Giáo dục cảm xúc và tư duy sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Lấy cảm hứng từ mô hình lớp học trong cuốn tự truyện nổi tiếng Tottochan - cô bé ngồi bên cửa sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko (Nhật Bản), lớp học đặc biệt mang tên Toa Tàu đã được hình thành dựa trên tiêu chí yêu trẻ em, kích thích sáng tạo và phát triển trí tuệ cảm xúc.
Đi học là một phần thưởng
Trong cuốn sách cùng tên, Tottochan đã bị đuổi ra khỏi trường tiểu học trong ngày đầu tiên đến trường vì quá hiếu động. Sau đó, mẹ đưa em tới trường học mới có tên Tomoe, nơi có một người thầy ngồi nghe em nói suốt bốn tiếng đồng hồ. Nơi đó em được là chính mình, được học kiến thức, học cách sống có trách nhiệm, học cách yêu thương mọi người và tôn trọng sự khác biệt. Cô bé ấy, sau này lớn lên đã trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nước Nhật và là đại sứ thiện chí của UNICEF. Lấy ý tưởng từ cuốn tự truyện Tottochan - cô bé ngồi bên cửa sổ của Kuroyanagi Tetsuko, họa sĩ Đỗ Hữu Chí cùng hai người bạn là dịch giả Lê Vũ Phương Thủy và TS Nguyễn Thu Thủy đã cùng nhau xây dựng Toa Tàu, với những học gợi nhắc về Tomoe, một cách nói ẩn dụ về việc cùng nhau tiến về phía trước với tinh thần khám phá những tiềm năng của chính mình.
Để thu hút nhiều phụ huynh đưa con đến học những kỹ năng có vẻ hết sức bình thường như cách tỏ bày cảm xúc, quan điểm cá nhân, học kể chuyện, vẽ tranh, gấp giấy, nặn đất... chìa khóa của khóa học không chỉ là thành quả khơi mở tư duy mà còn là việc đem đến niềm vui cho người trải nghiệm, biến việc học trở thành một hoạt động tự nguyện. Là một tổ hợp các lớp học nghệ thuật dành cho mọi lứa tuổi, Toa Tàu dành một sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, với ước mong giúp trẻ khai mở được cảm xúc và tiềm năng sáng tạo. Toa Tàu sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau như hội họa, âm nhạc, khiêu vũ… được thiết kế và hướng dẫn bởi các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, và những người làm giáo dục có chuyên môn và đầy nhiệt huyết. Họa sĩ Đỗ Hữu Chí chia sẻ: “Toa Tàu là nơi tập hợp những người muốn chia sẻ những điều họ làm với toàn bộ đam mê và hứng khởi. Ai cũng có thể đến đây, để được sống, được học, được truyền cảm hứng và được kể những câu chuyện của riêng mình. Bởi, ở Toa Tàu, chúng tôi tin vào điều mà triết gia John Dewey từng nói: “Giáo dục không phải là chuẩn bị cho đời sống, giáo dục chính là đời sống”.
Một lớp học của Toa Tàu
Tôn trọng sự khác biệt
Trở về nước từ học bổng Fulbright, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành truyện tranh tại Savannah College of Art and Design (Mỹ) năm 2013, họa sĩ Đỗ Hữu Chí đã thành lập lớp vẽ kể chuyện, một bước đi đầu tiên cho việc thành lập Toa Tàu. Dự án này khác biệt ở chỗ, tuyển sinh của lớp học vẽ nhưng học viên lại không cần biết vẽ, không cần vẽ đúng... mà vẽ đơn giản là để kể chuyện. Sau sự thành công của 6 khóa học, Đỗ Hữu Chí đã ngồi lại với những người bạn của mình là dịch giả Lê Vũ Phương Thủy và TS Nguyễn Thu Thủy - tiến sĩ dự án xây dựng, Đại học Texas - Austin, hiện phụ trách chương trình đào tạo khu vực Đông Dương của Target Sourcing Services (Mỹ) để phác thảo ra một mô hình lớn hơn. Họ cùng có mơ ước xây dựng một trường học mà ở đó học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và được tạo cơ hội tối đa để tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh.
Chị Ngọc Anh (quận 8, TPHCM) kể lại câu chuyện về con gái của chị. Từ nhỏ dù không nổi bật với một môn học nào nhưng con chị vẫn luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền, đến năm lớp 10 thấy con gái thường không vui khi đi học, lúc đầu chị chỉ nghĩ có thể do mới chuyển cấp còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng một lần nghe con gái nói với mẹ là ước gì sáng dậy không phải đi học nữa chị lại đâm lo. Sau khi gặng hỏi chị mới biết con đang gặp khó khăn với môn Văn và Mỹ thuật. Con gái chị không thích vẽ tranh giống y như hình chụp, cũng không thích làm văn theo bài văn mẫu. Nhưng trong lớp chẳng ai làm vậy cả nên em thường bị bạn bè trêu chọc, bị cô giáo chê. Được một người bạn giới thiệu, chị đưa con đến với lớp học Toa Tàu. Sau thời gian đến đây, Gia Bảo - con gái chị chia sẻ: “Bây giờ em đã tự tin hơn rất nhiều, em thấy mình không còn là người khác biệt nữa…”. Giờ đây, Gia Bảo đã bắt đầu viết tản văn và một vài trong số đó đã được Báo Hoa Học Trò đăng tải.
Chị Lê Vũ Phương Thủy chia sẻ: “Cuộc sống luôn muôn màu muôn vẻ, nên chúng ta cần sống đúng là chính mình và chấp nhận sự khác biệt của người khác. Điều chúng tôi luôn nỗ lực là khuyến khích mỗi người tin rằng họ luôn có một khả năng đặc biệt và người khác cũng vậy. Chỉ cần họ hiểu rằng mình có thể làm được gì, đi xa đến đâu và đôi khi họ phải vượt qua khỏi vùng an toàn của mình. Niềm tin vào những tiềm năng của bản thân có thể giúp họ miễn nhiễm với nhiều điều tiêu cực.”
Lớp học Toa Tàu là một trong số ít ỏi mô hình giáo dục lấy giáo dục cảm xúc và tư duy sáng tạo làm chất liệu chủ đạo, góp phần đánh thức tất cả những khả năng, sự sáng tạo và cảm xúc của người học từng bị che lấp từ lâu. Điều Toa Tàu đã làm được không phải là tạo ra những đứa trẻ tài giỏi với điểm số ngất ngưởng mà là những đứa trẻ tự tin khi được là chính mình. Bên cạnh những khóa học, Toa Tàu còn tổ chức nhiều hoạt động phi lợi nhuận, những buổi nói chuyện chuyên đề, các workshop và chương trình học nghệ thuật cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ít được tiếp cận nghệ thuật. Nhiều hoạt động trong số này được hỗ trợ bởi các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới lĩnh vực phát triển văn hóa.
PHAN NGỌC