* Từ 15-7: Giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ còn 15%/năm
(SGGP).- Hôm qua, 7-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2012, tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tính đến 30-6, tín dụng mới tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tín dụng tăng khoảng 1,4%). Tín dụng chung của hệ thống tăng thấp nhưng lại tăng cao đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên và giảm mạnh đối với lĩnh vực không khuyến khích.
Đến 31-5, tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%; nông nghiệp nông thôn tăng 3%; công nghiệp hỗ trợ tăng 7,13%. Dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 5,25% tổng dư nợ, giảm 5,91% so với tỷ trọng cuối năm 2011 (11,16%). Một kết quả đáng ghi nhận khác, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm và có xu hướng cải thiện so với cuối năm 2011.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết vấn đề nổi lên cần xử lý trong 6 tháng cuối năm là tín dụng tăng thấp và khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Theo NHNN, tín dụng giảm có nhiều nguyên nhân như: cầu tín dụng ở mức thấp do cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, khả năng trả nợ ngân hàng của DN và người dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra. Thị trường BĐS thanh khoản kém, gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức tín dụng do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc từ BĐS, bởi vậy các tổ chức tín dụng có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn tín dụng.
Thực tế thời gian qua hoạt động của các tổ chức tín dụng cơ bản là an toàn nhưng cân đối vốn chưa được cải thiện, nợ xấu tăng. Đến cuối tháng 5-2012, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%).
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu. Hơn nữa, đến cuối tháng 5-2012, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong 6 tháng cuối năm cần triển khai quyết liệt các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lãi suất cho vay mặc dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao (trên 16%/năm) vẫn còn lớn.
Vì thế, để hỗ trợ một cách thiết thực cho DN, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh lãi suất cho vay với các khoản vay cũ về mức 15%/năm trở xuống, thực hiện ngay từ ngày 15-7 tới đây. Với khoản vay mới, lãi suất cho vay theo mặt bằng lãi suất huy động mới nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng vay. Dự kiến, đầu tuần tới, NHNN sẽ có văn bản chỉ đạo trên toàn hệ thống để các NHTM có cơ sở thực hiện.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực tiếp làm việc với các NHTM trên địa bàn để triển khai định hướng trên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, năm 2012 để đạt mức tăng trưởng cận dưới 6% là vô cùng khó khăn. Thời gian tới, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nhưng điều đó không phải nới lỏng chính sách mà làm trong phạm vi cho phép, bởi hiện nay dư địa tăng tín dụng còn khá nhiều. NHNN cần tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với tình hình sản xuất và thị trường, kiểm soát lãi suất, đặc biệt là lãi suất đầu ra, tạo điều kiện hỗ trợ DN khôi phục sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành ngân hàng và bản thân mỗi ngân hàng phải nhanh chóng đánh giá lại thực trạng nợ, đặc biệt là nợ xấu; phân tích nguy cơ với từng khoản nợ để có giải pháp xử lý ngay, phù hợp với từng khoản nợ. Về cơ cấu tín dụng, ngoài việc ưu tiên cho các lĩnh vực được khuyến khích thời gian tới ngân hàng cũng cân nhắc để có thể mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực khác, kể cả tiêu dùng hợp lý.
| |
B. MINH