Giám sát các cơ sở hóa chất

Đúng như phản ánh trong bài “Ẩn họa từ các cơ sở hóa chất” đăng trên Báo SGGP ngày 22-10, việc kinh doanh, chứa trữ các loại hóa chất độc hại, có nguy cơ phát nổ trên địa bàn TPHCM hiện không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Đúng như phản ánh trong bài “Ẩn họa từ các cơ sở hóa chất” đăng trên Báo SGGP ngày 22-10, việc kinh doanh, chứa trữ các loại hóa chất độc hại, có nguy cơ phát nổ trên địa bàn TPHCM hiện không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Trên địa bàn TPHCM, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nằm rải rác, xen kẽ trong khu dân cư. Do vậy, một khi xảy ra sự cố, không chỉ chủ kinh doanh lãnh hậu quả, mà rất nhiều hộ dân sống gần đó cũng bị vạ lây. Phần lớn các vụ cháy nổ hóa chất đều do chủ quan, xem nhẹ quy định pháp luật của cư dân và các hộ sản xuất, kinh doanh…

Qua kiểm tra, giám sát tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất hiện nay, cho thấy hầu như “đụng đâu sai phạm đó”. Mới đây, lực lượng liên ngành quản lý thị trường TPHCM phát hiện gần 275 tấn hóa chất không rõ nguồn gốc tại Tổng kho Linh Xuân (quận Thủ Đức). Trong đó, có khoảng 1,6 tấn hóa chất hết hạn sử dụng từ năm 2012 nhưng chưa được tiêu hủy. Đáng chú ý, thông tin từ Sở Công thương TPHCM cho biết, khoảng 2/3 các cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp hiện nay trên địa bàn TPHCM chưa có đầy đủ giấy phép kinh doanh theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc “những trái bom” hóa chất chờ cháy nổ bất kỳ lúc nào, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân.

Chỉ cần dạo một vòng quanh khu chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) sẽ phải ớn lạnh bởi việc kinh doanh hóa chất hết sức tùy tiện. Nhiều điểm bán đang sang chiết hóa chất trực tiếp, không theo quy trình đảm bảo an toàn; ngoài ra, người bán cố tình trưng bày các can nhựa đựng dung dịch hóa chất ra ngoài trời nắng để thu hút khách hàng. Việc sang chiết, trưng bán hóa chất thế này rất nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Thực tế, cơ quan chuyên trách hiện nay chỉ quản lý, xử phạt những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất kiểu giải quyết bề nổi. Nên quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp cho cán bộ lãnh đạo địa bàn dân cư, bởi chỉ có địa phương mới biết rõ, nắm chắc “bệnh” của địa bàn mình. Song song đó, từng địa phương cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết các quy định phòng chống cháy nổ, mua bán, sử dụng hóa chất an toàn. Tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã từng xảy ra trong suốt thời gian qua.

 
THANH TUẤN (quận 10, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục