Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giáo sư – Viện sĩ Phạm Song, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề quá tải tại bệnh viện.
- PV: Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng quá tải tại các bệnh viện hiện nay?
- Giáo sư – Viện sĩ PHẠM SONG: Tình trạng quá tải tại bệnh viện hiện vẫn diễn ra, song khách quan mà nói, quá tải chỉ xảy ra ở bệnh viện lớn tuyến trung ương, hay các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa ở TPHCM, Hà Nội, Huế… Trong khi đó, phần lớn bệnh viện tuyến tỉnh, huyện không xảy ra quá tải, thậm chí có bệnh viện còn nhiều giường bệnh bỏ trống, không có bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Nhìn tổng thể nguyên nhân chính của tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay là do số giường bệnh phục vụ người dân của chúng ta còn thấp, mới chỉ khoảng 20 giường/10.000 dân, trong khi thế giới là trên 30 giường/10.000 dân. 10 năm nay, dân số nước ta năm nào cũng tăng thêm gần 1 triệu người nhưng số giường bệnh được phát triển trong những năm qua chỉ ở mức khiêm tốn.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, tình trạng quá tải của nhiều bệnh viện tuyến trên như hiện nay là do chất lượng dịch vụ y tế tuyến dưới, từ tỉnh trở xuống còn hạn chế nên nhiều người bệnh phải vượt tuyến để yên tâm khám chữa bệnh. Cùng với đó, diễn biến cơ cấu bệnh tật cũng có sự thay đổi. Nếu vào những năm 80, chủ yếu là bệnh truyền nhiễm, vài năm gần đây các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông… gia tăng mạnh. Đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ, khiến số người vào bệnh viện khám chữa bệnh gia tăng.
- Theo GS, các giải pháp được Bộ Y tế triển khai nhằm giảm tải bệnh viện có hiệu quả?
- Tôi ủng hộ những biện pháp mà ngành y tế đang làm để giảm tải bệnh viện như: đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực cho tuyến dưới; cử bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Tuy nhiên, để giảm tải bền vững và hiệu quả, cần tập trung nâng cao chất lượng y tế ở tuyến dưới, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho y tế tuyến cơ sở. Cần có những đề án, chương trình đưa cán bộ y tế tuyến dưới, tuyến cơ sở lên tuyến trên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.
Tuy nhiên, để thực hiện việc này, phải có thống kê, điều tra về cơ cấu bệnh tật ở cơ sở, nhu cầu lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo để cử cán bộ đi học, chứ không thể làm tràn lan. Bên cạnh đó, chúng ta cần có những cơ chế chính sách không chỉ ưu đãi mà còn mang tính ràng buộc, nhằm tránh chảy máu chất xám. Chẳng hạn như cán bộ người địa phương được cử lên tuyến trên đào tạo nâng cao chuyên môn bắt buộc phải trở về phục vụ người dân địa phương hoặc bác sĩ trẻ ra trường phải có ít nhất 6 tháng tới 1 năm làm việc ở tuyến dưới.
- Tình trạng quá tải bệnh viện cũng có nguyên do từ việc thay đổi cơ cấu bệnh tật. Vậy để thích ứng được với sự thay đổi này, chúng ta cần phải chú trọng tới vấn đề nào?
- Mấu chốt để giảm quá tải tại bệnh viện hiện nay là phải giảm được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng cuộc sống đảm bảo cho người dân khỏe mạnh. Để đạt được điều này, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho công tác y tế dự phòng. Trong đó, tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh đơn giản hiệu quả như xây dựng phong trào luyện tập thể dục, thể thao tại cơ sở; ăn uống điều độ hợp lý…
KHÁNH NGUYỄN thực hiện
Thông tin liên quan:
>> Giảm tải bệnh viện, cách nào?