Dù mới thí điểm triển khai nhưng mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại TPHCM hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh và quan trọng là góp phần giảm tải cho các bệnh viện hiện nay.
Tiện đôi đường
Mới 9 giờ sáng ngày đầu tuần nhưng khu khám bệnh BSGĐ của Bệnh viện Quận 10 (TPHCM) đã vơi dần bệnh nhân. Cụ Vũ Thị Chiều (ngụ P.13, Q.10) đang đợi đến lượt khám vui vẻ nói: “Tui đến từ 7 giờ, nay đã xong xét nghiệm máu, nước tiểu rồi. Giờ đợi bác sĩ xem lại kết quả, lấy thuốc là về”. Đã khám bệnh diện BHYT tại Bệnh viện Quận 10 từ 4 năm qua với bệnh cao huyết áp, tiểu đường nhưng theo cụ Chiều thì khoảng 2 tháng nay mới “dễ thở” nhờ có mấy bàn khám BSGĐ vì rút ngắn được thời gian chờ đợi, bác sĩ tư vấn tận tình và nếu cần có thể liên lạc với chính bác sĩ đã theo dõi bệnh của mình.
Trực tiếp khám bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt cho biết, là tuyến cơ sở nên chủ yếu khám diện BHYT cho các đối tượng trung niên, lão khoa với các bệnh tiểu đường, cao huyết áp là chính. “Đây là những bệnh thuộc dạng y học gia đình vì thường là bệnh mãn tính và cần theo dõi thường xuyên”, bác sĩ Nguyệt nói. Kể từ khi được phân công trực khám tại khu BSGĐ, bác sĩ Nguyệt cảm thấy thoải mái hơn vì bệnh nhân rất tin tưởng, có thời gian tư vấn kỹ cho người bệnh…
Với 5 bàn khám được đưa vào hoạt động thí điểm từ tháng 10-2012, Bệnh viện Quận 10 là một trong hai nơi đầu tiên được Sở Y tế TPHCM chọn triển khai mô hình BSGĐ khép kín từ khám, chẩn đoán đến xét nghiệm lâm sàng. Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 10, cho biết thay vì khám đại trà cho người bệnh, khu khám BSGĐ chỉ khống chế khám khoảng 150 bệnh nhân/ngày để khám kỹ hơn, thời gian chờ đợi ít hơn. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã giảm tải khoảng được 15% cho bệnh viện”, bác sĩ Tùng nói. Theo bác sĩ Tùng, mô hình BSGĐ đảm bảo được 2 yếu tố then chốt là liên tục và hệ thống. “Bệnh viện đang hoàn thiện phần mềm cho phép BSGĐ cũng có thể khám bệnh và tư vấn từ xa cho bệnh nhân qua internet”, bác sĩ Tùng cho biết.
Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã đưa vào hoạt động thí điểm phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Quận Bình Tân với mong muốn giảm tình trạng quá tải tuyến trên, nâng cao hoạt động tuyến cơ sở, cải thiện chất lượng phục vụ và giảm lãng phí khám chữa bệnh. Đây còn là tiền đề để liên kết với hệ thống trạm y tế phường, trung tâm y tế dự phòng, hệ thống y tế tư nhân… góp phần ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân. Theo Sở Y tế TPHCM, từ mô hình phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Quận Bình Tân và Quận 10 sẽ triển khai thêm các bệnh viện khác và xuống tận trạm y tế phường, xã. Như vậy, trạm y tế sẽ là vệ tinh cho bệnh viện quận, huyện và bệnh nhân sẽ được chăm sóc ngay tại địa bàn phường, nếu cần chuyển lên tuyến trên thì chính bác sĩ trạm y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn đúng tuyến, đúng bệnh chứ không phải “chạy loạn xạ” như hiện nay.
Chờ bảo hiểm y tế
Nói BSGĐ, nhiều người nghĩ rằng bác sĩ đến phục vụ người bệnh tận nhà. Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, phụ trách bộ môn y học gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, y học gia đình là y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe thông thường cho mọi lứa tuổi của các thành viên trong gia đình tại các phòng khám BSGĐ. Các dịch vụ này do các bác sĩ chuyên khoa y học gia đình đảm nhận. Họ là những bác sĩ đa khoa thực hành có chuyên môn rộng nhưng không sâu. Tuy nhiên, họ nắm bắt cặn kẽ bệnh lý của bệnh nhân và khi đưa ra hướng điều trị đều khả quan, kể cả khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Vấn đề quan trọng là BSGĐ không chỉ tiếp cận người bị bệnh mà cả những người chưa phát bệnh trong gia đình, để giúp họ dự phòng, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. “BSGĐ triển khai tốt, rộng, người bệnh không còn kiểu nhức đầu, sổ mũi hay viêm họng là chạy lên bệnh viện chuyên khoa gà gật chờ đợi”, BS Hiệp nói.
Xác định BSGĐ là xu hướng tất yếu mang lại hiệu quả trong điều trị và giảm chi phí cho người bệnh, từ cách nay 10 năm, Sở Y tế TPHCM đã manh nha chương trình BSGĐ với sự tư vấn của Trường Đại học Lierè (Bỉ). Mô hình này hoạt động hiệu quả, tình trạng quá tải ở các bệnh viện mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để mô hình hoạt động hiệu quả thì bảo hiểm y tế (BHYT) phải được mở rộng. Có nghĩa bệnh nhân đến các phòng khám BSGĐ cũng được thanh toán BHYT như đến bệnh viện.
Mặt khác, theo các chuyên gia y tế, lực lượng phòng khám tư, phòng mạch tư nhân góp phần rất lớn vào mô hình BSGĐ. Tại cuộc họp sơ kết công tác khám chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2012 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận phòng khám, phòng mạch tư có ý nghĩa rất lớn đối với mô hình BSGĐ và cần xem xét đào tạo thêm cho bác sĩ các phòng mạch tư và đưa thanh toán BHYT ở những nơi này. Khi đó, BSGĐ mới thực sự cho hiệu quả.
| |
Tường Lâm