“Năm doanh nghiệp”, vì doanh nghiệp chung tay gỡ khó
| |
Dù Chương trình kích cầu thông qua đầu tư do UBND TPHCM triển khai đã trải qua gần 4 năm, song số dự án của các doanh nghiệp được tham gia còn khá khiêm tốn. Nguyên do là khâu thủ tục hành chính trong quá trình xem xét, thực hiện dự án còn quá nhiêu khê.
“Dài cổ” chờ duyệt dự án
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tính từ tháng 5-2011, thời điểm triển khai Chương trình kích cầu theo Quyết định 33 và Quyết định 38 của UBND TPHCM, đến nay có 85/114 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất hơn 3.200 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư bình quân của 1 dự án khoảng 80 tỷ đồng. Lũy kế vốn ngân sách hỗ trợ cho các dự án này đến nay là 213,422 tỷ đồng. Con số khiêm tốn này phân bổ cho hàng loạt ngành, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng, môi trường, y tế, giáo dục và dạy nghề, văn hóa… Chiếm tỷ lệ khoảng 35% trong tổng số các dự án nằm trong Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của TP, lĩnh vực công nghiệp có 55 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay 1.602,42 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho các dự án ở lĩnh vực này chỉ chưa tới 100 tỷ đồng và trải dài ròng rã suốt gần 4 năm qua!
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) khi nhắc đến Chương trình kích cầu của TP đều lắc đầu ngao ngán, bởi hành trình gian nan để tiếp cận được nguồn vốn ngân sách hỗ trợ, mà chủ yếu là hàng loạt thủ tục rối rắm. Do đó, trong quá trình thực hiện thủ tục tham gia dự án kích cầu, chỉ những DN nào chịu “lì” đeo bám, bằng không đành phải bỏ cuộc giữa chừng.
Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Đỗ Duy Tống cho biết, vừa qua khi tình hình kinh tế có phần khởi sắc, DN có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên đã lập dự án tham gia Chương trình kích cầu. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 tháng trôi qua, thỉnh thoảng công ty gọi điện đến các chuyên viên ở các sở thì được trả lời đang xem xét. Trong khi đó, theo quy trình xem xét dự án thuộc Chương trình kích cầu, chỉ phải qua 9 bước và mất thời gian tối đa 33 ngày. “Nguyên nhân khiến nhiều DN nản lòng, bỏ cuộc không thể tham gia Chương trình kích cầu là do thủ tục quá rườm rà, lại phải qua nhiều cửa. Thậm chí đến khi được duyệt hồ sơ thì thời cơ đầu tư kinh doanh đã vuột mất”, ông Tống tâm sự.
Theo ông Tống, hồ sơ của Chương trình kích cầu cần thoáng hơn để các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Bởi trên thực tế, với chương trình này, phía TP chỉ hỗ trợ lãi vay. Trong khi đó, trước khi đầu tư, theo quy định của ngân hàng, ngoài dự án khả thi, ngân hàng buộc DN phải có vốn đối ứng trước 30%, sau đó mới giải ngân. Đến kỳ hạn, DN cũng phải trả lãi trước cho ngân hàng, sau đó mới nhận nguồn vốn hỗ trợ từ phía TP. “Như vậy, trong quá trình tham gia Chương trình kích cầu, nếu DN đầu tư thua lỗ phải gánh chịu, phía TP không thiệt hại gì, vậy cớ sao trong quá trình thực hiện luôn “canh ke” với DN?”, ông Tống đặt vấn đề.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Minh Đức, Nguyễn Quốc Anh cho biết, hồ sơ dự án tham gia Chương trình kích cầu của DN đã nộp đầy đủ cách đây mấy tháng. Nhưng đợi lâu chưa thấy kết quả, nên công ty có liên lạc với các sở và lần nào cũng được trả lời hồ sơ không vướng mắc gì. Tuy nhiên, đến nay, ông vẫn chưa nhận được kết quả hồ sơ. “Trong Chương trình kích cầu đã ban hành nội dung, quy trình hẳn hoi. Vậy, TP cần đặt ra chế tài đối với những đơn vị, cá nhân nào thực hiện không đúng thời gian, gây phiền nhiễu cho DN. Có như vậy, Chương trình kích cầu của TP mới thực chất, đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho DN”, ông Anh đề nghị.
Công ty TNHH Minh Đức đang mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh và chờ duyệt hồ sơ từ Chương trình kích cầu.
Linh hoạt thời gian, hạn mức hỗ trợ
Tại buổi làm việc giữa Sở Công thương TPHCM với các hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn cuối tháng 3 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, trong lần sửa đổi, bổ sung quy định về Chương trình kích cầu lần này, TP nên tạo nhiều “cửa mở” để hỗ trợ vốn kịp thời cho DN, đặc biệt trước tình hình kinh tế dần phục hồi và hội nhập cạnh tranh ngày càng sâu.
Về nhóm ngành, lĩnh vực, Chương trình kích cầu chỉ nên quy định “khung”, không quá chi tiết, dễ dẫn đến thiếu sót những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhưng lại không nằm trong danh mục được hỗ trợ kích cầu. Đối với thời gian, hạn mức vốn vay hỗ trợ cũng cần linh hoạt, không nên hạn chế cứng nhắc mức tối đa, mà cần cân nhắc xem xét từng dự án cụ thể. Đơn cử, đối với những dự án đầu tư có quy mô lớn nên kéo dài trên 10-15 năm và số vốn hỗ trợ không chỉ khống chế tối đa 100 tỷ đồng như quy định hiện nay, do suất đầu tư thường lớn, vòng đời công nghệ dài…, mất nhiều thời gian thu hồi vốn. Trường hợp vẫn quy định mức vốn tối đa được hỗ trợ lãi vay đối với mỗi dự án, nên cân nhắc, quy định linh hoạt nhiều mức khác nhau cho phù hợp với đặc điểm, suất đầu tư của ngành nghề. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng, đồng thời nâng mức hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 50% lên 75% và 100% đối với những lĩnh vực đang được TP khuyến khích đầu tư như công nghiệp hỗ trợ, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, nên quy định rõ về thành phần hồ sơ DN phải chuẩn bị và nộp khi tham gia Chương trình kích cầu. Cho phép DN sử dụng phương án sản xuất kinh doanh dùng để vay vốn ngân hàng làm hồ sơ tham gia Chương trình kích cầu. Mặt khác, quy định rõ tổng quỹ thời gian thẩm định, phê duyệt và thông báo kết quả cho DN tham gia chương trình biết, để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh kịp thời.
LẠC PHONG