Giảm tổn thất, đẩy nhanh xây dựng nguồn cung điện

Vì sao tổn thất điện năng vẫn ở mức cao? Có nên xây dựng nhiệt điện than để đảm bảo nguồn cung? 

Ngày 11-5, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) phối hợp với Hội Điện lực miền Nam tổ chức Hội thảo “Tổn thất điện năng và nhà máy nhiệt điện than”.

Vì sao tổn thất điện năng vẫn ở mức cao? Có nên xây dựng nhiệt điện than để đảm bảo nguồn cung? Đây là hai chuyên đề được các chuyên gia đem ra “mổ xẻ”.

Trộm cắp điện còn phức tạp

Trình bày tại hội thảo, Ths Nguyễn Tấn Nghiệp, Hội Điện lực miền Nam cho biết, căn cứ theo bảng xếp hạng về tỷ lệ tổn thất điện năng của thế giới do Cơ quan Năng lượng Quốc Tế (International Energy Agency) thống kê vào năm 2013, Việt Nam xếp thứ 88/137 quốc gia với tỷ lệ tổn thất 8,95%. Singapore có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp nhất trong bảng xếp hạng, chỉ 0,49%, còn quốc gia có tỷ lệ tổn thất cao nhất là Togo với 87,39%.

Nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất điện năng cao chủ yếu xảy ra trên hệ thống lưới điện truyền tải và trên lưới điện phân phối. Trong đó, tỷ lệ tổn thất điện năng trong hệ thống điện chủ yếu nằm ở lưới phân phối điện.

“Riêng ở Việt Nam, ngoài tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải, còn có nguyên nhân từ tình trạng câu trộm điện vẫn đang xảy ra phổ biến, phức tạp tại hầu hết địa phương trên cả nước. Do vậy, để kéo giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất, ngoài việc ngành điện phải tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại vào hệ thống điện, cần nâng cao ý thức người dân, đặc biệt ngăn chặn triệt để những hành vi vi phạm trong sử dụng điện. Trong đó, lưu ý tình trạng trộm cắp điện xảy ra tại các khu vực nông thôn và ngoại thành”, Phó Ban Kỹ thuật EVNSPC Trần Công Điền cho biết.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, đơn vị đánh giá Việt Nam hiện tại vẫn còn tiềm năng tiết giảm tổn thất điện năng, do đó đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giảm xuống còn 6,5%. Trong đó, áp dụng nhiều giải pháp về quản lý kỹ thuật, vận hành lẫn đẩy mạnh đầu tư xây dựng.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, EVN đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.989 MW. Đồng thời, đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực miền Nam.

Việc đảm bảo tiến độ nguồn điện sẽ giúp cân bằng sản lượng, công suất các miền, để giảm truyền tải xa làm tăng tổn thất điện năng.

Về lưới điện, thực hiện đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đấu nối và giải tỏa công suất nguồn điện; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500kV, 220kV khu vực TP Hà Nội, TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, lựa chọn dây dẫn, máy biến áp đảm bảo mức mang tải của các đường dây không quá 50%, trạm biến áp không quá 75% so với công suất định mức. Chọn dây dẫn có độ tinh khiết của nhôm cao, có tổn thất thấp; dây dẫn có các sợi bện hình thang, có tiết diện nhôm lớn hơn và điện trở nhỏ hơn; dây dẫn composite ACCC có khả năng chịu kéo, mang tải cao, độ võng nhỏ... giảm tổn thất điện năng.

Thực hiện nâng điện áp từ 6, 10, 15 kV lên 22kV để nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tỷ lệ giảm tổn thất điện năng trên lưới trung áp.

Sức ép thiếu nguồn cung

Liên quan đến việc có nên xây dựng nhiệt điện than trong điều kiện Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung, góp ý tại hội thảo, các chuyên gia đều đưa ra nhận đinh, với cơ cấu về sản lượng điện của 3 loại nguồn gồm: thủy điện, năng lượng tái tạo, nhiện điện khí, vào năm 2020 chỉ đạt 48,3% , đến năm 2030 giảm còn 39,9%. Còn theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 9-10%/năm, gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng GDP. Trong khi đó, Quốc hội đã có quyết định tạm dừng xây dựng hai Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chiến lược phát triển các nhà máy nhiệt điện than cần được xem xét thận trọng nhiều mặt, từ an ninh năng lượng, kinh tế - xã hội lẫn vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo TS Trần Trọng Quyết, Phó Chủ tịch Hội Điện lực miền Nam, với thực trạng như trên, trong thời gian tới nguồn cung điện trong nước thiếu hụt khoảng 50% sản lượng. Do đó, việc chọn lựa nguồn cung điện thích hợp trong đầu tư xây dựng là cần thiết. Với việc đầu tư xây dựng nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ đảo bảo về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần nguồn vốn ban đầu lớn và giá thành quá cao so với tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay nên rất khó khả thi.

TS Trần Trọng Quyết cho rằng, nhà máy nhiệt điện than có một số hạn chế như chiếm diện tích đất lớn vì phải trang bị hệ thống cung cấp than, đặc biệt là bãi thải tro xỉ, nếu không có giải pháp sử dụng lại. Chưa kể, nhiệt điện than không linh hoạt trong vận hành, thích hợp với chế độ vân hành ở phụ tải đáy, chi phí vận hành và bảo dưỡng cao; đời sống kinh tế của nhiệt điện than thấp, nhu cầu nước làm mát rất lớn.

“Đây là những nhược điểm chính cần xem xét thận trọng khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than”, ông Quyết đưa ra khuyến nghị.

Tuy nhiên, TS Trần Trọng Quyết cũng cho rằng, nhà máy nhiệt điện than tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng để phát triển bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: đầu tư công nghệ hiện đại; có chủ trương, cơ chế, chính sách để thu hồi, tái chế, sử dụng tối đa các chất thải xỉ than, tro bay. Đồng thời cần có giải pháp đáp ứng đủ nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện than. Để giảm thiểu tác động môi trường của nhiệt điện than cần áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến ở mức có thể chấp nhận được đối với điều kiện kinh tế đất nước để giảm thiểu khối lượng phát thải cũng như thực hiện các giải pháp hữu hiệu thu gom, xử lý và sử dụng các chất phế thải rắn để sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.

“Xây dựng nhiệt điện than là nhu cầu cấp thiết để đáp ứng nguồn cung điện, nhưng Chính phủ cần ban hành chính sách, quyết định riêng để thực hiện nhằm đảm bảo an ninh, môi trường, không nên giao cho các đơn vị doanh nghiệp tự chọn lựa công nghệ, nhà thầu như lâu nay”, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, đề nghị.

Tin cùng chuyên mục