Sau vụ tai nạn đường thủy thảm khốc ở khu du lịch Dìn Ký Xanh, TPHCM đã rút ra được bài học gì cho mình? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Chuyên trách Đường thủy của Sở Giao thông Vận tải TPHCM.
- PV: Thưa ông, TPHCM đã có kế hoạch chấn chỉnh lại hoạt động vận tải hành khách đường thủy, cụ thể là những vấn đề gì?
- Ông TRẦN THẾ KỶ: Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện ngay Thông tư 25/BGTVT về việc quản lý các bến đò dân sinh. Từ trước đến nay, do các bến đò dân sinh chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân riêng lẻ nên ngành chức năng không áp dụng các biện pháp quản lý. Tuy nhiên, trước tình hình tai nạn giao thông đường thủy diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đưa đối tượng này vào diện phải quản lý. Dự kiến, đến đầu tháng 6-2011 Sở Giao thông Vận tải sẽ hoàn tất công tác thống kê và sau đó trình kế hoạch kiểm tra, kiểm soát bến đò dân sinh lên UBND TPHCM. Các biện pháp quản lý sẽ được triển khai thực hiện ngay khi kế hoạch kiểm tra, kiểm soát nêu trên được UBND TPHCM phê duyệt.
- Bến đò an toàn nhưng hành khách đi trên thuyền không chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy thì nguy hiểm vẫn có thể xảy ra?
- Đúng là như vậy nên Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có quy định bắt buộc người ngồi trên thuyền khi đi qua các tuyến sông có mật độ giao thông lớn, dòng chảy phức tạp, sông lớn… phải mặc áo phao. Các quy định hiện nay không bắt buộc thực hiện điều này. Đặc biệt Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có quy định cụ thể trong việc quản lý các tàu du lịch, tàu nhà hàng… Các loại tàu này đang được quản lý như nhiều loại tàu thông thường khác.
- Cảm ơn ông.
SƠN LAM