Thời gian gần đây, công tác phòng chống đua xe trái phép ban đêm đã được Công an TPHCM cùng các cơ quan hữu quan phối hợp khá nhịp nhàng. Nhờ vậy, trong các đêm cuối tuần, lực lượng CSGT, 113, cơ động, công an địa phương, bảo vệ dân phố, dân phòng… đã phát hiện và truy bắt hàng trăm lượt phương tiện; ngăn chặn hàng chục vụ tụ tập, chuẩn bị phóng nhanh, lạng lách, biểu diễn.
Sau các đợt ra quân mạnh mẽ đó, tình hình đua xe trái phép đã thuyên giảm rõ rệt và được sự đồng thuận, động viên của người dân. Tuy nhiên, việc xử lý (xử phạt vi phạm, tịch thu phương tiện…) đang gặp nhiều khó khăn.
Dù mức phạt hiện nay có cao hơn trước trong quy định mức phạt, thời gian tạm giữ phương tiện, nhưng nan giải nhất là chủ các phương tiện không đến cơ quan công an thực hiện thủ tục ký biên bản vi phạm hành chính và quyết định tạm giữ xe. Bởi lẽ, phần đông các phương tiện tham gia đua xe trái phép ban đêm có giá trị rất thấp, thấp hơn tiền mua một phương tiện cùng loại khác.
Theo Thượng tá Lê Thanh Vũ, Đội phó Đội CSGT - Trật tự - Cơ động, Công an quận Bình Thạnh, hiện nay còn hơn 200 phương tiện tham gia gây rối trật tự công cộng bị tạm giữ trong 2 đợt ra quân trên không có người đến nhận. Điều này đồng nghĩa với việc chủ phương tiện đã “bỏ của, chạy lấy người”.
Để đủ thủ tục hóa giá phương tiện hay thanh lý phải có quyết định tịch thu phương tiện. Mà muốn có quyết định này, lực lượng công an phải xác minh nguồn gốc xe. Trong khi đó, có không ít phương tiện đã sang tên, đổi chủ nhiều lần nhưng không làm thủ tục đăng ký lại hay xe có nguồn gốc không rõ ràng (xe gian, xe trộm cắp, cạo sửa số sườn, số máy…). Khi xác minh xong (thường mất vài tháng cho một phương tiện) phải thực hiện thêm một số thủ tục để tiến hành thanh lý, bán hóa giá.
Các phương tiện kể trên khi đủ thủ tục thì cũng trở thành đống sắt vụn trong khi các chi phí (xác minh, lưu xe tại bãi, đăng báo thông báo thanh lý…) thì cơ quan nào thụ lý thì cơ quan đó phải chịu. Rõ ràng, bắt đã khó, xử lý còn khó hơn!
ĐOÀN HIỆP