Gian nan “quay ong” lấy mật

Rong ruổi theo những mùa hoa trên mọi miền đất nước, đó là công việc của những người nuôi ong mật. 
 Một trại ong ở làng Mỹ Hòa (xã Giang Sơn Đông, Đô Lương, Nghệ An)
Một trại ong ở làng Mỹ Hòa (xã Giang Sơn Đông, Đô Lương, Nghệ An)
Hành trình “du mục” nay đây mai đó cùng ong chất chứa bao vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng thật ngọt ngào. Ngọt ngào từ hương của ngàn hoa, ngọt ngào trong từng giọt mật ong mang về. Và cuộc sống của những người nuôi ong cũng thật thi vị khi được sống cùng ong, dần hiểu thế giới loài ong với bao điều kỳ thú và đáng kinh ngạc…Mùa con ong làm mật Được người quen giới thiệu, tôi tìm đến làng Mỹ Hòa (xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Dưới những tán rừng keo, dẻ…, những người nuôi ong từ Lâm Đồng, Gia Lai, một số vùng của Nghệ An… đưa ong về đây tìm hoa, tạo mật. Đi theo con đường mòn ngoằn ngoèo, đến dưới một tán rừng keo, chợt nghe âm thanh là lạ, chúng tôi dừng xe, đi bộ vào. Hiển hiện trước mắt tôi là không khí vô cùng náo động dưới tán rừng.
Gian nan “quay ong” lấy mật ảnh 1 Mở tổ quay ong lấy mật
 Bầy ong bay từng đoàn dày đặc bên hàng tổ xếp dọc dưới các gốc cây. Cả chục người đang cần mẫn, hối hả làm việc không kém gì những con ong thợ. Người mở nắp tổ rồi hun khói vào để ong bay tản ra. Người lấy bình xịt nước cho ong tách ra khỏi cầu ong (tấm sáp được tạo sẵn đặt trong tổ để ong làm mật). Người nhẹ nhàng, khéo léo nâng từng cầu ong lên, lấy chổi lông quét những con ong còn bám hai bên mặt cầu ong. Một người gánh các cầu ong về một túp lều bằng lưới. Ở đây, có 3 người dùng dao sắc vạt hai bên mặt cầu ong cho các “nắp” sáp ong mở ra, sau đó xếp vào thùng máy quay ly tâm để tách mật…

Hoàng Văn Quỳnh (xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương) vừa luôn tay lấy những cầu ong trong tổ ra, vừa tâm sự, nhà Quỳnh 4 anh em nuôi 2 trại ong với 700 tổ. Thời điểm tháng 5,6 là cao điểm của mùa “quay ong” lấy mật. Thực ra, anh em trong nghề gọi là “quay ong” với nghĩa anh em trong hội nuôi ong trong vùng đi làm đổi công cho nhau. Nghĩa khác là khi lấy mật ong có công đoạn quan trọng là quay cầu ong trong thùng máy ly tâm để tách mật. Quỳnh kể, một người trong hội ong của anh mới quay được hơn 2 tấn mật. Bình thường khoảng 1,3kg mật cho ra 1 lít mật thành phẩm, giá mật chất lượng có giá từ 300.000 - 350.000 đồng/lít. Để ăn mừng, anh này đã mổ hẳn một con heo chiêu đãi anh em. Mùa cao điểm này, cứ 7 - 10 ngày là ong cho đủ lượng mật cần lấy. Mấy anh em quay ong nhà này xong, sang nhà khác, quay vòng lại thì nhà đầu tiên lại đủ mật để quay tiếp. “Mùa ni mình cũng siêng năng không kém chi đàn ong. Không có ngày nghỉ, nhưng mỗi khi nâng cầu ong lên, nhìn dòng mật óng ánh chảy ra thì vui không chi bằng”, Quỳnh cười tươi.

Kỳ thú đời ong

Nguyễn Văn Giang quê ở Thanh Hóa, vào TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) lập nghiệp. Năm 1998, Giang bắt đầu theo nghề nuôi ong. Lúc đầu làm cho nhà nước, sau đó tách ra làm riêng. Với hàng chục năm theo nghề, Nguyễn Văn Giang kể, vào mùa giao phối, một con ong chúa thường giao phối với 10 - 15 con ong đực. Giao phối xong, con ong đực sẽ chết. Ong chúa có 2 buồng trứng và 20 ống dẫn trứng. Vào mùa cao điểm, ong chúa có thể sản sinh từ 1.500 - 2.000 trứng/ngày đêm. Sau khi được thụ tinh, ong chúa đẻ trứng vào các lỗ ô lăng ở cầu ong trong tổ, 3 ngày sau nở ấu trùng và sau 21 ngày thì sẽ có ong trưởng thành. Ong thợ sống bình quân được 30 - 45 ngày, ong chúa sống được 4 - 5 năm. 

