Giảm điều kiện đi đôi với siết chặt thực thi

Ngay sau dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1-5, giới đầu tư hồ hởi đón nhận Quyết định số 1408/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công thương ký ban hành về việc bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục đối với 10 lĩnh vực đang được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng lưu ý, trong số những thủ tục được cắt giảm và sửa đổi có những “nút thắt” lâu nay vẫn làm khó rất nhiều doanh nghiệp. Đơn cử như quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay điều kiện về “diện tích nhà xưởng”, “hệ thống thông gió”, “hệ thống chiếu sáng”… đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm. Hay liên quan đến điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, vốn gây nhiều tranh cãi thời gian qua, Bộ Công thương đã bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực” và tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo… Một lần nữa, đây là một minh chứng cho tinh thần, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo liêm chính, hành động và phục vụ.

Không chỉ Bộ Công thương, các bộ ngành khác cũng đang có những chuyển động đáng ghi nhận. Trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 767/QĐ-BGTVT công bố phương án cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh, tương đương 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hiện đang quản lý 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với khoảng 345 điều kiện kinh doanh đã dự kiến cắt giảm, sửa đổi 131/172 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực thú y; thức ăn chăn nuôi; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý chất lượng, sản phẩm biến đổi gen (đang được quy định tại 4 nghị định). Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, nghị định này sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 2.

Đối với các điều kiện còn lại, bộ này cho biết đã cắt giảm thêm một số tại Luật Thủy sản; tiếp tục rà soát, cắt giảm tại các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2019); các dự án Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi (sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 tới đây) và các nghị định hướng dẫn thi hành hai luật này. Bộ Tư pháp có 7 ngành, nghề là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, với 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định dự kiến cắt giảm 43 trên 98 điều kiện…

Tuy nhiên, là người luôn theo dõi sát sao công cuộc khó khăn này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khẳng định, cho đến nay mới có một số ít bộ ngành đạt mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện hành đúng tinh thần của Nghị quyết 19-2017. Thậm chí trong khi có bộ đã về đích thì có bộ thậm chí còn đang ì ạch với việc kiểm đếm, thống kê điều kiện kinh doanh. Một số bộ tuy có cắt giảm, nhưng số điều kiện, thủ tục mới phát sinh cũng… nhiều không kém. Ban hành Quyết định 1333/QĐ-BVHTTDL ngày 13-4 vừa qua (về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực du lịch thuộc phạm vi chức năng của quản lý của mình), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa “khai sinh” cho 16 thủ tục hành chính lĩnh vực du lịch, trong khi bãi bỏ 11 thủ tục hành chính cấp trung ương và 6 thủ tục  hành chính cấp tỉnh…

Vẫn theo TS Nguyễn Đình Cung, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo hiện còn 212 điều kiện kinh doanh, nhưng tính kỹ phải lên tới gần 1.000 điều kiện, vì mỗi gạch đầu dòng lại bao gồm 3, 4, thậm chí 5 điều kiện “con”. Ví dụ, để thành lập trường mẫu giáo thì điều kiện là phải có đề án thành lập phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như thế, điều kiện này gồm ít nhất 2 điều kiện “con”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong cuộc làm việc với Bộ Tư pháp mới đây cũng đã cương quyết đề nghị tiếp tục rà soát với tinh thần “những gì chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết thì bỏ”. Chỉ ra những khoảng mờ trong chính sách, ông Dũng nói: “Điều kiện “sức khỏe tốt, phẩm chất tốt” để bảo đảm hành nghề luật sư, hành nghề công chứng là như thế nào, trong khi chúng ta đã có phân loại sức khỏe cụ thể rồi? Quy định chung chung như thế thì sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu”.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, nếu tiếp tục rà soát sâu rộng hơn thì Bộ Tư pháp có thể cắt giảm tới 60% ĐKKD hiện hành, thay vì 44% như dự kiến. Chẳng hạn, với hoạt động trọng tài thương mại, không cần bất kỳ điều kiện gì với trọng tài viên. Vì lợi ích của chính họ, khi hai bên tranh chấp lựa chọn một người làm trọng tài, thì họ sẽ không bao giờ lựa chọn người không tốt nghiệp đại học, không có trình độ...

Không nên hiểu đơn giản Chính phủ kiến tạo là bỏ hết ĐKKD, hay không được đụng đến doanh nghiệp mới là tốt. Vấn đề là điều kiện phải minh bạch, khả thi; hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và thông thoáng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khâu tổ chức thực hiện cũng là hết sức quan trọng; chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe và tiền xử phạt cần được sử dụng đúng mục đích. Có như thế, mục tiêu bước vào nhóm 4 ASEAN về môi trường kinh doanh của Việt Nam mới nhanh chóng được hiện thực hóa, trong bối cảnh tất cả các nền kinh tế đều đang cạnh tranh quyết liệt. 

Tin cùng chuyên mục