* Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển viên chức
(SGGPO). – Sáng nay, 26-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật viên chức.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật viên chức của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm rõ một số vấn đề còn nhiều ý kiến liên quan đến dự án luật này.
Cụ thể, về vai trò của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, một số ý kiến cho rằng, việc giao quá nhiều quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp với thực tiễn, trình độ quản lý của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Đặc biệt là có thể gây nên tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng viên chức.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quy định rõ trách nhiệm quản lý viên chức của người đứng đầu đơn vị và cơ quan quản lý viên chức theo hướng tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xác định số lượng vị trí việc làm, quyết định hầu hết các nội dung liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại đơn vị. Ngược lại, tại các đơn vị chưa được giao quyền tự chủ hoặc tự chủ một phần thì cơ quan cấp trên chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý viên chức; cơ quan cấp trên có thể phân cấp một số quyền cho đơn vị sự nghiệp trực tiếp sử dụng viên chức như quyền tuyển dụng viên chức, ký hợp đồng làm việc, sử dụng, bố trí viên chức vào các vị trí việc làm nhất định, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức...
Về việc thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều ý kiến tán thành cần thành lập Hội đồng, tương tự như mô hình quản lý tại các doanh nghiệp nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, kiểm soát tại đơn vị sự nghiệp công lập, ngăn chặn việc độc đoán, lạm quyền của người đứng đầu đơn vị. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên thành lập Hội đồng quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập, vì nếu để ngăn ngừa sự lạm quyền, độc đoán, cố ý làm sai để trục lợi của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì nên tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, hoạt động giám sát của các tổ chức đoàn thể quần chúng, của thanh tra nhân dân, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong đơn vị ... hơn là việc “đẻ thêm” Hội đồng quản lý.
Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy hiện nay các đơn vị sự nghiệp công lập đang nắm giữ một khối lượng không nhỏ tài sản nhà nước, thực hiện việc quản lý, sử dụng đối với hơn 1,6 triệu viên chức, người lao động. Do vậy, cùng với việc từng bước giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, mà cụ thể là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, thì rất cần có cơ chế kiểm soát, giám sát phù hợp, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của đơn vị, ngăn ngừa những hành vi lạm quyền, độc đoán, cố ý làm sai tại đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, Ủy ban tán thành với việc cần tổ chức Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Vấn đề đáng chú ý của dự án Luật này là việc quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Có ý kiến cho rằng, Luật không quy định về việc tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức tại Việt Nam. Nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị của Chính phủ quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập; do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà lại định cư ở nước ngoài. “Mặt khác, trong số công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có không ít người vừa mang quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tịch nước khác, do đó, nếu họ trở thành viên chức ở Việt Nam thì có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp nhất định trong quá trình quản lý, sử dụng...
Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có xác định thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý lại quy định của dự thảo Luật theo hướng người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định.
Thảo luận về dự án Luật này, sáng nay nhiều đại biểu tiếp tục thể hiện các ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đồng tình phải thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập để ngăn chặn tình trạng người đứng đầu lạm quyền trong tuyển dụng, sử dụng viên chức, gây hậu quả xấu (hiện nay đang xảy ra phổ biến). Nhưng nhiều ý kiến cũng phản đối việc thành lập. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, có cần thiết phải “phình” bộ máy ra không, vì trên thực tế đã từng có các hội đồng loại này (ví dụ Hội đồng trường theo quy định của Luật giáo dục) nhưng hiệu quả hoạt động không cao, còn mang tính hình thức.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) không tán thành quy định “người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam”, vì ông cho rằng như thế là rào cản, không thu hút được người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng về nước làm việc. “Chỉ cần quy định, người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam. Còn họ có thể nay sống ở Hàn Quốc, ngày mai họ lại về Việt Nam”. Đại biểu Đào nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị Luật phải cho kéo dài thời gian làm việc với những người có học hàm, học vị, vì để đạt tới trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư không dễ dàng, cho nghỉ sớm quá sẽ rất lãng phí. Các viên chức nữ có trình độ cao cũng nên được kéo dài thời gian làm việc. Những viên chức đi biệt phái cũng cần được có chế độ thỏa đáng, “đi biệt phái mà về mất chỗ hoặc lương không tăng thì chẳng ai đi”, đại biểu Thuyết nói.
Đại biểu Mai Thí Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng để tránh nạn cháy máu chất xám từ công lập sang ngoài công lập, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho viên chức. “Tuyển dụng viên chức ngoài yêu cầu khách quan, công bằng cần có chính sách ưu tiên để thu hút người tài. Luật phải thế hiện rõ người tài được ưu tiên tuyển dụng ra sao so với viên chức bình thường”, đại biểu Tuyết nói.
Nhiều ý kiến cũng không đồng tình với quy định viên chức không được đình công; tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp chứ không phụ thuộc vào vị trí việc làm. Một số ý kiến nói Luật cũng cần quy định về việc từ chức.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận về Luật kinh doanh bảo hiểm.
PHAN THẢO