Trước bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri được nghe những lời hứa của các ứng cử viên thông qua các chương trình hành động tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong các kỳ họp, cử tri lại được nghe những lời hứa có trọng lượng của các vị đứng đầu bộ-ngành trung ương hay của các cơ quan trực thuộc chính quyền địa phương thông qua các phiên chấn vấn, giải trình.
Tiếp xúc các đại biểu trước và sau kỳ họp, cử tri một lần nữa được nghe tiếp thu ý kiến và những lời hứa rất mạnh mẽ của đại biểu do mình bầu ra. Lẽ thông thường, người được hứa hẹn bao giờ cũng nhớ mà lại nhớ rất lâu, thành ra cử tri nhận thấy trong một số nhiệm kỳ và kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, từ lời hứa đến việc làm, từ việc làm đến hiệu quả công việc vẫn còn khoảng cách khá xa, có khi là rất xa, thậm chí có lời hứa “rơi vào quên lãng”. Xã hội càng phát triển thì càng đòi hỏi khắt khe người hứa phải có trách nhiệm với lời hứa. Ngược lại, cử tri cũng mong muốn có cơ chế giám sát lời hứa một cách chặt chẽ, nghiêm túc đi kèm theo chế tài cần thiết đối với người hứa nhưng không thực hiện hoặc thực hiện nửa vời lời hứa.
Cử tri cho rằng, sau một nhiệm kỳ hay sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, hoạt động của các cơ quan dân cử có nhiều đổi thay tích cực, hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nhiều lời hứa của các vị đứng đầu bộ - ngành và lời hứa đại biểu trở thành hiện thực, thể hiện rõ nhất là kết quả đạt được trong công tác giám sát, xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước hay của địa phương.
Vẫn biết để biến lời hứa thành hiện thực phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cần sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, tổ chức liên quan và lẽ tất nhiên, nhiều vụ việc không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai mà phải mất nhiều năm mới xong. Nhưng xét cho cùng, khi đến hẹn mà lời hứa không thành, trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người hứa. Cử tri kỳ vọng ở mỗi đại biểu làm tốt chương trình hành động của mình; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
Vì vậy, cử tri rất cần cơ chế giám sát lời hứa của đại biểu, coi đây là một biện pháp nhằm nâng cao quyền lực của nhân dân - nội dung bao trùm nhất trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, mọi hoạt động của đại biểu ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phải chịu sự giám sát toàn diện của nhân dân thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Cử tri khó chấp nhận tình trạng trong cả nhiệm kỳ, có đại biểu thiếu ý thức, né tránh trách nhiệm, xa rời cử tri, quên hết những gì mình hứa trong chương trình hành động mà vẫn bình yên, không có sự đánh giá hay phán quyết nào từ phía cử tri. Hay một số đại biểu phải cuối nhiệm kỳ, không tiếp tục tham gia khóa tiếp theo, mới dám nói lên các vấn đề mà cử tri bức xúc, hoặc lúc làm đại biểu kiêm nhiệm có quyền, có chức lại không giải quyết vấn đề cho dân, để đến lúc về hưu mới thể hiện quan điểm của mình…
Nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân, sắp tới đây, Trung ương MTTQ Việt Nam công bố chương trình “giám sát đặc biệt”. Trong đó, có việc ghi chép lại các lời hứa của các ứng cử viên tham gia tranh cử. MTTQ các cấp căn cứ lời hứa, chương trình hành động đó mà soi chiếu, nhắc nhở, giám sát đại biểu trong suốt quá trình hoạt động. Khi đại biểu xa rời chương trình hành động, không nỗ lực thực hiện các lời hứa thì cử tri truy vấn, nhắc nhở. Mới đây, có địa phương sáng kiến tập hợp chương trình hành động của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đóng thành tập và niêm yết tại phường - xã nơi đại biểu đó ứng cử. Người dân khi đến làm hồ sơ, thủ tục ở trụ sở UBND xã - phường dễ dàng đọc chương trình hành động của các đại biểu, từ đó giám sát đại biểu do mình bầu ra có làm đúng theo những gì đã hứa hay không. Đây được coi là một giải pháp nhằm tạo động lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại biểu, giúp họ phát huy hết trách nhiệm, đáp ứng lòng mong mỏi, gửi gắm của cử tri.
TUẤN SƠN