Những tháng gần đây, chi phí đầu vào tăng cao nên bài toán “thắt lưng, buộc bụng” đã trở thành khẩu hiệu tại hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở TPHCM.
Không chỉ tiết kiệm
Ít có khi nào việc tiết kiệm được đặt ra rộng rãi tại TPHCM như hiện nay. Hai từ “tiết kiệm” trở thành khẩu hiệu, được dán trên các băng rôn treo ở khắp phân xưởng, nhà máy của rất nhiều DN. Tiết kiệm là vấn đề sống còn để tăng khả năng cạnh tranh nhằm đảm bảo doanh thu theo kế hoạch của DN.
Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) cho biết, hiện giá nguyên liệu cao su đã tăng thêm 20% so với cuối năm 2009, đó là chưa kể hàng loạt các chi phí đầu vào đã tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay. Nếu cứ căng theo giá đầu vào để tăng giá bán thành phẩm sẽ không ổn. Để đối phó với bài toán giữ giá hoặc tăng ở mức thấp nhất có thể, Casumina đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau: giảm tối đa các chi phí văn phòng, giảm hao hụt trong sản xuất, cắt bớt chi phí quảng cáo…
Tuy nhiên, theo ông Trí trong bối cảnh hiện nay nếu chỉ tiết kiệm chưa đủ, do đó Casumina đã đầu tư vào các đồn điền cao su để khai thác mủ, phục vụ cho xuất khẩu. Lấy lợi nhuận từ giá xuất khẩu tăng cao để bù vào chi phí sản xuất trong nước. Trên thực tế, cách đầu tư chéo này đã mang lại những kết quả nhất định, nhất là trong tình hình giá cao su thế giới đang tăng mạnh và diễn biến rất phức tạp như hiện nay.
Ngoài ra, hàng năm Casumina cũng đầu tư mới khoảng từ 60-80 tỷ đồng vừa thay dần những thiết bị lạc hậu vừa đa dạng hóa sản phẩm. Để chuẩn bị tốt hơn cho việc cạnh tranh, trong 2-3 năm tới Casumina sẽ hoàn thành dự án đầu tư mới với tổng vốn 2.000 tỷ đồng để cho ra những sản phẩm tiên tiến, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo tính toán của ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, hiện chi phí đầu vào đã tăng khoảng 4%, đây là mức tăng rất cao đối với một DN sản xuất. Vì vậy, bài toán cắt giảm tối đa các chi phí đã trở thành mệnh lệnh tại tất cả các khâu quản lý, sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, việc tiết kiệm gần như đã bão hòa trong bối cảnh giá điện, xăng đều tăng nên để giữ giá thành sản phẩm không tăng vọt, DN phải tăng cường dự trữ nguyên liệu, đầu tư đổi mới thiết bị máy móc để giảm tiêu hao năng lượng
Còn ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Công ty Vissan thì khẳng định, trong tình hình hiện nay tất cả các DN đều phải “thắt lưng, buộc bụng”. Riêng Vissan, tiết kiệm không nói suông mà được cụ thể bằng văn bản, bằng thưởng phạt nghiêm minh mới đạt hiệu quả. Mặt khác, để kiềm chế giá hàng hóa, Vissan cũng phối hợp với các đối tác để tạo nguồn hàng dồi dào, đáp ứng cho sản xuất kinh doanh trong một thời gian nhất định. Với cách làm này, mặc dù lợi nhuận có thể không đạt như mong muốn, song Vissan có cơ sở để bình ổn giá hàng hóa.
Bảo vệ sức mua
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, hiện một số nhóm hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ cao su, nhựa… đã tăng 5% kể từ ngày 1-3. Trước đó, sữa bột và sữa nước cũng đã điều chỉnh mức tăng từ 7%-10%. Riêng nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, chế biến và đông lạnh cùng nhiều mặt hàng khác cho đến thời điểm này đang có xu hướng giảm.
Nguyên nhân chính, thị trường đang rơi vào tháng mua sắm thấp điểm, để kích cầu tiêu dùng, hàng loạt siêu thị lớn như Big C, Co.opMart đang thực hiện các chương trình giảm giá đặc biệt. Thậm chí có những sản phẩm giảm tới 50% nhằm chia sẻ với người tiêu dùng.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, để thực hiện được các chương trình khuyến mại lớn, ngoài việc DN phải đủ khả năng về tài chính xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần để dự trữ hàng hóa với khối lượng lớn, thì Saigon Co.op chấp nhận giảm một phần chiết khấu để giảm giá cho khách hàng. Đối với các loại thực phẩm tươi sống, Saigon Co.op thường phải đến đặt hàng tận các nhà vườn và ứng tiền trước cho nông dân để ổn định nguồn hàng. Làm được việc này, DN sẽ giảm được các chi phí trung gian, từ đó đưa ra mức giá cạnh tranh nhất.
Để chia sẻ với người tiêu dùng, ngoài các chương trình khuyến mại, hàng năm Saigon Co.op còn thưởng chiết khấu cho khách hàng thông qua chương trình khách hàng thân thiết. Với cách kinh doanh này, về doanh thu vẫn tăng trưởng tới 40% nhưng lãi gộp rất thấp.
Tương tự, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của Big C cho rằng, dù chi phí trong kinh doanh đã tăng đáng kể, song chiến lược của Big C trong năm 2010 là đẩy mạnh kích cầu và bảo vệ sức mua của người tiêu dùng. Việc giảm giá lớn đối với các mặt hàng thiết yếu, với mức giảm rất rõ ràng, mang tính cạnh tranh cao cũng đồng nghĩa lãi của nhà phân phối rất thấp.
Áp lực từ việc giảm giá, khuyến mại tại các siêu thị lớn đã lan tỏa đến rất nhiều hộ kinh doanh cá thể tại TPHCM.
Chị H. tiểu thương hàng chạp phô chợ Văn Thánh cho biết: “Hồi trước đại lý giao hàng giá bao nhiêu thì tôi bán bấy nhiêu. Bây giờ bán hàng mà không “nhìn trước ngó sau” thì sẽ rất khó. Vì cùng một mặt hàng mà giá bán trong chợ và siêu thị bằng nhau (thậm chí còn thấp hơn do khuyến mại) thì làm sao người buôn bán nhỏ sống được. Cách tốt nhất là dò giá siêu thị, từ đó tự cân đối mức lãi mới giữ được khách”.
Theo tính toán, mức chi tiêu hiện đã tăng tới 2,5 lần so với năm 2007, mặt bằng giá hiện nay đã quá cao so với thu nhập bình quân. Để đảm bảo doanh thu, các DN sản xuất và phân phối không còn đường nào khác: tìm mọi cách ổn định giá. Chưa bao giờ bài toán doanh thu – lợi nhuận được đặt ra một cách sòng phẳng như hiện nay.
Thúy Hải