Giám sát tối cao của nhân dân

 
Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND được Quốc hội khóa 13 thông qua tháng 11-2015; có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng, nội dung giám sát của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Giám sát là một trong 3 chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quốc hội. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của báo chí truyền thông, các hoạt động của Quốc hội, HĐND đã được cử tri nói riêng và nhân dân cả nước nói chung cập nhật đầy đủ và chuẩn xác. Cử tri và đồng bào cả nước, với trách nhiệm chính trị, gắn liền với quyền và nghĩa vụ công dân, đã theo sát từng phiên họp của Quốc hội. Hành động đó không chỉ thể hiện quyền được thông tin mà còn thể hiện quyền giám sát tối cao của cử tri đối với Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cả hệ thống chính trị; trước hết là các thành viên chính phủ, các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng và cả Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình và truyền thanh trực tiếp, người dân, trước hết các công dân vốn là chuyên gia đầu ngành, nhiều kinh nghiệm trên mọi mặt của đời sống xã hội đã tham gia góp ý trực tiếp vào các vấn đề nóng của đất nước như nạn kẹt xe, ngập nước ở các thành phố lớn; việc xây dựng sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất... 

Thật chẳng quá lời khi nói rằng, qua báo chí, người dân bất kể mọi thành phần đều được dự họp Quốc hội; không phải đến Hội trường Ba Đình (Nhà Quốc hội) mà ở ngay tại nhà mình hoặc nơi mình ưa thích, cử tri có thể theo dõi kỳ họp và góp ý kịp thời với Quốc hội. Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 vừa tổ chức 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn (được truyền hình và truyền thanh trực tiếp) đã thực sự kéo người dân vào cuộc. 
Rõ ràng, với thế mạnh về công nghệ truyền dẫn và năng lực tác nghiệp của nhà báo, qua truyền hình và truyền thanh trực tiếp, vai trò của báo chí trong việc thông tin nói chung và tiếp sức cho người dân thực hiện quyền giám sát tối cao nói riêng, đặc biệt quan trọng. Qua báo chí, người dân không những nắm bắt được toàn bộ tình hình đất nước mà còn nhận xét, đánh giá hay nói cách khác là giám sát tối cao đối với Quốc hội, ĐB Quốc hội - những người trong bộ máy lập pháp, hành pháp; đặc biệt người đứng đầu, giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ... Trình độ, năng lực, hay cái tầm, cái tâm của đại biểu Quốc hội và những nhà quản lý xã hội, qua diễn đàn này phần nào được bộc lộ. Đại biểu Quốc hội, ai nắm vững luật pháp, bám sát thực tiễn... Các thành viên Chính phủ, ai có tầm có tâm, ai không “thuộc bài”, “đi chợ không đủ tiền”... đều được sáng tỏ trước thanh thiên bạch nhật. 

Người dân rất hài lòng về sự công khai, minh bạch đó và sẵn lòng cùng vào cuộc với Quốc hội, với Đảng và Nhà nước để chăm lo việc dân, việc nước. Chúng ta cám ơn và hoan nghênh các cơ quan báo chí truyền thông đã “nối dài cánh tay” để mọi người dân được thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tuy nhiên, điều này trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đề cập nhưng chưa thật rõ nét. Tại sao các nhà lập pháp lại không nghĩ đến lúc nào đó xây dựng một dự luật điều chỉnh vấn đề này, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay?

Đến lượt mình, các cơ quan báo chí và nhà báo cần phát huy thế mạnh vai trò của mình, nâng cao trách nhiệm, không ngừng sáng tạo, đổi mới, dũng cảm, tận tâm, tận lực, bút sắt, lòng trong, tâm sáng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nói riêng.

Tin cùng chuyên mục