Từ ngày 1-1-2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chính thức có hiệu lực; trong đó với việc điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 25% xuống 22% đã giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giảm thuế suất mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.
Giúp doanh nghiệp tăng tích lũy
Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN với việc điều chỉnh giảm mức thuế suất sẽ giúp các đơn vị kinh doanh có hiệu quả tăng tích lũy để qua đó tăng phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, với mức giảm hiện nay chưa như mong đợi của DN, nếu thuế suất TNDN giảm xuống được 20% sẽ giúp DN đỡ khó khăn hơn.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM phân tích, việc nhà nước điều chỉnh giảm mức thuế suất TNDN là một tín hiệu đáng mừng, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Đây là yếu tố để các DN có điều kiện tích lũy phục vụ cho việc tái đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất TNDN sẽ nâng mức cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác trong việc thu hút nguồn vốn FDI.
Ở góc độ DN, ông Đỗ Hướng Dương, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận, cho hay: Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc nhà nước điều chỉnh giảm mức thuế suất TNDN là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, đối với những DN làm ăn hiệu quả, có lãi mới đóng thuế TNDN. Vì vậy, khi nhà nước giảm thuế suất TNDN sẽ giúp DN có điều kiện tích lũy vốn phục vụ quá trình tái sản xuất kinh doanh và sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN còn điều chỉnh nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15% tổng chi phí cũng nhận được sự đồng thuận cao của các DN.
Theo ông Đỗ Hướng Dương, việc nới rộng chi phí quảng cáo, khuyến mại là một yếu tố hết sức cần thiết. Bởi lẽ, khi nới rộng chi phí quảng cáo, khuyến mại sẽ giúp cho DN có nguồn kinh phí để thực hiện việc quảng cáo, khuyến mại nhằm quảng bá thương hiệu. Không những vậy, khi nới rộng chi phí quảng cáo, khuyến mại đồng tiền sẽ lưu thông từ DN này sang DN khác và cuối cùng vẫn trở về nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN cho phép điều chỉnh nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15% tổng chi phí sẽ giúp cho các DN có điều kiện quảng bá thương hiệu. Mặc dù hiện nay phần hưởng lợi từ quy định này đang tập trung vào các DN nước ngoài. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của thị trường, sản phẩm hàng hóa của DN khi sản xuất ra muốn được người tiêu dùng biết đến để sử dụng đòi hỏi phải có những chiến dịch quảng cáo, khuyến mại lớn để thu hút khách hàng.
Cần thay đổi chính sách đi kèm
Dù đánh giá cao việc giảm thuế suất TNDN, cũng như việc nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.
Ông Đỗ Hướng Dương cho rằng, vấn đề băn khoăn của DN thời gian qua ngoài mức thuế suất là các chủ trương, chính sách thực thi về thuế. Cụ thể, đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại, cũng như việc trích 10% thu nhập tính thuế hàng năm lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong Luật Thuế TNDN đã được quy định, nhưng để được hưởng các chính sách này, DN phải làm rất nhiều hồ sơ thủ tục rờm rà, thậm chí nếu làm sai sẽ bị phạt nên DN rất khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, với việc quyết toán thuế TNDN, ngoài Luật Thuế TNDN, nghị định hướng dẫn luật, hàng năm Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn cho từng năm và thường rơi vào dịp cuối năm với việc hồi tố cho những khoản thuế đã thực hiện những năm trước đó nên gây khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận chính sách để thực thi cho đúng.
Ngoài ra, vấn đề ưu đãi miễn, giảm thuế cho DN thay đổi liên tục, văn bản pháp quy với chữ nghĩa rối rắm gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận chính sách. Thậm chí, có nhiều DN làm ăn chân chính đã bị truy thu và phạt rất lớn do chính sách hướng dẫn ưu đãi không rõ ràng.
Để chính sách thuế TNDN thật sự mang lại lợi ích cho DN, bên cạnh việc điều chỉnh mức thuế suất; nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại, Bộ Tài chính nên quan tâm trong việc giảm bớt thủ tục hành chính trong việc thực thi chính sách. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn luật pháp phải rõ ràng cho DN dễ thực hiện.
ĐÌNH LÝ