(SGGP).- Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), 11 tháng đầu năm 2011, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tăng mạnh, xảy ra gần 500 vụ, làm chết hơn 250 người, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 13,47% số vụ và tăng 23% số người chết. Trong đó 85% số vụ xảy ra tại nơi giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Thực tế này đang đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của ngành đường sắt, đặc biệt là của các địa phương.
Điều đáng nói là những nguyên nhân dẫn đến TNGT đã được ngành đường sắt “thuộc lòng” từ lâu nhưng mọi sự nỗ lực của ngành nhằm kiềm chế tai nạn vẫn hầu như không mang lại kết quả. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, để giảm TNGT đường sắt đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, cuối tháng 11-2011, Tổng Giám đốc ĐSVN đã có công điện yêu cầu các công ty quản lý đường sắt phối hợp với chính quyền và công an các địa phương kiểm tra rà soát lại hệ thống đảm bảo ATGT đường sắt trên toàn quốc. Cụ thể, về các giải pháp đảm bảo an toàn tại các giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ, Tổng Công ty ĐSVN giao các công ty quản lý đường sắt chủ động phối hợp với địa phương lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ đường ngang trái phép.
Trong khi chờ xóa bỏ, cần tổ chức kiểm tra, rà soát để thống nhất quyết định, nếu có lối đi khác thay thế thì phải kiên quyết đóng lại. Trong trường hợp không có lối đi khác thay thế, trong khi chờ xóa bỏ, địa phương phải chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ. Đối với các lối đi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thì địa phương phải tổ chức cảnh giới. Đối với các lối đi khác phải có biện pháp cưỡng chế cấm xe cơ giới qua lại (trừ xe máy), đồng thời tạo mặt lát đường ngang bằng phẳng cũng như các điều kiện khác để người và phương tiện qua lại an toàn.
Ngành đường sắt cũng sẽ chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các đường ngang phòng vệ bằng biển báo và cảnh báo tự động, cắm đầy đủ biển báo và làm gờ giảm tốc, đảm bảo điều kiện thuận lợi để các phương tiện qua lại an toàn. Đối với những đường ngang bị hạn chế về tiêu chuẩn an toàn theo quy định của điều lệ đường ngang thì thống nhất các biện pháp đảm bảo an toàn, hoặc địa phương phải tổ chức cảnh giới hoặc phải quy định cụ thể cấp tải trọng (cụ thể từng loại xe) và tốc độ được phép qua.
BÍCH QUYÊN