Giám sát chặt chẽ sự lưu hành các chủng virus cúm

° Tăng cường nhân lực, thiết bị y tế tại các cửa khẩu phía Bắc

(SGGP).– Ngày 10-2, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết tới thời điểm này Việt Nam chưa phát hiện các ca nhiễm cúm A/H7N9, A/H10N8 và A/H6N1 trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch cúm trên gia cầm đang diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 được ghi nhận tại một số địa phương. Đặc biệt, nguy cơ virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam rất cao do số người mắc virus cúm nguy hiểm này đang gia tăng đột biến trong hơn 1 tháng qua, với số ca mắc nhiều hơn so với số tích lũy của cả năm 2013. Hơn nữa, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc mới cúm A/H7N9, trong khi đây là nơi có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Đáng lo ngại, virus cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.

Đáng chú ý, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc vừa thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H7N9 từ mẫu bệnh phẩm lấy từ gia cầm tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng là tỉnh giáp với Việt Nam, điều này cung cấp thêm bằng chứng về sự tồn tại của virus trên gia cầm và nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người. Bên cạnh đó, việc buôn bán vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung Quốc rất khó kiểm soát. Thêm vào đó là tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư khiến cho việc kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra gặp khó khăn. Đồng thời, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, làm tăng nguy cơ dịch bệnh, cũng như thời tiết giao mùa đông xuân thuận lợi cho virus cúm phát triển làm tăng nguy cơ dịch bệnh.

Trước nguy cơ trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị y tế chức năng và các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành các chủng virus cúm trên gia cầm, nhất là chủng virus cúm A/H7N9, A/H10N8, A/H6N1 và A/H5N1. Khi dịch bệnh xuất hiện cần kịp thời thông báo cho Bộ Y tế để triển khai các biện pháp phòng lây truyền bệnh sang người. Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt công tác quản lý thị trường nhằm ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, nhất là tại các chợ đầu mối... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 không hoang mang làm ảnh hưởng việc cung ứng và tiêu thụ gia cầm cùng các sản phẩm gia cầm. Khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam, hiện nay tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hoạt động phòng, chống loại virus cúm nguy hiểm này đang được đẩy mạnh. Bà Bùi Thị Lộc, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai, cho biết Sở Y tế Lào Cai đã tăng cường nhân lực và thiết bị y tế nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 nhập cảnh vào nước ta tại các cửa khẩu và lối mở biên giới của tỉnh Lào Cai. Trong đó, tại cửa khẩu đường bộ quốc tế Lào Cai, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế bố trí 2 nhân viên có chuyên môn cao thường trực tại lối nhập cảnh, lắp đặt máy đo thân nhiệt để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ du khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào nội địa. Tại đây, cũng có phòng cách ly khẩn cấp với đầy đủ trang thiết bị cần thiết để kịp thời cách ly, sàng lọc, phân loại các đối tượng khi phát hiện bị nhiễm cúm A/H7N9. Còn tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành, trung tâm đã lắp đặt một máy phun khử trùng tự động hoạt động liên tục trong thời gian mở cửa khẩu, nhằm sát trùng, khử khuẩn các phương tiện nhập cảnh vào Việt Nam.

Còn tại Lạng Sơn, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết mỗi ngày có hơn 1.000 lượt khách qua lại các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma. Do đó để ngăn chặn cúm A/H7N9 xâm nhập, tại các cửa khẩu, trung tâm đã đặt các máy theo dõi thân nhiệt từ xa, cử đội ngũ y, bác sĩ trực kiểm soát dịch 24/24, trực cấp cứu, điều trị người bệnh và sẵn sàng công tác thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh tại chỗ. Ngoài ra, trung tâm đã thành lập phòng khám tạm thời tại các cửa khẩu, mỗi phòng khám có 3 giường bệnh nhằm kịp thời phát hiện và cách ly các trường hợp nghi nhiễm trước khi đưa tới cơ sở y tế điều trị.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục