Giải tỏa điểm nghẽn, khôi phục tăng trưởng

Tuần qua, trong báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng đầu năm, cả hai định chế tài chính quốc tế lớn là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng HSBC đều hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam. WB dự báo Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,4% (giảm 0,1% so với mức 5,5% mà chính WB đưa ra hồi đầu tháng 6-2014 trong báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu). Còn các chuyên gia HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam là 5,5% (cũng giảm 0,1% so với mức dự báo 5,6% HSBC đưa ra trước đó).

Tuần qua, trong báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng đầu năm, cả hai định chế tài chính quốc tế lớn là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng HSBC đều hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam. WB dự báo Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,4% (giảm 0,1% so với mức 5,5% mà chính WB đưa ra hồi đầu tháng 6-2014 trong báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu). Còn các chuyên gia HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam là 5,5% (cũng giảm 0,1% so với mức dự báo 5,6% HSBC đưa ra trước đó).

 Đáng chú ý, nguyên nhân được cả WB và HSBC đưa ra khá giống nhau: tổng cầu trong nước còn yếu, chưa có nhiều cải thiện trong khi Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh.

Mặc dù theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5,18%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước, nhưng như nhận định của các định chế tài chính quốc tế, những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế vẫn còn đó. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng thừa nhận, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, nhất là cầu đầu tư.

Trên thực tế, đây là vấn đề đã được quan tâm cải thiện trong vài năm gần đây, nhưng dường như các nỗ lực chính sách vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này. Xu hướng này bắt đầu từ năm 2012, khi chi tiêu tư nhân suy giảm do thu nhập khả dụng của người dân nói chung không tăng. Điều này lý giải cho tốc độ tăng trưởng thấp trong một mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và chưa có dấu hiệu cải thiện chất lượng đầu tư trong những năm qua.

Trong bối cảnh nỗ lực tăng tổng cầu chưa như mong muốn thì tổng cung của nền kinh tế cũng không có dấu hiệu cải thiện tích cực. Nguyên nhân là do chúng ta chưa thực hiện các chính sách cải cách về phía cung một cách quyết liệt và hiệu quả (tái cơ cấu, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ…). Nền kinh tế kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhưng đổi lại là tăng trưởng sản lượng vẫn suy giảm; khu vực sản xuất trì trệ, thiếu động lực phát triển và bị thu hẹp nhanh chóng; lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng; thu nhập và đời sống thực tế của đa số người dân giảm; an ninh và trật tự xã hội có những diễn biến đáng lo ngại.

Với mức tăng GDP 5,18% trong 6 tháng đầu năm, để tăng trưởng GDP cả năm 2014 đạt mức kế hoạch 5,8%, trong 6 tháng còn lại của năm, tăng trưởng GDP cần đạt mức khoảng 6,25%. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bởi vậy, làm mọi cách để kích thích tổng cầu, khôi phục tăng trưởng là vấn đề cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng hiện dư địa điều hành chính sách tiền tệ không có nhiều (do lãi suất đã giảm xuống rất thấp), nên cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn của chính sách tài khóa. Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, qua đó góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần dồn sức tháo gỡ khó khăn, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Những chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành thuế và hải quan về cải cách thủ tục, tiết giảm thời gian cho người dân và doanh nghiệp cần được quán triệt sâu sắc để sớm triển khai thực hiện.

Về dài hạn, để nền kinh tế phát triển bền vững cần sớm giải quyết những điểm nghẽn về thể chế. Điều kiện tiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế là đổi mới tư duy và thể chế vẫn chưa được công phá quyết liệt. Vì thế, nhiều điểm nghẽn thể chế đang hàng ngày cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực. Những điểm nghẽn quan trọng có thể kể đến là vấn đề quản trị doanh nghiệp nhà nước và vẫn duy trì ở diện rộng doanh nghiệp nhà nước; phân cấp, phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công; thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích còn chập chờn, chưa tận dụng được sức ép đổi mới thể chế từ quá trình hội nhập và vấn đề chất lượng và tính minh bạch của thống kê kinh tế.

Những điểm nghẽn về thể chế nếu được giải quyết sẽ là chìa khóa quan trọng tạo điều kiện phân bổ và sử dụng các nguồn lực đất nước có hiệu quả, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, giúp nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn suy giảm.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục