Giảm lãng phí và tăng hiệu quả nhờ đi vào năng suất chất lượng

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tiết kiệm được chi phí, thải bỏ những quy trình thừa và tăng hiệu quả đầu tư, phát triển bền vững nhờ đẩy mạnh áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý năng suất, chất lượng.
Giảm lãng phí và tăng hiệu quả nhờ đi vào năng suất chất lượng

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tiết kiệm được chi phí, thải bỏ những quy trình thừa và tăng hiệu quả đầu tư, phát triển bền vững nhờ đẩy mạnh áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý năng suất, chất lượng.

Thành công nhờ đi vào năng suất chất lượng

Phong trào năng suất chất lượng ở Việt Nam đã được hình thành từ rất sớm và đặc biệt, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 712 triển khai chương trình quốc gia Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Chương trình này được triển khai trên cơ sở các dự án thành phần với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì một số dự án và các dự án khác do các bộ ngành: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. Chương trình quốc gia này cũng có dự án nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh, thành phố. Nội dung chính của các dự án này là thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng.

Về dự án của Bộ KH&CN, đến nay đã xây dựng được trên 200 doanh nghiệp là các mô hình điểm áp dụng giải pháp quản lý tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, thời gian và lãng phí... Qua các giải pháp đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải tiến đạt 20% -25%. Ngoài ra, các mô hình còn đang được nhân rộng cho khoảng 500 doanh nghiệp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

 

Từ năm 1996 - 2013 đã có 1.548 lượt doanh nghiệp được tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Mới đây, Hội đồng Quốc gia GTCLQG đã họp và đưa ra danh sách 25 doanh nghiệp được xem xét, thẩm định tại doanh nghiệp để đề nghị trao Giải vàng Chất lượng Quốc gia năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, trên cơ sở xét tuyển hồ sơ, ban tổ chức thống nhất danh sách 71 doanh nghiệp của 35 Hội đồng sơ tuyển được xét trao giải năm 2014. Thống nhất danh sách 22 doanh nghiệp được HĐQG đi thẩm định tại doanh nghiệp để xem xét trao giải Vàng, 9 doanh nghiệp không đi thẩm định tại doanh nghiệp và không đề xuất trao giải Vàng.

 

Theo Viện Năng suất Việt Nam, hiện có nhiều mô hình thử nghiệm, doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của doanh nghiệp mình. Cụ thể như các mô hình thử nghiệm: ISO 50001, TPM, Lean, MFCA, ISO 22000, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, ISO 9001... Trong đó, 5S đang rất được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, áp dụng và đã có nhiều bài học thành công, đem lại hiệu quả, diện mạo doanh nghiệp đổi khác. 5S cũng là một công cụ thân thiện, áp dụng dễ dàng đối với tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam; giúp các doanh nghiệp hướng tới công việc thuận lợi, dễ dàng; góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất và an toàn.

Bước đầu áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng như vậy, các doanh nghiệp như Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài, Công ty Điện lực Sơn La, Công ty Thủy điện Ialy, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty TNHH ROBOT, Xí nghiệp Tân Á (thuộc Cadivi), Bệnh viện Việt - Pháp (ảnh), Bộ Công thương hay Công ty CP May Nam Hà, MB Bank, Techcombank và các đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines… đã đạt được những kết quả khả quan. Đây cũng là những đơn vị rất điển hình về việc đẩy mạnh áp dụng và phát huy hiệu quả công cụ nâng cao năng suất, chất lượng vào doanh nghiệp thời gian qua.

Ví dụ điển hình tại Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội), với sự hỗ trợ của Viện Năng suất Việt Nam, Bệnh viện này đã tìm hiểu, nghiên cứu và cam kết triển khai mô hình quản lý theo phương pháp Lean&Sigma (LSS).

