Vùng Đông Nam bộ có nhiều khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), thu hút hàng triệu công nhân ở các vùng, miền trong cả nước về làm việc. Năm học mới 2015 - 2016 vừa bắt đầu, cũng là lúc người lao động nhập cư vất vả hơn trong việc đi tìm trường học cho con.
Tại các thị xã Thuận An, Dĩ An (tỉnh Bình Dương), còn hàng trăm trẻ em ở các khu nhà trọ dành cho công nhân đã không biết đến cặp, sách, quần áo đồng phục cho năm học đầu đời. Dễ hiểu, vì cha mẹ của các bé, đang là công nhân ở các KCN, có gốc gác các tỉnh miền Trung, miền Tây… nên rất khó xin cho con mình một suất học chính thức ở trường tiểu học công lập, còn gửi học ngoài công lập thì tiền lương không đủ trả chi phí. Nhiều bé đã qua vài mùa khai giảng, do không thể đến trường với bạn cùng trang lứa nên hàng ngày chỉ thơ thẩn trong xóm trọ, làm bạn với chiếc tivi cũ kỹ hay tìm niềm vui với các trò chơi trên nền đất, cát.
Với tình huống trên, các bậc phụ huynh là công nhân đã tạm tìm ra giải pháp tháo gỡ, đó là xin con vào các lớp học tình thương gần các KCX, KCN. Nhưng gần như số phận không mỉm cười với họ, khi số lượng lớp học tình thương tại các địa phương vô cùng khiêm tốn, trong khi nhu cầu gửi con vào học rất lớn. Đơn cử tại phường Thuận Giao (thị xã Thuận An), có 1 lớp học tình thương được mở từ năm 2005 và chỉ có “năng lực” tiếp nhận tối đa 45 học sinh là con của các công nhân không có điều kiện nhập học ở trường công lập, với bậc học từ lớp 1 đến lớp 5. Ấy vậy mà năm học này, sĩ số của lớp đã ngót nghét 50 em, trong khi phụ huynh cứ hàng ngày đến năn nỉ cho con mình vào học. Dù nặng tình đến đâu, nhưng “lực bất tòng tâm” nên cô giáo đứng lớp cũng đành từ chối các lời đề nghị thiết tha.
Không khá hơn Bình Dương, năm học này, ngành giáo dục các huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai vô cùng gian nan với chuyện “phình” số học sinh tiểu học, trong đó hầu hết là con em của công nhân ở các KCN. Chỉ tính riêng tại TP Biên Hòa, bước vào năm học 2015 - 2016, các trường công lập đã tăng thêm khoảng 8.500 học sinh so với năm học trước. Trong khi đó, ngành giáo dục địa phương chỉ có khả năng đưa vào sử dụng 3 công trình trường học, với tổng số gần 40 phòng học và tiếp nhận chừng 1.400 học sinh. Suy ra, gần 6.000 học sinh sẽ phải dồn lớp hoặc “sống chung” với các lớp học ca ba.
Thống kê của Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa, trong năm nay, các “điểm nóng” của thành phố về lớp học ca ba, đó là Trường Tiểu học Tam Phước 2 với 10 lớp, Trường Tiểu học Trảng Dài 27 lớp, Trường Tiểu học Phước Tân 5 lớp, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh 4 lớp. Dù không rơi vào tình huống lớp học ca ba, nhưng như Trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, cố gắng lắm mới mở được 48 lớp học nhưng có tới 2.800 học sinh, bình quân mỗi lớp “gánh” xấp xỉ 60 em… Chuyện con em mình phải vào lớp học ca ba là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng cũng làm “nóng đầu” anh chị em công nhân. Do công việc ở KCN phải tăng ca thường xuyên nên chuyện đưa đón, lo bữa ăn cho con trở nên thực sự gian nan.
Trong lúc chờ vốn ngân sách, cũng như các thủ tục hành chính để xây thêm trường học thì trong năm học 2015 - 2016, giáo viên, học sinh ở cả vùng Đông Nam bộ tiếp tục phải đối mặt với áp lực sĩ số lớp học quá đông. Ngành giáo dục các địa phương sẽ rất khó thực hiện đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đó là chưa nói tới tình huống “rớt chuẩn” của một số trường chuẩn quốc gia, khi phải tiếp nhận số học sinh vượt quá quy định. Quả là quá gian nan với ngành giáo dục các địa phương và bậc phụ huynh.
ĐỨC TRUNG