Giảm kiểm tra chuyên ngành để khai thông xuất nhập khẩu

Theo nhiều doanh nghiệp, việc thông quan hàng hóa hiện nay đang bị cản trở bởi hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Có 50% mặt hàng phải chịu kiểm tra từ 2 - 3 bộ, trở thành rào cản trong giao lưu hàng hóa giữa các nước. Do vậy, tại hội nghị “Thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN”, có nhiều ý kiến đóng góp về việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, tạo thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí để doanh nghiệp thêm cơ hội cạnh tranh, phát triển…
Hải quan tại cảng Cát Lái giải quyết hồ sơ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Hải quan tại cảng Cát Lái giải quyết hồ sơ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm thời gian, tiết kiệm chi phí

Theo Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới (WB) khi đánh giá về môi trường kinh doanh cho biết, trong năm 2017, thời gian thông quan hàng xuất khẩu trực tiếp tại các cửa khẩu của Việt Nam đã giảm được 3 giờ (từ 58 giờ còn 55 giờ), hàng nhập khẩu giảm được 6 giờ (từ 62 giờ xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu giảm được 19 USD/lô hàng. Theo ước tính, với trên 11 triệu tờ khai trong năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho khâu thủ tục thông quan và tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu, trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.

Với con số ấn tượng đó, WB cho biết, môi trường kinh doanh năm 2016 và 2017 của Việt Nam giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu khu vực ASEAN.

Riêng với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, việc cắt giảm mặt hàng ra khỏi dánh sách kiểm tra lại không nhiều. Sau 3 năm (2015-2018), số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm từ 82.760 mặt hàng xuống còn 78.390 mặt hàng. Số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu cũng giảm tương ứng, từ 30% (năm 2015) xuống còn 19,4% (năm 2017).

Tuy vậy, với con số này, các doanh nghiệp vẫn còn than phiền rằng, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn; nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản, hài hòa về quy trình thủ tục chưa cao.

Nguyên nhân do việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thuộc Chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu; cơ chế một cửa quốc gia chỉ mới đáp ứng mục tiêu về thủ tục hành chính phục vụ khâu thông quan, nhưng chưa đáp ứng việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của nhà nước.

Vẫn vướng kiểm tra chuyên ngành

Rào cản lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay là do hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Theo TS Nguyễn Đình Cung, hiện còn hơn 50% số mặt hàng đang phải chịu sự kiểm tra của từ 2 - 3 bộ và thậm chí trong một bộ, một mặt hàng còn có thể bị 2 - 3 cục kiểm tra. Có tình trạng, việc “buông” kiểm tra chuyên ngành sẽ làm mất lợi ích nên nhiều nơi chỉ cải cách, cắt giảm thủ tục ở mức hình thức. Chẳng hạn một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm thủ tục có ít mặt hàng, còn nhóm nhiều mặt hàng thì không cắt giảm. Cho nên, dù các bộ báo cáo đã cắt giảm phần lớn thủ tục nhưng thực chất chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay ở lĩnh vực kiểm dịch động thực vật đang tồn tại các loại chi phí kiểm dịch bất hợp lý khiến doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành phải giảm tỷ lệ các lô hàng kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Việc kết nối cơ chế một cửa ASEAN hiện nay cũng thế, những thủ tục nào mất ít quyền lợi thì kết nối, còn những thủ tục mất nhiều quyền lợi thì không được kết nối, gây cản trở quá trình thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có một bộ phận độc lập làm công tác chỉ đạo liên ngành, tránh lợi ích cục bộ. 

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rõ các bộ, ngành liên quan không được dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ lưu thông hàng hóa.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các mục tiêu về xuất nhập khẩu, thì một trong các giải pháp quan trọng đó là thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong nhóm đầu các nước ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá sự tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Nhà đầu tư, khách du lịch đến Việt Nam phải tiếp cận được môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi.

Tin cùng chuyên mục