Ông Luicien Blanchard - Giám đốc Điều hành của Bệnh viện Việt - Pháp cho biết, sau 8 tháng thực hiện đã thực hiện cải tiến quá trình thực hiện xét nghiệm, đạt được mục tiêu 95,9% trả kết quả xét nghiệm đối với bệnh nhân khám sức khỏe trong vòng 360 phút; 95.3% đối với bệnh nhân khám ngoại trú thông thường trong vòng 240 phút, giảm số lượng các bước trong quá trình xét nghiệm từ 58 xuống 48 bước giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm, giảm lãng phí và sai sót, đem lại sự hài lòng cho cả bệnh nhân (khách hàng bên ngoài) và đội ngũ y bác sĩ (khách hàng nội bộ). Cũng từ kết quả của dự án, bệnh nhân có thể tự tra kết quả xét nghiệm qua mạng mà không cần tới bệnh viện, đồng thời được sự hỗ trợ và tư vấn của bác sĩ online hoặc qua điện thoại, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các bệnh nhân là người nước ngoài hoặc ở các tỉnh xa không có điều kiện đi lại...

Hoặc như tại Công ty CP May Nam Hà, Lean Six Sigma (LSS) và KPIs được triển khai áp dụng trong khoảng 10 tháng và đã mang lại hiệu quả và năng suất, chất lượng cho các dây chuyền sản xuất, giảm thiểu chi phí, tăng trưởng cao hơn trước đó. Ban lãnh đạo công ty này cho biết, qua đo lường, có thể khoanh vùng những điểm được coi là nút thắt cổ chai của quá trình và tập trung vào giải quyết các nút thắt cổ chai này. Đương nhiên, khi các nút thắt cổ chai được giải quyết, quá trình sẽ được thông thoáng, hiệu quả sẽ tăng lên rõ nét.

Còn ông Ngô Văn Sỹ - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai cho biết, công ty này vừa được Viện Năng suất Việt Nam đánh giá cấp chứng chỉ Thực hành tốt 5S. Sau gần 1 năm nỗ lực thực hiện chương trình 5S, công ty đã thiết lập được những chuẩn mực trong việc quy định nội dung thực hành tốt 5S.

“Kể từ khi triển khai áp dụng chương trình thực hành tốt 5S đến nay, năng suất làm việc tại các đơn vị đã được cải thiện một cách rõ rệt, ý thức về giữ gìn vệ sinh lao động, môi trường làm việc của từng CBCNV được nâng cao”. Có thể nói rằng Kaizen-5S là công cụ hiệu quả trong việc cải tiến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và Công ty Thủy điện Đồng Nai nói riêng”, ông Ngô Văn Sỹ nói.

Hay như tại Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), 5S đã và đang được triển khai tại trụ sở Tổng Công ty từ 3 năm nay và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của Ban lãnh đạo và tất cả các cán bộ - nhân viên Tổng Công ty.

Theo đánh giá của PTSC, chương trình 5S đã thiết lập một điểm đặc biệt thay đổi trong văn hóa làm việc của tất cả mọi người, làm thay đổi cách suy nghĩ, thái độ và những thói quen làm việc, yêu cầu tính trách nhiệm, năng lực quyền hạn của mỗi người, ảnh hưởng đến qui trình, bố trí văn phòng, mặt bằng khu vực làm việc, đi lại… và bắt đầu phát huy hiệu quả không chỉ về mặt định lượng như các nội dung đưa ra trong hướng dẫn thực hiện chương trình 5S của Tổng Giám đốc ban hành. Cao hơn nữa, đây chính là nét đẹp về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, góp phần làm tăng hiệu quả xử lý công việc.

Và họ được tôn vinh như thế nào

Ngoài việc đánh giá khách quan và được chứng nhận là doanh nghiệp áp dụng các công cụ, mô hình và hệ thống quản lý tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả, năng suất cao, thành tích cao hơn cả là các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp trong tái cơ cấu, phát triển và áp dụng các mô hình, công cụ tiên tiến vào sản xuất, hoạt động, kinh doanh, thêm một cơ hội nữa là doanh nghiệp có thể tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Đây là giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ xét duyệt với sự thẩm định kỹ lưỡng của các hội đồng giải thưởng ở từ địa phương đến Trung ương. Giải thưởng này là một bộ phận của Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA).

