Năm 2015 là một năm đặc biệt đối với đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Ðây là thời khắc kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước và 40 năm tiếp nối Sài Gòn xưa, xây dựng TPHCM… Nhìn lại quá trình xây dựng phát triển đô thị TPHCM, PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM.
Bình quân diện tích nhà ở/người tăng gần 3 lần
° PV: Ông có thể khái quát một cách chung nhất quá trình phát triển đô thị của TPHCM trong 40 năm qua?
° Ông TRẦN CHÍ DŨNG: TPHCM luôn khẳng định vị thế là một đô thị có quy mô lớn nhất nước, là đô thị đặc biệt trong phát triển. Mục tiêu cao nhất trong phát triển đô thị của TPHCM là luôn hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, giữ vững vai trò là đô thị hạt nhân của vùng TPHCM. Một trong những thành tựu lớn nhất của thành phố là không những phát triển nhanh về kinh tế với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức cao và ổn định mà còn đảm bảo phát triển hài hòa cân đối về các mặt xã hội, môi trường sống, không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong phát triển không gian đô thị, diện mạo đô thị TPHCM ngày càng to đẹp hơn. Bộ mặt kiến trúc của thành phố được cải thiện, nhiều công trình kiến trúc đã đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường và bảo tồn các di sản đô thị. Có được những thành tựu như vậy, sự đóng góp của công tác quy hoạch xây dựng đô thị là rất quan trọng.
Thời gian qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng các quận, huyện, Ban quản lý các dự án đô thị… đã thực hiện một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc, với chất lượng ngày một tốt hơn. Các nhà lập quy hoạch đã tiếp cận, chọn lọc, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trên cơ sở phát huy giá trị truyền thống trong nước trong việc xây dựng đồ án quy hoạch. Hầu hết các đồ án quy hoạch đã đáp ứng được yêu cầu về tầm nhìn xa nhưng đồng thời vẫn khả thi trong từng giai đoạn phát triển của thành phố. Hiện quy hoạch phát triển đô thị đã được phủ kín địa bàn thành phố. Ðây là công cụ hiệu quả cho công tác quản lý, phát triển đô thị. Công tác quản lý đô thị đã từng bước khoa học và bài bản hơn, giúp thành phố dần hài hòa trong môi trường phát triển kinh tế - xã hội, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa - lịch sử, phục vụ được yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
° Ông có thể so sánh vài chỉ tiêu về quy mô đô thị, diện tích nhà ở, dân số của TPHCM hiện tại với 40 năm trước?
° Trước năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của chính quyền Sài Gòn, bao gồm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh. Dân số lúc ấy khoảng 4 triệu người, tập trung chủ yếu khu vực nội thành. Tính chất đô thị là trung tâm đầu não về chính trị và quân sự của chính quyền cũ đồng thời cũng là thành phố tiêu thụ, mạnh về hoạt động thương mại dịch vụ tư nhân. Dân số phân bố không đều, có cách biệt lớn giữa nông thôn và thành thị. Cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồ sộ so với cả nước. Có 24 triệu m2 nhà ở, bình quân 6m2/người (tại thời điểm đó thủ đô Hà Nội 3m2/người trên 1 triệu trụ sở, nhà làm việc), 300.000m2 hệ thống cửa hàng, cửa hiệu, gần 200 khách sạn với 7.500 văn phòng. Hàng chục bệnh viện lớn, khá hiện đại. Hệ thống đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thuộc loại lớn, hiện đại nhất nước. Hàng chục ngàn cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó 2/3 nằm ở nội thành…
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, TPHCM ngày nay là đô thị đặc biệt của nước ta và cũng là đô thị lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thế giới, đóng vai trò đô thị hạt nhân, chủ đạo của vùng và cả nước.
Về quy mô, TPHCM hiện có diện tích 2.095km2 trong ranh hành chính bao gồm 24 quận, huyện, dân số khoảng 10 triệu người. Dự kiến đến năm 2025 dân số khoảng 12,5 triệu người, kể cả khách vãng lai. TPHCM đã xây dựng được 16 khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với diện tích khoảng 8.000ha… Ðất đô thị của TPHCM hiện khoảng 49.000ha trong khi trước năm 1975 khoảng 14.000ha. TPHCM hiện có 135 triệu m2 diện tích nhà ở với bình quân 16,9m2/người. Về thương mại, TPHCM có 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 723 cửa hàng tiện lợi và 240 chợ truyền thống (có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm).
TPHCM xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết các tồn tại
° Còn các vấn đề mà TPHCM đang đối mặt như: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị như vết dầu loang, nhiều công trình kiến trúc có giá trị chưa được bảo tồn...?
° Ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… là những “căn bệnh đô thị” thường xuất hiện trong quá trình phát triển đô thị, đặc biệt ở các đô thị có quy mô lớn, có tính chất đặc biệt như TPHCM. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề này đang được TPHCM xem xét, định hướng giải quyết trong quy hoạch phát triển đô thị TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều nội dung lớn được định hình, hoàn chỉnh trong thời gian dài đến năm 2025 với các giải pháp thực thi đồng bộ, phù hợp với nguồn lực huy động được trong quá trình phát triển thành phố.
Theo tôi, trong giai đoạn trước mắt, để hạn chế tối đa các tồn tại trên đòi hỏi có sự trách nhiệm cao, đồng lực, có cơ sở khoa học của các ngành, các cấp, nhân dân thành phố trong việc đề ra các giải pháp khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.
Ví dụ trong chống ngập, ngoài việc triển khai các dự án lớn như xây dựng hệ thống đê biển, cống ngăn triều, các dự án thoát nước hoàn chỉnh tại các lưu vực lớn… thì rất cần thiết tập trung thực hiện nhanh một số hồ điều tiết, hạn chế tối đa san lắp kênh rạch tự nhiên, xây dựng các rãnh thấm, các ô chứa cục bộ sinh học, thùng chứa nước mưa… trong các khu dân dụng, khu dân cư nhằm giảm tải cho hệ thống thoát nước trong mùa mưa. Ðồng thời cần học tập, tiếp thu kinh nghiệm các nước có địa hình thấp như Hà Lan trong phát triển đô thị sống chung với lụt, ngập nước. Quan trọng hơn nữa là tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thực thi quy hoạch, tập trung thực hiện thành công 6 chương trình đột phá về chống ngập, chống kẹt xe, ô nhiễm môi trường… theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ IX ª
NGUYỄN KHOA (thực hiện)