Nhiều bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa luôn đông nghịt bệnh nhân, mỗi giường bệnh phải nằm ghép 2-3 người, thậm chí bệnh nhân còn nằm cả dưới gầm giường. Thực tế tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM đã kéo dài lâu nay, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng nhiều tới người bệnh.
Trước thực trạng này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TPHCM.
Quá tải - Bệnh kinh niên
Đây là thực trạng diễn ra lâu nay tại nhiều bệnh viện đa khoa lớn và bệnh viện chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, sản, nhi… ở Hà Nội và TPHCM. Người bệnh mỗi khi đi khám chữa bệnh tại những bệnh viện lớn không chỉ phải chịu cảnh chen chúc, xếp hàng chờ đợi hàng giờ mới được khám bệnh vài phút mà ngay cả những bệnh nhân nội trú cũng phải gánh chịu 2-3 người/giường bệnh. Thậm chí mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình quá tải Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn phải chứng kiến không ít bệnh nhân, già có, trẻ có phải lấy gầm giường, sàn nhà làm chỗ… đặt lưng, thay cho giường bệnh vì bệnh viện không còn đủ giường để phục vụ bệnh nhân.
Rõ ràng, tình trạng quá tải trầm trọng tại nhiều bệnh viện đang ảnh hưởng không ít tới chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng điều trị cho người bệnh mà ngay cả bệnh viện và y bác sĩ cũng phải gánh chịu nhiều vất vả, căng thẳng, mệt mỏi khi ngày nào cũng phải khám chữa bệnh cho một lượng bệnh nhân ngồn ngộn. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trước tình trạng quá tải trên, trong thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM đã áp dụng không ít biện pháp để giảm tải, giảm sự chờ đợi, phiền hà của người bệnh.
Trong đó, chỉ tính riêng năm 2012, các bệnh viện đã đưa thêm khoảng 1.350 giường bệnh mới vào sử dụng nhưng thực tế quá tải vẫn diễn ra, công suất sử dụng giường bệnh vẫn tăng khủng khiếp. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, hàng năm, công suất sử dụng giường bệnh lên tới 150%-200%, thậm chí có những khoa điều trị phẫu thuật, xạ trị, tim mạch, hô hấp… công suất sử dụng giường bệnh lên tới 300%. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo công suất sử dụng giường bệnh không nên vượt quá 85%.
7 năm nữa hết quá tải?
Trước vấn đề bức xúc trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020 của Bộ Y tế, với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú. Đồng thời cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép giường vào năm 2015 và phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2013 - 2015, tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi đề án từ trung ương đến địa phương.
Đáng chú ý, trong đề án, Thủ tướng yêu cầu giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (trên 120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM xuống dưới 100%. Nâng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Đồng thời, giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. Bảo đảm mỗi bác sĩ khám dưới 50 người bệnh/ngày làm việc vào năm 2015 và dưới 35 người bệnh/ngày làm việc vào năm 2020. Thủ tướng cũng chỉ rõ, trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TPHCM.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho 5 chuyên khoa nói trên.
Cụ thể, đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh. Bộ Y tế ưu tiên tăng thêm số giường bệnh ở tuyến tỉnh và thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa trên theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM làm bệnh viện hạt nhân.
Đồng thời phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân, phấn đấu mỗi chuyên khoa nêu trên có từ 15 bệnh viện, khoa vệ tinh trở lên. Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh nhằm từng bước giảm số lượng người bệnh từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên. Đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM.
NGUYỄN QUỐC