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam phát biểu

Mới đây, các công ty như: Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (tỉnh Bắc Giang), Ngân hàng Thương mại CP Quân đội (MB) và Công ty Cổ phần Sài Gòn Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã được Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO) quyết định trao giải thưởng GPEA. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò của lãnh đạo, hoạch định chiến lược, định hướng vào khách hàng và thị trường, đo lường, phân tích và quản lý tri thức, phát triển nguồn nhân lực, quản lý các quá trình hoạt động và kết quả kinh doanh.

Cụ thể như tại Ngân hàng Thương mại CP Quân đội - ngân hàng duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này đạt giải thưởng GPEA của APQO. MB được APQO đánh giá cao rất cao và ghi nhận năng lực hội nhập của MB dựa trên các thông lệ quốc tế về lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho thấy định hướng chiến lược quản trị chất lượng MB đã tiệm cận được các hệ thống quản lý tiên tiến trên thế giới, cũng như sự nỗ lực của ngân hàng. Trong suốt quá trình phát triển 20 năm qua, MB đặc biệt coi trọng quản trị tri thức và nhận thức rõ đây là mấu chốt quan trọng nhất trong nền tảng phát triển kinh doanh bền vững.

Hiện nay, MB là một trong số ít các ngân hàng Việt Nam sớm áp dụng các hệ thông tiêu chuẩn chất lượng quốc tế với nhiều công cụ quản lý hiệu quả như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, áp dụng phương pháp Lean - Six Sigma vào việc tái thiết kế quy trình hoạt động, quy trình kinh doanh. Cơ sở dữ liệu của MB được từng bước tập trung, hệ thống hóa. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động theo KPI được đánh giá thường xuyên, bám sát các mục tiêu kế hoạch, nhằm đảm bảo hoàn thành kết quả kinh doanh tốt nhất. Hệ thống KPIs được thiết lập đến từng đơn vị/cá nhân đã giúp MB quản trị nguồn nhân lực chất lượng hiệu quả.

Hoặc như Công ty CP Sài Gòn - Phú Quốc lại được APQO trao tặng Giải thưởng GPEA và ghi nhận quá trình phấn đấu, nỗ lực, lao động sáng tạo và cải tiến chất lượng không ngừng của toàn thể công ty. Sài Gòn - Phú Quốc đã xây dựng các nguồn lực theo chuỗi giá trị: nghiên cứu sản phẩm - phát triển hệ thống bán hàng toàn cầu GDS, dịch vụ lữ hành trên mạng OTA (Online Travel Agent), các hãng lữ hành trong và nước ngoài, các công ty, văn phòng đại diện trong nước và khách lẻ, hệ thống xử lý nước thải loại A bằng hệ thống vòi tự động với công nghệ thân thiện môi trường, áp dụng các hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004, ISO 9001:2008, công cụ quản lý khách sạn 5 sao của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Tiêu chuẩn kỹ năng nghề VTOS của Dự án Ủy ban Nguồn nhân lực châu Âu (Dự án EU) và Tổng cục Du lịch Việt Nam - Tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Để tăng lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực lưu trú và duy trì khu nghỉ dưỡng 5 sao hàng đầu về chất lượng và vẫn nằm trong TOP 10 khách sạn đứng đầu tại khu vực Đông Nam Á đến năm 2025, Sài Gòn - Phú Quốc đã và đang từng bước áp dụng quản lý chất lượng toàn diện. Đây là sự phát triển theo chiều sâu, kế thừa ISO, nâng quản lý chất lượng lên tầm văn hóa doanh nghiệp; phát huy cao nhất vai trò, yếu tố sáng tạo của con người và đồng hành cùng các hoạt động xã hội…

Nguyễn Nam

Tin cùng chuyên mục