Chấp hành chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận (GCN) nhà đất) và thực hiện Quyết định 1550/2012QĐ-UBND TPHCM về việc thực hiện chủ trương nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2012 đến nay Sở Tài nguyên Môi trường cùng các quận, huyện đã tổ chức triển khai cấp giấy tờ nhà đất cho người dân tại địa bàn 24 quận, huyện (đối với những đối tượng chưa có giấy tờ nhà đất đầy đủ theo quy định). Đây là một trong những vấn đề đang được người dân toàn TPHCM đặc biệt quan tâm. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, xung quanh vấn đề này.
- PV: Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, tính đến đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố còn tới 311.719 GCN nhà đất mà các cơ quan có thẩm quyền cần phải cấp cho người dân. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền mới cấp được hơn 33.000 giấy, trong khi đó, kế hoạch của UBND TPHCM quy định đến tháng 6 năm 2013 phải hoàn thành công tác này. Thưa ông, liệu Sở Tài nguyên - Môi trường và các quận, huyện có khả năng hoàn thành nhiệm vụ này?
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Báo cáo của 24 quận, huyện cho thấy, trong tổng số 311.719 trường hợp thì chỉ có 180.000 trường hợp có đủ điều kiện để được cấp giấy tờ nhà đất với 2 nhóm chính là nhà ở riêng lẻ của các hộ dân tự xây dựng nhưng chưa có giấy chứng nhận và nhà ở thuộc các dự án phát triển nhà ở mà các hộ dân đã mua nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, đây vẫn là số lượng hồ sơ không nhỏ. Để hoàn thành công tác này tất cả cán bộ, công chức ngành tài nguyên - môi trường thành phố sẽ phải nỗ lực hết sức. Lãnh đạo các quận - huyện phải hết sức quan tâm, theo dõi, thường xuyên kiểm tra giám sát, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình cấp GCN nhà đất. Kết quả thực hiện công tác sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua cuối năm 2012 của cán bộ công chức, đây là một trong những giải pháp kích thích tinh thần làm việc của cán bộ, công chức.
- Nhiều người dân đã phản ánh tới Báo SGGP, thời gian cấp GCN nhà đất tại nhiều quận - huyện trên địa bàn thành phố rất chậm. Với tốc độ làm việc như thế, nếu chỉ bằng phương pháp động viên, thi đua thì làm sao Sở Tài nguyên - Môi trường và các quận - huyện hoàn thành nhiệm vụ?
Tất nhiên, bên cạnh giải pháp động viên, đôn đốc thì cần có thêm nhiều giải pháp tổ chức thực hiện hợp lý hơn, nhanh chóng hơn. Ví dụ, về kinh phí để thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác quản lý đất đai, trong đó có công tác cấp giấy tờ nhà đất. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cũng sẽ có nhiều thay đổi. Đơn cử, trong việc đo đạc lập bản vẽ nhà đất - một công việc vốn phức tạp, mất nhiều thời gian, người dân hay bị công chức gây khó khăn sẽ được cải tiến theo hai hướng: Một là căn cứ vào bản đồ địa chính, chính quy đã được lập để có cơ sở cấp giấy chứng nhận nhà đất cho dân. Hai là nếu phải trích đo trên thực tế thì Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND các quận - huyện sẽ tổ chức thực hiện thay vì để người dân tự làm như trước đây. Việc xác nhận nguồn gốc nhà đất, đất có tranh chấp hay không tranh chấp sẽ được phân công rõ ràng đến từng cơ quan, đơn vị để rút ngắn thời gian làm việc. Văn phòng Đăng ký giấy tờ nhà đất của các quận huyện sẽ tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho người dân mua nhà ở thuộc các dự án thay vì chỉ một nơi là Văn phòng Đăng ký thành phố như hiện nay.
- Thưa ông, hiện nay trên địa bàn TPHCM còn không ít trường hợp nhà cửa, đất đai vướng các vấn đề pháp lý như đất lấn chiếm, nhà xây dựng không phép, sai phép, nhà phân lô hộ lẻ chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật; dự án phát triển nhà ở có nhà xây dựng chưa đúng mẫu nhà, thay đổi thiết kế, chưa hoàn tất cơ sở hạ tầng và bàn giao cho cơ quan chức năng… Những trường hợp như vậy có được xem xét cấp GCN trong đợt này hay không?
Các trường hợp khó khăn vướng mắc như Báo SGGP nêu đã và đang được xem xét giải quyết. Ở cấp Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang hoàn thiện và chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn xử lý các trường hợp này. Riêng UBND TPHCM đã chấp thuận xem xét cấp giấy chứng nhận nhà đất cho người dân mua nhà tại các dự án phát triển địa ốc đã nhận và đang sử dụng nhà, không cần chờ dự án hoàn tất toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tất nhiên, về phía chủ đầu tư vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện công việc này. Trường hợp nhà ở đã xây dựng nhưng không đúng mẫu nhà (đối với dự án địa ốc) hoặc có thay đổi so với thiết kế,… cũng sẽ được Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận, huyện xem xét giải quyết.
Các trường hợp thuộc diện phân lô hộ lẻ còn tồn tại trước đây, nếu phù hợp quy hoạch, đã có kết cấu hạ tầng kỹ thuật tối thiểu như cấp điện, cấp - thoát nước, giao thông cũng sẽ được xem xét. Đối với các trường hợp nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các sở ngành chức năng xem xét, hướng dẫn giải quyết hoặc đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo giải quyết cụ thể.
Nguyễn Khoa
| |