Giao thông sau tết: Nơi ùn ứ, nơi không

Hà Nội: Tắc nghẽn
Giao thông sau tết: Nơi ùn ứ, nơi không

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, người dân từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu trở lại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... vào cao điểm hôm qua khiến cho tình hình giao thông ở một số nơi bị tắc nghẽn. Đặc biệt, với đường hàng không, hành khách vẫn còn gặp phải tình trạng chuyến bay bị... hoãn, chậm chuyến.

Đông nghẹt hành khách qua phà Cát Lái, TPHCM ngày 23-2.

Hà Nội: Tắc nghẽn

Ngày 23-2, cũng là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Ất Mùi, dòng người và phương tiện từ các tỉnh lại ùn ùn đổ về Hà Nội khiến các tuyến đường cửa ngõ và khu vực các bến xe lớn của TP trở nên đông nghẹt. Tình trạng ùn ứ cục bộ trong giờ cao điểm đã xảy ra trên các tuyến đường Giải Phóng đoạn qua cửa các bến xe phía Nam và bến xe Nước Ngầm, tuyến đường Phạm Hùng đoạn qua bến xe Mỹ Đình…

Theo phản ánh của nhiều hành khách, các xe buýt đều đầy tải ngay tại bến và hành khách phải chờ hàng giờ mới lên được xe buýt. Trong khi đó, taxi hoạt động ngoài cửa bến luôn từ chối hành khách đi các chặng ngắn, xe ôm thu tiền cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với ngày thường.

Cùng ngày, các tuyến đường nội đô Hà Nội đã đông đúc người đi lại không khác gì những ngày cận tết, hệ thống xe buýt, taxi, xe ôm cũng hoạt động hết công suất.

Tại lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông đầu xuân 2015 do Công an Hà Nội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn giao thông của Công an Hà Nội trong dịp Tết Ất Mùi.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị, trong những ngày tới, CSGT Hà Nội tiếp tục triển khai 100% lực lượng tập trung điều hành và hướng dẫn an toàn giao thông. Tăng cường lực điều hành, hướng dẫn giao thông nhằm phục vụ nhân dân trở về Hà Nội công tác, học tập, đi lễ hội đầu xuân.

TPHCM, Huế: Không quá tải

Ngày 23-2, hàng chục ngàn người từ các tỉnh, TP sau kỳ nghỉ tết bắt đầu trở lại TPHCM. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại các Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, ga Sài Gòn, lượng hành khách trở lại TPHCM vẫn chưa đông nên không xảy ra tình trạng quá tải ở các bến.

Người dân từ các tỉnh trở lại TPHCM ngày mùng 5 Tết. Ảnh: CAO THĂNG


Tại Bến xe miền Tây, dù lượng hành khách từ các tỉnh miền Tây đi lại qua bến có tăng nhưng vẫn còn ít, trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 hành khách. Còn tại Bến xe miền Đông, do đa số hành khách đi lại qua bến chủ yếu từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc và thường tranh thủ những ngày nghỉ tết về thăm gia đình dài ngày nên trở lại TP muộn. Tại ga Sài Gòn, trong ngày lượng hành khách từ các tỉnh trở về nhà ga khá đông nhưng do các đoàn tàu trở về ga cách nhau cả giờ và công tác đưa đón hành khách tốt nên không xảy ra tình trạng quá tải ở ga. Tại phà Cát Lái, lượng hành khách đi lại qua phà trong ngày tăng so với ngày thường, nhất là hướng từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về TPHCM.

Trong khi đó, Ban quản lý Bến xe Thừa Thiên - Huế cho biết, khách đi xe tăng mạnh, nhất là tuyến Huế đi TPHCM tăng 3 - 4 lần so với ngày thường nhưng bến xe không thiếu vé xe. Từ nay đến hết ngày 20 tháng Giêng, đơn vị tăng cường thêm khoảng 100 đầu xe khách chất lượng cao phục vụ hành khách từ Huế đi Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, TPHCM, Nha Trang… Bến xe phía Nam TP Huế, tuyến Huế - Đà Nẵng nhu cầu khách tăng mạnh sau tết nên áp dụng lịch xuất bến đặc biệt 5 - 10 phút/lượt xe xuất bến. Các bến xe đều tổ chức bán vé liên tục từ 6 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Niêm yết công khai giá vé tết, chất lượng phục vụ tại phòng vé của bến xe.

