được 13 năm, năm 2000, thầy Thành chuyển về dạy tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ cho đến hôm nay.
Quãng thời gian gắn với miền núi khó khăn, rồi xuống dạy tại vùng ven đô đã củng cố thêm ở thầy Thành đức tính chịu khó và sáng tạo. Môn Văn là môn khó, ngày càng ít học sinh “chịu” học môn này. Vì vậy, thầy Thành luôn tìm tòi đổi mới phương pháp, thực hiện nhiều video liên quan đến tác phẩm văn học đang giảng dạy như về Lăng Bác, Đèo Ngang, Sa Pa, Khu tưởng niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... đưa vào giảng dạy để tạo sự hứng thú cho học sinh.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Thầy cô sáng tạo, học trò thành công ảnh 1 Thầy Phạm Đình Thành
Thậm chí, mỗi kỳ nghỉ hè, thầy trực tiếp đi gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với các tác giả như Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Quần Phương, Giang Nam, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Ngọc Tư... để có thêm tư liệu giảng dạy.
Trong 30 năm đứng lớp, thầy Thành 12 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; 15 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quận; đoạt giải C trong cuộc thi Giáo án điện tử E-Learning cấp thành phố. Ngoài ra, với niềm đam mê văn học, thầy Thành còn là tác giả của nhiều tác phẩm đăng báo, tạp chí.
Nói về nghề, thầy Thành kể, thời bao cấp khó khăn, lại dạy ở miền núi, nên thầy đã làm thêm nghề sửa chữa điện tử để nuôi dưỡng niềm đam mê văn học và duy trì nghề giáo. Khi vợ sanh cô con gái đầu lòng, thầy đặt tên con là Phạm Nguyễn Ca Dao.
Thầy Thành chia sẻ: “Học văn, giỏi văn, tuy không giúp người ta làm giàu nhưng sẽ giúp con người sống tốt, sống đẹp và sống có ý nghĩa. Sống với nghiệp văn là rất khó, nếu không có niềm đam mê, tình yêu với văn chương thì không thể theo nổi với nghề giáo viên văn học”. 
Trong cuộc trò chuyện, thầy Thành bảo: “Lâu nay tôi vẫn tâm niệm, cứ sống, cứ dạy, cứ hết lòng với học trò là một niềm hạnh phúc, chứ không hề nghĩ mình làm để được nhận giải thưởng này kia. Thế nhưng, khi biết mình được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản, tôi rất vui. Đó là phần thưởng cao quý ghi nhận sự đóng góp của tôi sau 30 năm giảng dạy”. 
Cô giáo “nghệ thuật thứ 7”
Là một trong những người được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 (tổ chức lần thứ 2 tại thành phố Đà Nẵng), cô Phạm Thị Phong chia sẻ, tận đáy lòng mình, cô yêu và cảm ơn mảnh đất Đà Nẵng, quê hương thứ hai của cô, đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện để cô phát huy và cống hiến.
Cô giáo Phạm Thị Phong, nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) đã hơn 33 năm đứng trên bục giảng. Cô là người nâng bước bao thế hệ học trò lần lượt nhận giải thưởng cuộc thi viết thư UPU quốc tế, làm phim, sáng tác văn học nghệ thuật...
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Thầy cô sáng tạo, học trò thành công ảnh 2 Cô Phạm Thị Phong (đứng) cùng những học sinh từng đoạt giải các cuộc thi viết thư UPU quốc gia và quốc tế
Nhưng, tình yêu lớn nhất với cô là môn nghệ thuật thứ 7. Cô Phong kể, có lần tình cờ đọc bài báo viết về một cô giáo ở vùng quê nước Mỹ cùng nhóm học sinh của mình làm phim, khiến cả Hollywood phải ngưỡng mộ. Từ đó, cô ấp ủ ý tưởng sẽ cùng học sinh của mình làm phim về lứa tuổi học trò. 
Nghỉ hè, để chồng con về quê nghỉ ngơi, cô Phong ở lại với học sinh và cùng nhau lên ý tưởng cho những kịch bản, chuẩn bị máy móc cho bộ phim đầu tay. “Tôi viết kịch bản, sau đó cô trò vừa làm diễn viên, vừa đạo diễn, vừa quay phim. Chỉ với chiếc máy cũ kỹ được các anh chị sinh viên cài giúp phần mềm dựng phim, cô trò đã cùng nhau quay phim và cùng ngồi dựng. Sau mấy tháng trời quần quật, tác phẩm đầu tay mang tên Con què đã được trình làng”, cô Phong hồ hởi nhớ lại.
Bộ phim Con què kể về một cô bé học trò nghèo khuyết tật, bị bạn bè trêu chọc đến mức phải bỏ học. Khi các bạn tìm đến nhà cô bé mới biết được hoàn cảnh gia đình là ba mẹ bị tai nạn qua đời, chỉ còn lại mỗi “con què” cùng di chứng của vụ tai nạn đau thương ấy. Các bạn hiểu ra và giúp cô bé trở lại trường học.
Năm 2009, bộ phim Con què đã đoạt giải Triển vọng quốc gia trong cuộc thi làm phim dành cho học sinh phổ thông, do Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Nhật phối hợp tổ chức.
Nối tiếp thành công của tác phẩm Con què, bộ phim Buổi học của Thúy của nhóm bạn Hiếu Hiền (lớp 6), Thảo Vy (lớp 7), Hoàng Mỹ (lớp 9) đã đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương dành cho học sinh phổ thông, tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2010.
Năm 2011, tác phẩm Lan - đừng khóc của 3 học sinh Võ Tuấn Quang, Phan Thị Thùy Dung và Trịnh Lan Phương do cô Phong hướng dẫn thực hiện và đóng vai cô giáo đã đoạt giải ưu tú xuất sắc (tương đương giải nhất).
Cô Phong tâm sự, khi cô và nhóm học trò của mình có những bộ phim đoạt giải quốc tế, ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, gọi cô lên đặt hàng một bộ phim về thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi cô chưa cho ra đời tác phẩm thì ông Nguyễn Bá Thanh qua đời. “Đến bây giờ, cô vẫn còn nợ Bí thư Nguyễn Bá Thanh bộ phim ấy”, cô Phong tâm sự.
33 năm gắn bó với nghề, cô Phạm Thị Phong đã 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi, đoạt giải nhất cuộc thi Bài giảng E-Learning môn Ngữ văn cấp thành phố.
Đặc biệt, cô Phong đã dìu dắt, hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh của mình đoạt nhiều giải cao của quốc gia, quốc tế trong các cuộc thi: làm phim, viết thư quốc tế UPU, Cây bút Tuổi Hồng, sáng tác văn học nghệ thuật, thuyết trình, kể chuyện, kịch…
Trong các thế hệ học sinh của cô, có 158 em đoạt Học sinh giỏi cấp trường, 20 Học sinh giỏi cấp quận, 33 Học sinh giỏi cấp thành phố, 28 em đoạt các giải quốc gia, 4 giải quốc tế (về viết thư UPU và làm phim).
Trong số 20 thầy cô nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 2 tại Đà Nẵng năm 2017, có 5 thầy cô là giáo viên bậc THCS, gồm: Phạm Thị Huỳnh Tuyết Đào - Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê; Hoàng Thị Báu - Trường THCS Ngô Thì Nhậm, quận Liên Chiểu; Phạm Đình Thành - Trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Cẩm Lệ; Đinh Ngọc Chính - Trường THCS Ông Ích Đường, huyện Hòa  Vang; Phạm Thị Phong - Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu. 

Tin cùng chuyên mục