“Ở thế giới loài ong không có chỗ cho lười biếng, suốt ngày cần mẫn cho tìm hoa, tạo mật”, Hoàng Văn Quỳnh tấm tắc. Ngay con ong non, mới sinh ra được 3 ngày đã làm việc. Nhiệm vụ của chúng là nuôi côn trùng và dọn dẹp tổ. Ngoài ra, khi ong thợ mang phấn về, chúng phải quạt cho phấn khô. Khi ong thợ hết tuổi đi làm phấn, chúng sẽ ở nhà canh cửa. Mỗi ngày của ong bắt đầu từ sáng sớm, khi ong trinh sát bay đi thám thính. Sau khi phát hiện nguồn hoa, ong trinh sát sẽ bay về tổ báo hiệu cho ong thợ bằng cách quạt cánh. Ong thợ ngoài việc phải đi lấy phấn hoa, lấy mật tự nhiên, lấy nước làm “điều hòa” cho tổ…, thì chúng còn phải nuôi ong chúa và ong đực. Ong chúa được ăn một loại dịch tiết ra từ hầu của ong thợ, còn ong đực thì ăn phấn và mật. Ngoài ra, sau khi ong chúa thụ tinh, ong thợ còn phải làm nhiệm vụ “bồi dục” để cho ong chúa sinh nở. Khi trong tổ có những con ốm yếu không làm được việc, ong thợ sẽ tha ra khỏi tổ đem đi vứt. Số phận ong đực cũng bi đát không kém, vào những thời điểm khan hiếm nguồn phấn, mật, ong đực sẽ bị đuổi khỏi tổ. Vốn chỉ biết ăn bám ong thợ, lại quen ở trong tổ, ăn còn tốn gấp 3 lần ong thợ, nên khi bị đuổi khỏi tổ, những con ong “vô tích sự” sẽ chết. 

“Du mục” cùng ong

Từ khi vào nghề ong, Giang bắt đầu bước vào hành trình “du mục cùng ong”. Khoảng từ tháng 2,3 đưa ong ra Bắc, tầm từ tháng 9 - 11 đưa ong vào Nam. Ngoài yếu tố thời tiết thì tính toán theo mùa hoa để di chuyển là việc rất quan trọng. Vào mùa hoa nhãn, hoa vải thì đưa ong ra Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang; mùa hoa bạc hà thì đưa lên Hà Giang, mùa hoa cà phê thì đưa vào Tây Nguyên, mùa hoa vừng thì đưa vào Ninh Thuận, Bình Thuận… Giang nói: “Mật ong lấy từ hoa bạc hà là tốt nhất, sau đó mới đến hoa nhãn, hoa vừng. Trong hoa vừng thì hoa vừng đen tốt hơn. Nhưng hoa bạc hà thì giờ bọn em không lên được vùng Hà Giang, là nơi nhiều loài hoa này nhất, vì tỉnh này muốn giữ thương hiệu mật của họ nên không cho đưa ong khác vào”. 

Hành trang “du mục” cùng ong của Giang và những người cùng hội là quần áo, chăn màn, lều bạt, xe máy… Trước khi dời đến địa điểm mới, người nuôi ong phải đi “thám thính” trước, sau đó tính toán thời gian hoa nở, trữ lượng hoa nhiều hay ít… Trước ngày đi, khi đêm xuống, đàn ong đã vào tổ, người nuôi ong sẽ nút cửa tổ lại, sau đó đưa tổ lên xe tải. Tùy theo vùng đến rộng hay hẹp, anh em trong hội sẽ quyết định bao nhiêu nhà đưa ong đi cùng. Đến nơi, mỗi nhà dựng trại cho ong cách nhau với bán kính 5km.

Giang tâm sự: “Gọi là đi cùng nhau nhưng ở cũng cách xa nhau, đêm ở trại lại không được bật điện vì sợ thu hút ong nên rất buồn. Nhưng rồi cũng quen dần. Nhưng buồn nhất là đến một số nơi, người dân không hiểu cứ sợ ong đến hút hết phấn hoa làm cây không ra quả, ra hạt. Vì nghĩ thế nên có nơi họ đuổi không cho vào. Còn chuyện bị thanh niên địa phương uống rượu say quấy phá, rồi nộp “lệ phí” cho địa phương, thỉnh thoảng cũng xảy ra. Nhưng biết làm sao, mình là dân sống nhờ mà, nên phải chịu thôi”.

Tin cùng chuyên mục