Nhiều chuyến bay bị… “delay”

Mới sáng sớm 23-2, hành khách trên chuyến bay VN 1425Y của Vietnam Airlines từ Pleiku (Gia Lai) đi TPHCM đã được thông báo, chuyến bay sẽ khởi hành trễ hơn so với kế hoạch. Giờ khởi hành mới là 15 giờ 50 ngày 23-2 (mùng 5 Tết) thay cho 15 giờ 15. Cũng trên hành trình này, hành khách đi chuyến bay cuối giờ chiều 23-2 đã được yêu cầu đổi giờ bay vào đầu giờ sáng hôm sau... Trước đó, nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Vietjet Air, Jetstar Pacific… cũng đã bị “delay” (hoãn, chậm chuyến) liên tục.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện các hãng hàng không cho hay, thời tiết xấu ở một số khu vực và sự quá tải ở một số sân bay là nguyên nhân chính làm cho các chuyến bay đi lại mùa cao điểm sau tết bị “delay”.

Trước đó, ngày 22-2 (mùng 4 Tết), do thời tiết xấu, sự quá tải ở sân bay Vinh và Phú Quốc đã làm cho nhiều chuyến bay của hãng hàng không Jetstar Pacific phải “delay” tại đây và kéo theo nhiều chuyến bay khác của hãng bị chậm chuyến.

Trong dịp Tết Ất Mùi, có thời gian Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã phải điều hành tới gần 2.000 chuyến bay/ngày. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không tăng đột biến, gấp hàng chục lần so với ngày thường, nhất là ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 23-2, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cũng cho biết, trong đợt cao điểm nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, các hãng HKVN đã vận chuyển đạt 655.000 khách, tăng 28,5% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Do lượng hành khách tăng cao nên tình trạng chậm, hủy chuyến vẫn xảy ra với 22% số chuyến bay bị chậm, trong đó chủ yếu là do máy bay về muộn. Riêng trong ngày 22 và 23-2, mỗi ngày có khoảng gần 50 chuyến bay bị chậm, dẫn đến việc ùn ứ hành khách tại các sân bay.

 Kẹt cứng đường đến núi Bà Đen

Từ sáng 22-2, hàng ngàn người cùng phương tiện các nơi ồ ạt đổ về núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh để hành hương lễ chùa đầu năm khiến đoạn đường tại đây kẹt cứng kéo dài hàng cây số. Ngày 23-2, tình hình giao thông ở khu vực này vẫn kẹt cứng.

Tại khu vực từ chân núi Bà kéo dài khoảng 2km lên phía chùa Bà trên gần đỉnh núi đông nghẹt người đi bộ. Các phương tiện cáp treo, máng trượt tại đây hoạt động hết công suất nhưng lượng khách vẫn dồn ứ, buộc một số người phải chuyển hướng đi bộ. Tuy nhiên, khi lên lưng chừng ngọn núi, do lượng khách từ hai hướng lên và xuống núi quá đông khiến nhiều chỗ bị tắc nghẽn, phải đội nắng nhích từng bước một. Những người lớn tuổi và trẻ em buộc phải dạt ra hai bên sườn núi tìm nơi nghỉ chân, đợi đường thông thoáng mới đi tiếp. Trong khi đó, một số tốp thanh niên phải “cắt rừng” để tìm đường lên và xuống núi. Tại khu vực sân chùa cũng kẹt cứng người, cộng thêm rác rưởi từ chân hương, lễ vật hoa quả chất ngổn ngang không được dọn dẹp càng làm mất vẻ thanh tịnh chốn trang nghiêm. Cảnh xô đẩy, chen lấn và tiếng la ó trước cửa vào điện Bà cũng rất hỗn loạn. Có nhiều người lớn tuổi và phụ nữ khi cố chen vào điện Bà để xin lộc đầu năm bị ngất xỉu.

Khi dòng người hành hương từ núi quay trở ra cũng bị tắc phải nhích từng bước, mất vài giờ mới có thể rời khỏi núi Bà Đen để trở về nhà, dù đoạn đường này đã mở rộng 4 làn xe.


LẠC PHONG


Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục