Báo SGGP ngày 13-8-2013 có bài “Ngăn chặn nạn lạm thu đầu năm học” nói lên tâm tư của nhiều phụ huynh học sinh. Năm học mới đã bắt đầu và nhiều gia đình cũng đang bối rối với các chi phí đầu năm. Các khoản chi “cứng” gồm đồng phục, cặp, sách giáo khoa, học cụ, học phí, phí bán trú, học phí học hai buổi…
Tại TPHCM, học phí đã được điều chỉnh tăng theo Quyết định 27/2013/QĐ-UBND ngày 5-8-2013 của UBND TPHCM. Theo đó, các cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, bổ túc THCS, THPT khu vực nội thành sẽ có mức học phí mới tăng gấp 3 lần, cấp THCS tăng 5 lần và bổ túc THPT tăng 2 lần. Giá các khoản khác như đồng phục, cặp, dụng cụ học tập… cũng có xu hướng tăng do biến động của thị trường. Còn các khoản chi “mềm” gồm những mục đóng góp với nhà trường, phí hội phụ huynh, quỹ lớp… dù mang danh là tự nguyện nhưng không đóng là không được và cũng luôn có xu hướng tăng.
Các khoản chi phí đầu năm học luôn là gánh nặng cho nhiều gia đình nghèo, bởi thu nhập thường không tăng nhưng chi phí luôn ngược lại, khiến những gia đình không thể tích lũy, thậm chí phải chạy vạy vay mượn để chi một khoản đáng kể đầu năm. Đó là các hộ gia đình công nhân, người lao động tự do, người làm công ăn lương… Còn các hộ nghèo, gia đình chính sách, tuy con được miễn giảm học phí, nhưng các khoản chi khác đầu năm học (lớn hơn nhiều so với học phí) vẫn khiến các hộ nghèo phải khốn đốn.
Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện giảm gánh nặng đầu năm học cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn. Trước hết, chính sách miễn và giảm học phí phải được đầy đủ, triệt để, áp dụng cả hộ nghèo và cận nghèo. Vì vậy, việc bình xét hộ nghèo và cận nghèo phải sát thực tế, tránh chủ quan, hình thức hoặc sai đối tượng. Năm 2013, TPHCM tiếp tục bình ổn thị trường đối với 3 nhóm mặt hàng gồm tập vở, đồng phục học sinh và cặp - ba lô - túi xách.
Rất mong chương trình bình ổn đối với các mặt hàng phục vụ cho mùa khai trường được thực hiện rộng rãi, có hiệu quả. Các địa phương cần rà soát các hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khó khăn khác để hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ được tham gia chương trình bình ổn, nhằm góp phần giảm khó khăn cho các hộ này.
Ngoài ra, ngành giáo dục cần giám sát chặt chẽ việc vận động thu dưới hình thức tự nguyện để tránh xảy ra hiện tượng một số trường lạm thu. Cần quản lý, giám sát các bữa ăn ở lớp bán trú để hạn chế tình trạng một số trường không tăng hoặc tăng ít phí bán trú nhưng để bữa ăn của học sinh teo tóp, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh…
Trước đầu mỗi năm học, chính quyền địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp nên rà soát, tìm hiểu kỹ tình hình học tập của con em người dân trên địa bàn, của người lao động trong đơn vị để có biện pháp hỗ trợ cần thiết và kịp thời.
TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)