Giảm úng ngập cho TPHCM cần có tầm nhìn của vùng đô thị

* PHÓNG VIÊN:
Giảm úng ngập cho TPHCM cần có tầm nhìn của vùng đô thị

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về giải pháp chống ngập cho TPHCM, ông Ngô Trung Hải (ảnh), Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, TPHCM cần tạo ra những vùng ngập nước hữu ý. Bên cạnh đó, chống ngập úng chỉ là một phần của chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp vùng và quốc gia. “Không thể giải quyết vấn đề nếu khoanh lại trong ranh giới hành chính của thành phố” - ông Ngô Trung Hải nhấn mạnh. 

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, mặc dù những năm gần đây TPHCM đã rất tích cực xúc tiến nhiều dự án đối phó với ngập lụt, triều cường, nhưng những trận mưa lớn vừa qua đã khiến thành phố ngập úng trầm trọng; cuộc sống của người dân bị xáo trộn rất lớn và thiệt hại không nhỏ. Ông có bình luận gì? 

* Ông NGÔ TRUNG HẢI: Để giải quyết căn cơ tình trạng úng ngập do triều cường và mưa lớn cộng hưởng ở TPHCM thì cần phải có chiến lược để ứng phó chứ không chỉ là “đối phó”. Mưa trên nguồn xuống, triều lên, TPHCM là nơi gặp gỡ, “dùng dằng” của hai nguồn nước ấy. Nếu có được không gian cho nước, chẳng hạn như nếu khu vực Thủ Thiêm, Cần Giờ đủ sức chứa, hoặc có các hồ, đầm, phá… trong nội đô thì nước sẽ không tràn vào các cống trong đô thị, gây tình trạng ngập úng. Nhưng vấn đề là không có đủ không gian.

* Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM đang triển khai đồ án quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích khoảng 875ha. Ông đánh giá hiệu quả của giải pháp này như thế nào?

* Xây hồ điều tiết, tạo ra “diện tích âm” trong đô thị là giải pháp đúng đắn. Nhưng cũng không nhất thiết phải là hồ, mà cũng có thể tạo ra những vùng ngập nước tạm thời đủ độ sâu để chứa  nước. Để ứng phó với tình trạng này, nhiều quốc gia đã tạo ra những công viên bán ngập, “nắn chỉnh” dòng nước vào đó, vừa để tránh gây ngập lụt những khu vực không mong muốn, vừa góp phần tạo ra cảnh quan đô thị đa dạng, đẹp mắt, nâng cao chất lượng sống cho người dân và thu hút khách du lịch... Tinh thần là “chung sống với lũ” theo các quy luật của tự nhiên chứ không chống lại. 

* Còn giải pháp xây dựng đê bao, thưa ông?

* Đê bao cũng là một phương án, nhưng nếu sử dụng đê bao để kiểm soát toàn bộ lượng nước ra vào đô thị thì chi phí xây dựng sẽ là một con số khổng lồ, chưa kể sẽ có nhiều hệ lụy khác. Kinh nghiệm của các nước, như Hà Lan, hiện nay cũng là không đối đầu một cách tiêu cực với tự nhiên nữa. 

* Nếu áp dụng giải pháp “tạo không gian cho nước” như ông nói thì hẳn là phải thay đổi lại quy hoạch xây dựng, một việc làm không dễ dàng gì đối với một đô thị đất chật người đông sắp sửa chạm ngưỡng “siêu đô thị” như TPHCM?

* Quả thực TPHCM cũng đang tiến rất gần đến ngưỡng “siêu đô thị” (quy mô dân số từ 10 triệu người trở lên - PV). Điều chỉnh quy hoạch xây dựng là việc cần làm. Tôi cho rằng TPHCM rất nên quan tâm đến khu vực Thủ Thiêm. Cần hạn chế mật độ xây dựng ở khu vực này, tạo ra một số không gian ngập và bán ngập để “chia nước” với nội đô. Mô hình thích hợp có thể là các “đô thị đảo” kết nối với nhau bằng hệ thống cầu. Tạm hình dung là khi “đắp” đô thị lên cao bao nhiêu thì cũng cần “đào” xuống tương ứng để nước có đường đi, nếu bịt hết tất cả các đường đi và không gian chứa nước thì ắt nó sẽ phải dâng lên phố, tràn vào nhà dân… không thể khác được.

Về lâu về dài, giải pháp ứng phó với ngập úng nói riêng và các tác động khác của biến đổi khí hậu nói chung không thể “khoanh” lại trong phạm vi địa giới hành chính của TPHCM. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy các vấn đề của siêu đô thị phải được giải quyết ở cấp độ Vùng. Rất cần phải có một cơ quan điều phối vùng TPHCM, thực sự kết nối được TPHCM và các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuy nhiên, mô hình Ban chỉ đạo hiện nay cần thay đổi theo hướng có cơ chế quyền hạn cụ thể hơn cho một cơ quan chuyên trách cấp vùng trong điều kiện ở Việt Nam không có chính quyền vùng, hội đồng hợp tác vùng và cơ quan điều phối vùng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác và điều phối. TPHCM nên coi đó là việc sát sườn của mình để chủ động bắt tay với các địa phương bạn và đề xuất với trung ương những cơ chế cần thiết - nếu hiện nay chưa có.

Hà Nội đã có Luật Thủ đô, TPHCM cũng đã từng đề xuất những mô hình mới, cơ chế đặc biệt để giải quyết các vấn đề đặc thù cho thành phố và đã được chấp nhận. Vậy thì không có gì bất hợp lý nếu TPHCM tiếp tục đề xuất mô hình chính quyền đô thị, mô hình hợp tác vùng với những chính sách riêng mang tính tự chủ cao. 

Trên thực tế, rất khó có tỉnh nào chấp nhận đặt khu xử lý chất thải rắn cho vùng trên địa bàn của mình; nghĩa trang cũng thế; bất kể tính hợp lý của quy hoạch. Ngập lụt dĩ nhiên cũng là việc phải giải quyết theo cơ chế vùng mới được.

Nguyên lý chung để giảm tải cho thành phố hạt nhân rất đơn giản: đó là phát triển các dự án lớn để cung cấp dịch vụ đô thị (các trường đại học, cơ sở y tế, trung tâm công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, phân phối thương mại bán buôn…) ở các tỉnh xung quanh, các cửa ngõ của vùng, nhưng thiếu sự điều tiết của một “nhạc trưởng” đủ quyền lực thì không làm được. 

* Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục