Sáng 13-8, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi giao lưu với gần 500 giáo viên, học sinh Bình Định nhân dịp ông về dự “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX đang diễn ra tại Quy Nhơn. Với phong cách giản dị, gần gũi, GS Ngô Bảo Châu đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của các bạn học sinh. Đồng thời, ông cũng thân tình chia sẻ những bài học về ngành toán và cả những bài học về cuộc đời ông.
Chia sẻ về học để có kết quả tốt? GS Ngô Bảo Châu cho rằng so với thời ông học cách đây 20 năm, thế hệ học sinh bây giờ thuận lợi hơn nhiều. Nhưng khó khăn vẫn chưa thay đổi nhiều, thiệt thòi cho bạn trẻ Việt Nam là thiếu thông tin định hướng cho việc học cái gì, nghiên cứu như thế nào và những khả năng, những cơ hội cho tương lai? Chính vì thế, những hoạt động của GS Trần Thanh Vân xây dựng ra Trung tâm Hội khoa học và giáo dục liên ngành tại Bình Định sẽ tạo cơ hội cho các em tiếp xúc, gần gũi hơn với những nhà khoa học quốc tế, các thầy cô lớn tuổi trong nước mà không cần tham gia những hội thảo để được chia sẻ, định hướng tốt hơn cho việc học.
Trả lời câu hỏi của em Long, thành viên đội tuyển Olympic Vật lý Bình Định về GS phát hiện tài năng về toán trước hay thích học toán trước và ý tưởng về Bổ đề cơ bản, thời gian mất bao lâu? Rất thân tình, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Thực ra 2 yếu tố đó xảy ra cùng lúc với nhau. Cuối cấp 1, dù tôi vẫn chưa biết nhân hai chữ số giống nhau nhưng cha của tôi đã bắt tôi thi chuyên toán. Kỳ thi đầu tiên vào chuyên toán lớp 6, kết quả là tôi thi trượt. Tôi rất ngạc nhiên vì lúc nào tôi cũng tự tin là mình học rất giỏi mà sao lại thi trượt. Lúc đó, cũng rất may mắn, bố tôi là GS về toán ứng dụng, bản thân không có kinh nghiệm về toán phổ thông nhưng ông có nhiều học trò, các anh đó đến nhà thường xuyên và dạy cho tôi, nhờ vậy tôi bắt đầu thích học toán từ đấy”.
Về ý tưởng và quá trình hình thành đề tài Bổ đề cơ bản, theo GS Ngô Bảo Châu, khi ông được thầy của mình giao đề tài nhưng ông chẳng nghĩ được gì trong 3 năm đầu vì đề tài quá khó. Ngay cả khi thầy giáo giao cũng thừa nhận là đề tài rất khó. Suốt thời gian ấy, hai thầy trò ngồi với nhau, thầy giáo luôn nói: Phải làm được cái gì đó chứ. Sang năm thứ 4 thì GS tìm được lời giải trọn vẹn cho bổ đề và mất khoảng 15 - 16 năm sau thì Bổ đề cơ bản được hoàn chỉnh. Kết luận cho câu trả lời của mình, GS Ngô Bảo Châu cho rằng hãy cố gắng không mệt mỏi, cuộc sống sẽ mỉm cười với bạn.
Với Lê Gia Quốc Bảo, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì lại băn khoăn: “Trong những năm còn là học sinh, GS đã từng đi thi và đoạt những giải thưởng cao của thành phố, quốc gia và quốc tế, GS có thể chia sẻ với chúng em?”. “Sau này khi đi học nước ngoài, tôi có chia sẻ với bạn bè kinh nghiệm luyện thi toán thời gian học cấp 3 chuyên toán, các bạn nước ngoài không thể tin được sao chúng tôi học nhiều và thi nhiều như thế. Dạo đó, tôi học cấp 2 chuyên toán ở Trường THCS Trưng Vương, thi cấp quận, thành phố, rồi vào chuyên toán tổng hợp. Khi vào đó, các thầy tổ chức thi mỗi tháng một lần. Thi rất nhiều, nên sau một thời gian ưu điểm là tâm lý thi cử rất tốt. Nhưng mỗi năm có 10 cuộc thi thì có 2 cuộc thi hỏng. “Do luyện tập nhiều nên tâm lý không nặng nề” - GS Ngô Bảo Châu kết luận.
Em Nguyễn Lâm Thịnh, lớp 11 chuyên toán Lê Quý Đôn đã đặt câu hỏi với GS Ngô Bảo Châu: “Đến lúc nào đó, bạn sẽ làm toán vì yêu thích chứ không phải vật chất và danh lợi, nhưng đối với xã hội, danh lợi và vật chất là điều ai cũng mong muốn”? GS Ngô Bảo Châu cho rằng dù đó là câu hỏi ngây thơ và hồn nhiên nhưng đụng đến một vấn đề cơ bản mà cả nền giáo dục nước ta đang gặp phải.
“Tôi cho rằng, cản trở lớn nhất trong phát triển giáo dục, hình thành nhân cách của các bạn trẻ đó là tâm lý chung của xã hội luôn chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo. Tất nhiên đi học là phải đi thi. Nhưng đi học chỉ để đi thi sẽ làm bóp méo rất nhiều cho việc học. Nó sẽ dẫn đến hệ thống giáo dục ngày càng trục trặc vì bệnh bằng cấp, thi cử càng nặng nề. Vì vậy, một người muốn học giỏi, muốn tiến xa hơn trong việc học tập trước hết tự bản thân mình phải giải phóng tâm lý bằng cấp, mình học là do thích học. Khoa học được thúc đẩy bởi sự tò mò, ham mê khám phá. Đó là động cơ cơ bản tồn tại vĩnh viễn” - GS Ngô Bảo Châu khẳng định.
HÀ MINH