Giáo dục tiểu học lại đối mặt quá tải sĩ số

Áp lực tăng sĩ số
Giáo dục tiểu học lại đối mặt quá tải sĩ số

Nhiều trường tiểu học tại TPHCM đang phải gánh chịu áp lực lớn từ việc sĩ số tăng. TPHCM thu hút lao động nhập cư ngày càng nhiều kéo theo những khó khăn khi trường lớp luôn chạy sau áp lực tăng học sinh. Sĩ số tăng cao còn đồng nghĩa với việc kéo giảm chất lượng dạy và học…

Bàn học được kê sát nhau để đủ chỗ cho học sinh tại một trường tiểu học ở nội thành.

Bàn học được kê sát nhau để đủ chỗ cho học sinh tại một trường tiểu học ở nội thành.

Áp lực tăng sĩ số

Lớp học với những dãy bàn nhỏ được kê sát nhau nhằm tạo thuận lợi để 2 bàn chứa được 5 trò. Giữa trời trưa nắng nóng, hơn 50 học sinh ngồi chen chúc nhau cặm cụi tập vẽ. Cô giáo mướt mồ hôi chạy từ đầu lớp đến cuối lớp để hướng dẫn học trò. Khi chân đã mỏi, cô bắt đầu thấm mệt, giọng nhỏ dần, lớp học vẫn chưa dứt tiếng gọi bi bô của những cô cậu bé lớp 1 đang cần sự chăm chút tỉ mỉ của cô giáo, thậm chí cầm tay tập vẽ…

Đó là sự quá tải của một lớp học “đông dân” tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính (quận Tân Phú). Năm học này, trường nhận thêm 14 lớp 1 trong khi đầu ra năm học vừa rồi chỉ có 13 lớp. Số học sinh tăng lên trong khi phòng học không thể “nở” thêm nên sĩ số các lớp đa phần đều ngấp nghé ngưỡng 50. Những lớp bán trú còn thu hút nhiều học sinh hơn nên lớp nào cũng có sĩ số từ 50 - 52 em.

Cô Phạm Thị Bạch Cúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các lớp Tăng cường tiếng Anh năm nay cố gắng chấp nhận sĩ số cao hơn, vượt quy định (khoảng gần 40 em/lớp) đồng thời từ đầu năm đến giờ, khối lớp 1 vẫn chưa tổ chức lớp Tăng cường tiếng Anh nên chưa có áp lực giảm sĩ số. Trường cũng chỉ đủ sức tổ chức 27 lớp bán trú, số còn lại phải học 1 buổi”.

Chuyện sĩ số còn căng thẳng hơn ở Trường Tiểu học Lê Lai, ngôi trường luôn chịu áp lực dân cư đông của quận Tân Phú, nhất là dân nhập cư, vì gần khu công nghiệp dù trường chỉ nhận học sinh của duy nhất phường Tây Thạnh.

Một phụ huynh có con vừa vào lớp 1 của trường cho biết, nhiều lớp học có sĩ số lên đến 52-54 học sinh. So với năm học trước, trường phải gánh nhiều lớp có sĩ số từ 58-60 em. Tuy chỉ tiêu tiếp nhận khoảng 500-600 trẻ/trường nhưng thực tế số học sinh xin nhập học bao giờ cũng nhiều hơn vài trăm em vì đặc thù của địa phương là số lượng dân nhập cư biến động liên tục.

Thống kê từ Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, năm học 2010-2011, số học sinh đăng ký vào lớp 1 trên địa bàn quận khoảng 7.000 trẻ. Trong khi đó, số học sinh lớp 5 ra trường chỉ 4.800 học sinh, chênh lệch hơn 2.000 học sinh khiến cho sĩ số bình quân ở bậc tiểu học của quận lên đến 47 em. Nhưng đó không còn là tình cảnh riêng của quận Tân Phú.

Ngay từ đầu năm học, có tiếng và đạt chuẩn như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) phải chấp nhận tăng thêm hơn 100 học sinh so với năm học 2009-2010 dù đã “từ chối” không ít trường hợp trái tuyến. Sĩ số đạt chuẩn lý tưởng khoảng 30-35 học sinh/lớp nhưng năm nay, sĩ số bình quân của trường đã là 42 học sinh/lớp. Trường phải nhận hết học sinh đến tuổi đi học đúng tuyến, đủ điều kiện nên lớp học trở nên chật chội hơn.

Tương tự, Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp) cũng không thể tổ chức lớp bán trú cho học sinh khối lớp 1 vì điều kiện cơ sở vật chất kham không xuể so với tổng số học sinh của trường cứ tăng đều mỗi năm.

Kéo giảm chất lượng?

Một giáo viên tiểu học ở huyện vùng ven cho biết: Mỗi lớp hơn 50 học trò thì không tài nào giáo viên có thể gọi hết các em cùng phát biểu nên phải chấp nhận xoay vòng. Nhiều lúc cũng không tránh khỏi việc giáo viên đứng lớp chỉ chú ý một nhóm học sinh hay xung phong, ưa phát biểu nên có em hầu như không phát biểu trong cả năm học…

Việc học sinh “đứng ngoài” bài học chính là hệ quả rõ ràng nhất của việc tăng sĩ số. Mục tiêu giáo dục cá thể hóa, phấn đấu giảm sĩ số lớp học, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông bị cản trở bởi áp lực học sinh quá đông.

Chỉ tính riêng bậc tiểu học, năm học này, quận Bình Tân phải đau đầu giải quyết thêm chỗ học cho hơn 2.700 học sinh tăng thêm so với năm học trước. Đặc thù của một quận vùng ven, dân nhập cư biến động liên tục khiến số học sinh xin vào học cứ tăng lên hàng ngày. Không chỉ sĩ số bình quân tăng lên, năm học này, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận cũng giảm xuống dưới 26,7%.

Tại quận 9, việc phải liên tiếp gánh áp lực sĩ số đông trở nên thường xuyên trong những năm qua. Đơn cử như Trường Tiểu học Phước Bình đều có sĩ số trung bình gần 50 em. Năm học này, quận có thêm 1 trường tiểu học mới là trường Phước Long A với 30 phòng học giúp cho sĩ số giảm đáng kể. Hiện quận 9 đang được tháo gỡ dần khó khăn khi một số trường lớp đang được xây mới, nâng cấp.

Từ kinh nghiệm thực tế, cô Lê Thị Minh Loan, Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 đề xuất: Giải pháp duy nhất nhưng không dễ thực hiện chính là có thêm trường lớp. Nhưng trên thực tế cơ sở vật chất không thể “chạy” kịp lượng học sinh tăng. Tình hình càng khó khăn cho các quận tập trung khu công nghiệp có dân nhập cư đông, biến động thường xuyên. Sĩ số cao không chỉ thiệt thòi cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khi giáo viên khó lòng quán xuyến cả lớp. Đối với những lớp nhỏ ở bậc tiểu học, học sinh cần sự chăm chút tận tình, bao quát của giáo viên. Những môn năng khiếu, ngoại ngữ càng gặp khó khăn khi sĩ số đông như hiện nay.

Trước thực trạng này, nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại khi chương trình giảng dạy tiếng Anh từ năm lớp 3 được áp dụng đại trà sẽ trở thành một áp lực lớn cho các trường. Lúc đó, ngành giáo dục không thể “co bóp” một số lớp này để ưu tiên cho lớp khác thí điểm như hiện nay. Sĩ số đông đã là câu chuyện cũ với các quận trung tâm.

Để tránh vết xe cũ, các nhà quản lý cần có sự chuẩn bị, quy hoạch hệ thống trường lớp đối với các quận mới, huyện vùng ven.

Mỹ Hằng

Tin cùng chuyên mục