(SGGP). - Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.
Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã là 40% (theo thông tư cũ là 60%); tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 80% (thông tư cũ là 200%). Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi buộc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) phải duy trì tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi như sau: ngân hàng thương mại nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là 90%; ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã là 80%.
Với các quy định trong dự thảo sửa đổi lần này cho thấy định hướng hạn chế cấp tín dụng trung, dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản, điều đó cũng đồng thời là giảm cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (vì hầu hết các khoản vay trung, dài hạn là ở lĩnh vực bất động sản). Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới việc tăng cường tính an toàn và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong trung và dài hạn.
HÀN NI