Giảm áp lực giao thông từ lõi đô thị

Trước hết, phải thừa nhận tình trạng ùn tắc giao thông  ở 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM trong thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể. Điều này không phải căn cứ vào báo cáo của các cơ quan chức năng về số điểm thường xuyên ùn tắc, số vụ ùn tắc kéo dài đã giảm đi mà thực tế những người tham gia giao thông đã cảm nhận khá rõ về sự thông thoáng khi lưu thông trong nội đô. Đặc biệt, ở Hà Nội, cảm giác dễ chịu nhất chính là khi lưu thông trên những cây cầu vượt bắc qua những “điểm nóng”, nổi tiếng về ùn tắc kéo dài tại các nút giao như Láng Hạ - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Thái Hà, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân...

Nhưng dù vậy, ùn tắc giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với người dân thành phố mỗi khi bước chân ra đường, bởi họ biết, ùn tắc giao thông mới chỉ được tạm thời khống chế chứ chưa phải đã hoàn toàn chấm dứt.

Có thể nói, hội nghị trực tuyến bàn về thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông của 2 TP Hà Nội và TPHCM được tổ chức hôm qua 11-9, cũng chính vào lúc mà nỗi lo ngại về tình trạng  ùn tắc giao thông đang gia tăng. Trong khi đại diện các địa phương rất tự hào báo cáo về thành tựu đạt được trong 5 năm triển khai nghị quyết thì người chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia lại tỏ ra “nóng lòng” về những giải pháp thực hiện. Điều băn khoăn của Phó Thủ tướng là một số giải pháp lớn được đặt ra nhằm mục tiêu giảm đáng kể áp lực giao thông nội đô lại chưa được thực hiện tốt, trong đó việc di dời các cơ quan hành chính, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn... ra khỏi trung tâm thành phố; hay việc hiện đại hóa Trung tâm điều hành giao thông công cộng; quản lý giao thông tĩnh...

Giải pháp không tạo áp lực giao thông từ lõi đô thị đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia về giao thông. Bởi theo phân tích của họ, hạ tầng khu vực nội đô dù cải thiện cỡ nào cũng không thể “đẻ” thêm được diện tích đường cho giao thông, các giải pháp như đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, tăng cường xe buýt cỡ lớn, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị… sẽ chỉ càng khiến đô thị trở nên quá tải khi lượng hành khách vào nội đô không những không giảm mà còn tăng lên.

Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc giải pháp giảm ùn tắc giao thông bằng cách không tạo áp lực từ lõi đô thị. Tuy nhiên, để giảm được áp lực giao thông từ lõi đô thị thì lại cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khác. Đã có rất nhiều giải pháp căn cơ đã được các bộ ngành đặt ra nhưng vấn đề là những giải pháp này phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn. Chẳng hạn, việc cải thiện hạ tầng giao thông đặc biệt khu vực vành đai, các trục đường hướng tâm cần được ưu tiên đầu tư, đồng thời phải làm sao để tình trạng tàn phá mặt đường do xe quá tải phải được hạn chế đến mức thấp. Thực tế là tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM, nhiều tuyến đường vành đai, nhiều cây cầu lớn được nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang bị xuống cấp bởi xe quá tải. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khi chuyển dần hoạt động ra các vùng ngoại vi thành phố, việc triển khai quy hoạch các đô thị vệ tinh phải đảm bảo tính liên kết vùng... Không chỉ vậy, những giải pháp về tổ chức lại giao thông hợp lý hơn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông... cũng phải được duy trì thường xuyên và cần được phối hợp chặt chẽ giữa các bộ-ngành. Hy vọng, ùn tắc giao thông sẽ không còn là nỗi ám ảnh lớn với người dân ở 2 thành phố lớn nhất nước trong một tương lai gần.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục