Giáo dục trẻ đi lên bằng chính đôi chân mình

Anh Dương Đức Minh
Giáo dục trẻ đi lên bằng chính đôi chân mình

­Phản hồi chuyên đề: Dạy trẻ trung thực: Bắt đầu từ người lớn

Anh Dương Đức Minh
Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi TPHCM

Cách thức sai sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường

Giáo dục trẻ đi lên bằng chính đôi chân mình ảnh 1

Nói đến việc các bé thiếu nhi hiện nay càng lớn, càng thiếu trung thực thì không hẳn, tôi nghĩ điều đó chỉ chiếm một phần vì vẫn có nhiều em phát triển rất tốt về tính cách và hình thức. Ông bà ta thường nói “Trẻ con như một tờ giấy trắng”, nghĩa là ở độ tuổi thiếu nhi, cụ thể là ở độ tuổi tiểu học các bé rất hồn nhiên và trong sáng. Từ cách chơi, cách nói, hay đối xử với người lớn, các em đều thể hiện sự hồn nhiên, luôn rất thực, hầu như không giấu giếm điều gì, nghĩ gì nói đó. 

Nhưng riêng các em lớn hơn, ở độ tuổi trung học cơ sở, phổ thông thì các em có cái nhìn về xã hội khác đi, có em chín chắn hơn, nhưng cũng có em nhìn lệch hướng. Ví dụ, trong học tập, có em sẽ muốn vượt các bạn trong lớp, sẽ có sự cạnh tranh, điều đó rất đúng nhưng nếu xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh để có thể thắng được bạn là không tốt. Hay có em được gia đình kỳ vọng quá nhiều, mà khả năng của em thì giới hạn, thiếu tự tin ở bản thân, nên nhiều em sinh ra những hành vi gian dối trong học tập để có thể giữ được điểm số, vượt qua các kỳ thi hay làm ba mẹ, thầy cô vui lòng.

Từ những góc độ đó, chúng ta sẽ thấy lý do tại sao các em thiếu sự trong sáng, trung thực trong cách sống của mình, chưa nhận thức được thế nào là cạnh tranh công bằng trong cuộc sống, trong học tập.
 
Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc các em phát triển thiếu trung thực là do một phần về phía gia đình và nhà trường cũng không hẳn là sai. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh muốn con được kèm học và có điểm số cao nên thường lo “cửa sau”, thầy cô muốn đạt thành tích thì cho học sinh biết bài trước, chấm điểm dễ dãi hơn, tất cả đều do sự ganh đua lẫn nhau. Xuất phát từ mục đích tốt, tổ chức tốt nhưng cách thức sai sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường. Theo tôi, phụ huynh và nhà trường nên tạo cho các em một sân chơi bình đẳng, phấn đấu cùng đi đến mục tiêu.

Người lớn luôn là tấm gương cho trẻ, ai cũng ao ước con mình học giỏi, đạt thành tích cao để nở mày nở mặt với mọi người, nhưng những điều đó không giúp gì được cho tương lai các em nếu các các em đạt được bằng sự thiếu trung thực. Phụ huynh nên giáo dục cho con cách đứng và đi bằng chính đôi chân mình, dựa trên những kiến thức các em có trong thực tế thì các em sẽ phát triển ngày càng tốt hơn.


Đặng Ngọc Kim Ngân
HS lớp 12 Trường Lê Thánh Tôn, quận 7, TPHCM

Nhà trường và người lớn đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?

Giáo dục trẻ đi lên bằng chính đôi chân mình ảnh 2

Nhiều người trẻ hiện nay có thói quen nói dối, sống thiếu trách nhiệm với hành động và lời nói của mình, hay đổ thừa. Sự ích kỷ hay thói hẹp hòi, nhỏ mọn với người khác đều xuất phát trước hết từ sự thiếu tự tin. Việc học sinh nói dối, gian lận, lấy cắp chất xám của người khác trong vịêc học tập rất đáng bị lên án, nhưng chúng ta không nên nhìn về một phía để trách móc sinh viên, học sinh... mà quan trọng là xem nhà trường và người lớn đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Nếu nhà trường và thầy cô giáo không đi theo hướng tiêu cực thì làm gì có chuyện tiêu cực xảy ra.

Ví dụ như bệnh thành tích, hay việc phụ huynh phải tặng tiền, quà cho thầy cô để nâng điểm cho con mình, hoặc học sinh phải học kèm riêng tại nhà thầy cô mới được điểm cao… Ngoài ra, một số gia đình dạy con lối sống thực dụng, muốn làm giàu bằng cách gian lận, muốn đạt được mục đích bằng mọi giá... Điều đó đúng hay sai, nên hay không nên, câu trả lời có lẽ phải từ người lớn. Theo tôi, gia đình và nhà trường phải là những tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.


Đỗ Diệu Hạnh
SV năm I, Đại học Luật TPHCM

Lỗi không phải ở trẻ em

Giáo dục trẻ đi lên bằng chính đôi chân mình ảnh 3

Ông bà xưa thường nói đứa trẻ khi sinh ra thực chất chỉ là một tờ giấy trắng. Vậy những thói quen xấu như không trung thực, nói dối từ đâu ra? Tôi không đồng ý hoàn toàn với những bài viết trên SGGP thứ bảy, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ bản chất vấn đề, vì bài viết trên chỉ nêu ra được thực tế khá chung chung nhưng không đưa ra được trọng điểm và thật sự chưa thuyết phục tôi cho lắm.

Thứ nhất, lỗi không phải ở trẻ em, chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tức là còn đang được hưởng sự giáo dục, quan tâm đặc biệt từ 3 hướng là gia đình, nhà trường và xã hội. Tức cả 3 môi trường này phải cùng chung tay để theo dõi và nuôi nấng trẻ một cách tốt nhất.
Thứ hai, đối với trẻ em thì việc học là vấn đề chính để từng bước trưởng thành. Sự học ở đây không chỉ là kiến thức mà còn là phẩm chất, nhân cách con người, các em đến trường không phải chỉ để học kiến thức, thông tin mà còn là học cách để làm người.

Người lớn hãy mẫu mực để con em mình noi theo. Ảnh: MAI HẢI
Người lớn hãy mẫu mực để con em mình noi theo. Ảnh: MAI HẢI

Theo tôi, quan trọng nhất lúc này không phải là đi chứng minh có bao nhiêu phần trăm trẻ em nói dối, hay chỉ ra thói xấu ảnh hưởng từ ai, nghĩa là không phải lúc để đổ lỗi cho nhau là do gia đình hay nhà trường, mà đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Các em sẽ ra sao nếu nhìn đâu cũng chỉ thấy gian lận, xảo trá, ích kỷ. Cũng từ bố mẹ, thầy cô, nói chung là từ người lớn mà ra. Đó gọi là môi trường sống.

Do đó, trước mắt phải có sự chung tay góp sức của cả xã hội, phải cùng nhau thay đổi môi trường, thay đổi cách tiếp cận vấn đề, phải chỉ ra được đâu là giá trị cốt lõi của cuộc sống và cái gì là vẻ hào nhoáng bề ngoài. Điều này đưa ra không phải để cảnh báo mà là để thấy, hiểu và hành động, vì giờ đây các em đang bị bao phủ không lối thoát nếu như người lớn vẫn thờ ơ.


Phan Thanh Lan
HS lớp 9 Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TPHCM

Người lớn hãy mẫu mực để con em noi theo

Giáo dục trẻ đi lên bằng chính đôi chân mình ảnh 5

Em đồng ý với một số quan điểm của chuyên đề trên SGGP thứ bảy.  Đôi lúc, chính lối sống thực dụng của một số phụ huynh đã gián tiếp dạy con em mình thiếu trung thực. Chính tình trạng “chạy đua thành tích” của  một số phụ huynh, giáo viên đã làm các bạn nảy sinh những hành động như gian lận trong thi cử, học tập chỉ để mang về thành tích tốt. Nhưng các bạn đâu biết rằng làm như thế thì chẳng khác nào lấy kiến thức của người khác để mang điểm về cho mình?

Có một số phụ huynh nghĩ rằng nếu cứ dạy con theo lối sống trung thực thì liệu sau này con có thể tồn tại được trong xã hội bon chen? Đức tính trung thực là điều cần thiết trong cuộc sống. Học sinh là mầm xanh của đất nước, do đó chúng em cần được dạy dỗ từng ngày, người lớn hãy trở thành những công dân mẫu mực để con em mình noi theo.

Tin cùng chuyên mục