Gian nan canh giữ cát sông Sài Gòn

Hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Sài Gòn diễn ra phức tạp, với hành vi ngày càng liều lĩnh và tinh vi, nhất là vào dịp lễ, tết. Đối mặt với nhiều gian nan, những người lính biên phòng vẫn không ngần ngại khó khăn, căng mình mật phục để canh giữ tài nguyên cát. 

Điểm nóng lúc 0 giờ

Dẫn phóng viên ra cầu tàu Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng, Biên phòng TPHCM (ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM), nơi có gần chục chiếc ghe chở cát lớn được neo cột cẩn thận, Trung tá Hoàng Văn Trung, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng, cho biết: “Đây chỉ là số ghe chở cát bị bắt giữ trong những ngày tết, đang neo giữ chờ xử lý. Số ghe hút cát, chở cát bị trạm bắt giữ nhiều lắm, trong đó có những chủ ghe bỏ của chạy lấy người”.

Chỉ tay theo những con tàu ngược xuôi trên sông Sài Gòn, Trung tá Hoàng Văn Trung thông tin, khu vực sông do đơn vị quản lý từ cầu Đồng Nai đến ngã ba sông Nhà Bè có chiều dài khoảng 38km. Đây cũng là điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép. Đoạn sông ở khu vực này rộng, hai bên bờ có hệ thống sông rạch đan xen. Khi màn đêm buông xuống, “đội quân” khai thác cát trái phép thường ém mình từ trong các con rạch nhỏ hướng ra sông lớn. Sau 0 giờ, các đối tượng này thả ống hút xuống sông.

Thiếu tá Hoàng Gia Khánh, Chính trị viên Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng, chỉ từng chiếc ghe, kể tường tận: “Hai chiếc này bị bắt giữ vào lúc 

1 giờ 30 ngày 17-1, trên khu vực sông Đồng Nai đoạn giáp ranh phường Long Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) và phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Còn 5 chiếc kế bên là chiến tích của đơn vị lúc 0 giờ 10 phút ngày mùng 8 tết...”.

Để bắt giữ, đưa các ghe về bến xử lý là kết quả của những đêm mật phục của người lính biên phòng, với bao khó khăn vất vả, và nhiều khi có thể đổi cả tính mạng. Đại úy Đặng Đình Tiến, quân nhân chuyên nghiệp, nhiều lần trực tiếp tham gia mật phục, kể: dịp tết vừa qua, anh em trong đơn vị được lệnh cắm chốt “đánh án”, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép.

Sau nhiều giờ mật phục, khoảng 0 giờ mùng 8 tết, tổ công tác phát hiện ghe cắm ống hút xuống sông. Lực lượng biên phòng tiếp cận, lên ghe kiểm tra. Các đối tượng trên ghe chống đối quyết liệt và nhảy xuống sông, trốn thoát về phía bên kia sông, ở khu vực đoạn qua xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Gian nan canh giữ cát sông Sài Gòn ảnh 1 Lực lượng Biên phòng TPHCM kiểm tra, giám sát các ghe chở cát trái phép bị bắt giữ

Có thâm niên chống nạn hút cát trái phép, Đại úy Lê Anh Thịnh cho biết thêm, đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép hoạt động ngày càng liều lĩnh, với thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Không chỉ hoạt động vào lúc nửa đêm, nhiều đối tượng trang bị máy hút cát có công suất lớn để hút nhanh, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Một số ghe còn cho người lặn xuống sông, điều khiển đầu ống hút tìm cát ở dưới sông sâu.

Cuộc chiến còn tiếp tục 

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng TPHCM, chia sẻ, nạn khai thác cát trái phép không chỉ diễn ra ở 38km sông do Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng quản lý mà còn trên toàn bộ sông Sài Gòn, Đồng Nai và khu vực cửa biển Cần Giờ. Thời gian qua, hàng loạt vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép đã được các đồn biên phòng Cần Thạnh, Thạnh An và Long Hòa phát hiện, bắt giữ. Cụ thể, chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày 27-1 đến 8-2), lực lượng Biên phòng TPHCM đã bắt giữ 11 đối tượng và 11 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Mới đây, liên tiếp trong 2 ngày 16 và 17-2, Đồn Biên phòng Long Hòa (Bộ đội Biên phòng TPHCM) phát hiện, bắt giữ 2 sà lan chở cát trái phép tại khu vực Soài Rạp (xã Long Hòa và xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ), thu giữ trên 430m3 cát. “Tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải nhận xét.

Nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, Đồng Nai không chỉ làm thất thoát tài nguyên cát mà còn gây sạt lở đất đai, nhà cửa của người dân sống ven sông. Bộ đội Biên phòng TPHCM xác định chống khai thác, vận chuyển cát trái phép là công việc thường xuyên, liên tục để giữ tài nguyên, nhà cửa, ruộng vườn cho người dân. Cuộc chiến chống khai thác, vận chuyển cát trái phép có sự phối hợp giữa lực lượng biên phòng TPHCM với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam và TP Thủ Đức, các quận, huyện (như quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ...) của TPHCM cùng huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Thế trận canh giữ cát trên sông được xây dựng, những tin báo từ người dân, chính quyền địa phương đã được thông tin kịp thời, chính xác đến lực lượng chức năng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sửu, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng TPHCM, lực lượng biên phòng đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với các đơn vị bạn, chính quyền địa phương ven sông biển.

Qua đó, hàng loạt vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép được phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng lớn, giá cát ngày càng cao mang lại nguồn thu lớn khiến các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn liều lĩnh hoạt động. Thế nên cuộc chiến chống khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn còn gian nan, phức tạp.

Các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép rất hung hãn, manh động. Đêm khuya, giữa sông vắng, nhiều đối tượng không ngần ngại thách thức, chống đối với lực lượng biên phòng. Cách những đối tượng này thường áp dụng khi không thể chạy thoát là đánh chìm phương tiện, máy móc chìm xuống sông sâu.

Theo Thiếu tá Hoàng Gia Khánh, Chính trị viên Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự, xử lý nhiều trường hợp, nhưng món lợi từ khai thác cát trái phép mang lại quá lớn, nên nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

Tin cùng chuyên mục