- Kẹt xe nghiêm trọng tại phà Cần Thơ
- Vé xe khách từ Hà Nội đi phía Nam tăng gần 70%
Giao thông tại khu vực bến phà Cần Thơ vào mùng 6 Tết (19-2) rất căng thẳng vì kẹt xe nghiêm trọng. Do vào cao điểm đi lại của người dân trở lại TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ để học tập, làm việc nên ngay từ sáng sớm 19-2, dòng ô tô xếp hàng dài hơn 1km tại bến phà phía bờ Cần Thơ.
Đến trưa cùng ngày, tình trạng kẹt xe càng căng thẳng hơn, dòng xe khách, xe tải xếp thành 2-3 hàng từ khu vực bến phà đến Trung tâm Thương mại Cái Khế. Trong khi đó, tại bến phà phía bờ Vĩnh Long cũng xảy ra kẹt xe do một lượng lớn xe máy từ các tỉnh Bắc sông Hậu và TPHCM đổ về Cần Thơ xem giải đua mô tô toàn quốc diễn ra tại sân vận động Cần Thơ chiều cùng ngày.
Đến 17 giờ khi cuộc đua xe kết thúc, hàng chục ngàn xe gắn máy đổ ra đường, trong đó có một lượng lớn xe xuống phà trở về các địa phương sông Hậu nên tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn.
Trực tiếp chỉ huy hoạt động tại bến phà, ông Phan Quang Dự, Giám đốc cụm phà Hậu Giang, cho biết: “Lượng xe qua phà Hậu Giang mùng 6 Tết tăng đột biến, nhất là xe gắn máy lên đến hơn 100.000 chiếc, tăng 300%; xe tải, xe khách hơn 10.000 chiếc, tăng 30%. Từ 6 giờ sáng 19-2 đã xảy ra kẹt xe. Trước tình hình này, chúng tôi huy động tối đa phương tiện gồm 14 chiếc phà 100 và 200 tấn hoạt động liên tục; thời gian vượt sông an toàn được rút ngắn tối đa, mở thêm nhiều điểm bán vé tại 2 đầu bến để giảm tối đa tình trạng ùn ứ. Chúng tôi cố gắng đến khoảng 21 giờ cùng ngày, tình trạng giao thông tại khu vực bến phà Cần Thơ sẽ bớt căng thẳng…”.
Lượng khách qua bến xe Cần Thơ cũng tăng rất cao. Từ sáng sớm 19-2, đã có rất đông khách túc trực tại các khu vực bán vé. Lực lượng bảo vệ bến xe phối hợp với dân phòng, công an địa phương phải làm việc xuyên suốt để đảm bảo an ninh trật tựu, hạn chế tối đa tình trạng chen lấn, xô đẩy tại các khu vực bán vé. Nhiều hành khách mua được vé nhưng phải chờ 2-3 giờ mới có xe đi.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết: Lượng khách trong ngày 19-2 lên đến 21.000 lượt người, tăng hơn 80% so với bình thường. Công ty phải huy động đến 12.000 lượt xe phục vụ, tăng 400 lượt so với ngày thường, điều động xe từ các tuyến ít khách sang phục vụ các tuyến đông khách; đảm bảo không để xảy ra tình trạng hành khách phải ngủ qua đêm tại bến xe…
Hầu hết các tuyến tàu cao tốc từ các huyện về trung tâm thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đều tăng giá vé vận chuyển 10%-50% so với bình thường. Cụ thể một số tuyến Sông Đốc – TP Cà Mau đã tăng từ 40.000 lên 50.000 đồng/người/lượt. Tuyến tàu cao tốc độc đạo Mũi Cà Mau về TP Cà Mau đã tăng từ 70.000 lên 90.000 đồng, cá biệt có một số phương tiện tự ý tăng vượt quy định từ 1 - 2 lần.
Ngoài ra, hành khách trên các tuyến trên còn bị nhà tàu cao tốc làm eo khi đi đoạn đường gần. Phần lớn các nhà tàu cao tốc đều chỉ bán vé trọn tuyến, dù hành khách đi chỉ 1/3 đoạn đường. Tình trạng các chủ tàu tận dụng cơ hội tết nhét khách quá số người quy định diễn ra phổ biến.
Trong khi đó, đến chiều mùng 6 Tết, tại bến xe cảng Cà Mau cũng có nhiều dấu hiệu ứ động hành khách. Cò và cánh xe dù tận dụng cơ hội hét giá cao rất nhiều so với bình thường từ 1,5-2 lần. Các hãng xe lớn chính thức tăng giá với lý do phải bù lỗ vào khoảng chạy xe không từ TPHCM về. Giá vé trung bình tăng lên 180.000 đồng/người/lượt tuyến Cà Mau – TPHCM (ngày thường là 130.000 đồng/vé). Cánh xe dù chạy ngoài bến đã hét giá đi ngay lên đến 350.000 đồng/người đi TPHCM…
Hôm qua 19-2, các bến xe Hà Nội đã đón hàng vạn lượt hành khách từ các tỉnh trở lại thủ đô làm việc sau kỳ nghỉ Tết Canh Dần. Riêng bến xe phía Nam và bến xe Nước Ngầm vào giờ cao điểm từ 8 đến 10 giờ sáng cứ 15 đến 20 phút lại có xe vào bến trả khách. Mặc dù hệ thống xe buýt hoạt động hết công suất để giải tỏa hành khách xong đội quân xe ôm, taxi vẫn hoạt động mạnh gây nên tình trạng lộn xộn khu vực trước cửa các bến xe.
Trong khi các xe chạy chiều từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận rất vắng khách thì chiều từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên đã bắt đầu nóng dần. Tại Bến xe phía Nam hôm qua đã có 20 xe đi phía Nam xuất bến với khoảng gần 1.000 lượt hành khách.
Theo ghi nhận của PV SGGP, năm nay do kỳ nghỉ tết dài nên thời gian cao điểm xe đi phía Nam sẽ muộn hơn mọi năm, rơi vào các ngày mùng 8, 10 và 16 tháng Giêng âm lịch, kết thúc vào ngày 20 tháng Giêng. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đăng ký hoạt động tại bến xe phía Nam đã bắt đầu áp dụng phụ thu giá vé trong thời gian cao điểm với mức tăng từ 50% đến gần 69%.
Trong đó, đáng chú ý như loại vé giường nằm tuyến Hà Nội - Gia Lai tăng từ 420.000 đồng lên 710.000 đồng/vé; vé tuyến Hà Nội - Buôn Ma Thuột loại xe chất lượng cao tăng từ 550.000 đồng lên 880.000 đồng/vé, loại xe thường cũng tăng từ 240.000 đồng lên 385.000 đồng/vé, Hà Nội - Đà Nẵng chất lượng cao tăng từ 235.000đồng lên 360.000 đồng/vé…
B.Đại - Đ.Mũi - M.Duy