Trao đổi với báo giới về kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, nguyên tắc thoái vốn được PVN xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản gồm: đúng luật; căn cứ vào tình hình thị trường (thị trường tốt, đủ điều kiện mới thoái vốn); bảo toàn tối đa vốn của Nhà nước; trong trường hợp thua lỗ kéo dài không liên quan đến ngành nghề chính, thì sẽ kiến nghị đề ra các phương án sáp nhập hoặc phá sản. Việc tái cấu trúc sẽ được thực hiện minh bạch, công khai, theo đúng nguyên tắc thị trường. Hiện PVN có 29 đơn vị thành viên, sau khi tái cấu trúc sẽ dẹp đi 5 đơn vị. Các công ty con cấp 2 và cấp 3, kể cả các công ty liên kết, đang là 206 đơn vị sẽ giảm bớt 80 công ty, còn lại 126 công ty.
Quy mô lớn nhất và cũng là một trong những doanh nghiệp có số lượng công ty “con, cháu” và liên kết lớn nhất nước. Kế hoạch thoái vốn, cũng như thực hiện của PVN, có lẽ cũng đang được các tập đoàn, tổng công ty khác nhìn theo để rút kinh nghiệm cho mình. Trong đó, một mấu chốt quan trọng là yêu cầu về việc thoái vốn phải bảo toàn được đồng vốn Nhà nước một cách cao nhất. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay gặp nhiều khó khăn, những đồng vốn đầu tư trước đây đang ngày càng bị “teo tóp” thì việc thoái vốn không hề đơn giản.
Lãnh đạo một tập đoàn trong hội thảo bàn về cơ chế tài chính để tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã cho rằng: “Những doanh nghiệp nào không hiệu quả, không cổ phần hóa được thì bán luôn, thà lỗ trước mắt còn hơn cố nuôi”, bởi nếu càng để lâu càng dễ mất vốn, dễ phá sản, giải thể thì thiệt hại còn khó lường hơn. Tuy nhiên, việc thoái vốn lại không đơn giản như vậy khi yêu cầu đặt ra của việc rút vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính phải đảm bảo yêu cầu của Bộ Tài chính, là không làm mất vốn. Câu chuyện trách nhiệm từ đó sẽ được đặt ra khi bán vốn không hiệu quả. Và đó cũng sẽ dễ dàng trở thành lực cản cho việc thoái vốn.
Ông Đăng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, trong đề án tái cơ cấu của mình, các tập đoàn, tổng công ty phải nêu rõ kế hoạch và lộ trình thoái vốn. Bộ Tài chính cũng sẽ tổng hợp và xây dựng cơ chế thoái vốn trình Chính phủ, trong đó sẽ có hướng dẫn, tạo khung khổ pháp lý để các tập đoàn và tổng công ty có cơ sở thực hiện. Trên thực tế có nhiều cách thoái vốn khác nhau. Chẳng hạn, có thể thực hiện chuyển giao vốn cho Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, mua bán nợ... Ví dụ như trường hợp chuyển Tổng Công ty Viễn thông Điện lực vào Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đã từng thực hiện.
Trong một văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty mới đây, Bộ Tài chính hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty đề xuất lộ trình, phương thức và hình thức chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với quy định của pháp luật. Hướng dẫn này có thể coi là một trong những tháo gỡ cho việc “đầu tư thì lớn mà lỗ cũng nhiều” của không ít tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, việc chuyển giao này cũng không hẳn là dễ dàng bởi điều đó sẽ còn phụ thuộc một phần vào đơn vị tiếp nhận. Bởi vì việc chuyển giao đó có thể đồng nghĩa chuyển gánh nặng tài chính, trách nhiệm quản lý sang đơn vị tiếp nhận mà ở đó, quyền lợi của doanh nghiệp, cán bộ nhân viên hay cổ đông của chính doanh nghiệp tiếp nhận có thể bị ảnh hưởng.
Hà My