Mặc dù hết sức cố gắng nhưng trung bình mỗi năm TPHCM cũng chỉ dành được khoảng 15% vốn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật. Chính vì vậy, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào hoạt động này là rất quan trọng. Hiểu rõ điều đó nên thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chính sách thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như kết quả vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng, tại sao? Hãy nghe các doanh nghiệp chia sẻ.
- Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương: Trên thoáng, dưới… chưa thông
Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - chủ đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới sân khấu Trống Đồng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đăng ký tham gia xây dựng bãi đậu xe ngầm cho TPHCM. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua công ty vẫn chưa thể khởi công xây dựng công trình. Lý do thì có nhiều nhưng cơ bản là vướng thủ tục đầu tư. Đa phần lãnh đạo đều ủng hộ doanh nghiệp tham gia xây dựng bãi đậu xe ngầm nhưng nhiều cán bộ cấp dưới hình như chưa thông điều ấy. Đơn cử như cuối năm vừa qua, UBND TPHCM đã hiểu những khó khăn cũng như đặc thù của việc kinh doanh bãi đậu xe ngầm “đầu tư tiền tỷ nhưng thu bạc cắc” nên đã có văn bản trình Chính phủ đề xuất miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp như một cách để khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh vào lĩnh vực này. UBND TPHCM cũng thống nhất đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp được chủ động xây dựng giá giữ xe tại các bãi đậu xe ngầm thay vì quy định cứng nhắc như trước kia… UBND TPHCM có động thái ủng hộ nhưng UBND quận 1 - nơi xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới sâu khấu Trống Đồng, chưa chuyển động. Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND quận 1 hỗ trợ doanh nghiệp làm công tác đền bù để có thể triển khai thực hiện dự án theo luật định song chưa nhận được văn bản trả lời của quận 1.
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng bãi đậu xe ngầm là vấn để không đơn giản. Thủ tục đầu tư kéo dài thêm ngày nào là doanh nghiệp gặp khó thêm ngày đó. Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương rất mong trên thông, dưới… cũng phải thông.
- Ông Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (IUS): Cần chính sách… ổn định
Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 3-2013, IUS sẽ tiến hành di dời cây xanh trong Công viên Lê Văn Tám để xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới công viên. Tôi phải mào đầu bằng câu “nếu không có gì thay đổi” bởi IUS đã nhiều lần lên kế hoạch nhưng cũng đã nhiều lần phải thay đổi kế hoạch xây dựng do… chính sách. Như hiện nay chẳng hạn, IUS phải làm thiết kế kỹ thuật - một công việc mà IUS đã từng làm. Thế nhưng chỉ vì có thay đổi về tiêu chuẩn kỹ thuật trong các thiết kế liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy mà IUS phải làm lại. Trước đây, tiêu chuẩn kỹ thuật này được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn của nước Nga, nay người ta muốn bổ sung các tiêu chuẩn học hỏi từ nước Anh… Đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật là bước đi dài hơi, do vậy các chủ trương chính sách liên quan đến vấn đề này phải ổn định. IUS là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đăng ký đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm cho TPHCM ngay sau khi TP công bố quy hoạch các địa điểm xây dựng bãi đậu xe. Thế nhưng, gần 10 năm đã trôi qua mà công trình vẫn còn trong quá trình thiết kế kỹ thuật… Bao giờ, công trình mới được xây dựng? Thú thật, là chủ đầu tư song tôi cũng chưa biết nữa.
- Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX TPHCM: Ổn định luồng tuyến để thu hút đầu tư
Kinh doanh vận tải hành khách công cộng tuy không phải là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, song do gắn bó lâu dài, tâm huyết với nghề, nhiều xã viên của Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM đã chủ động đầu tư xe mới. Vấn đề hiện nay khiến nhiều xã viên ưu tư là việc đấu thầu luồng tuyến. Đấu thầu nhằm chọn ra đơn vị xe buýt có chất lượng phục vụ hành khách tốt nhất là điều nên làm. Tuy nhiên, với các xã viên đã mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư xe buýt mới thì điều này cũng đồng nghĩa họ đang cố gắng đưa ra dịch vụ phục vụ khách hàng tốt nhất. Do vậy, tôi đề nghị, với các xã viên trên, nên có chính sách cho họ khai thác ổn định luồng tuyến ít nhất 5 năm kể từ ngày họ đầu tư xe mới. Sau thời gian này, có thể đưa việc khai thác luồng tuyến ra đấu thầu. Nếu Sở Giao thông Vận tải và trên nữa là UBND TPHCM cam kết điều đó thì tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều xã viên chủ động đầu tư thay mới xe buýt.
Tất nhiên, bên cạnh động thái này, nếu TPHCM có thêm các ưu đãi cho việc đầu tư xe buýt mới như hỗ trợ lãi vay cho 2/3 vốn đầu tư mua xe buýt như đề án Đổi mới hơn 1.600 xe buýt mà Sở Giao thông Vận tải đang trình TP xem xét thì việc đổi mới xe buýt ở thành phố sẽ diễn ra nhanh hơn.
Số lượng xe buýt dành cho người khuyết tật, xe buýt 2 tầng, xe buýt sử dụng khí CNG cũng sẽ phát triển nhanh chóng, thay vì chỉ có vài xe như hiện nay nếu như TPHCM có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Các loại xe này đều có vốn đầu tư cao hơn đến khoảng 1,5 lần so với xe buýt thông thường. Trị giá mỗi chiếc xe có khi gần tới 2 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với xã viên nên rất cần được Nhà nước hỗ trợ để phát triển.
Nguyễn Khoa
- Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa
Nói về một số giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình giao thông vận tải năm 2013, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm mới, sở sẽ tăng cường vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải bằng các hình thức như PPP (hợp tác công tư), BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BTO (đầu tư, chuyển giao, kinh doanh), BT (đầu tư, chuyển giao), trong đó chú trọng tăng cường năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan thuộc sở nhằm giám sát đầu tư một cách hiệu quả, giải quyết kịp thời, đồng bộ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Sở sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình thủ tục đầu tư, đề xuất cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ngày càng nhiều vào các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải sẽ tập trung sức để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành tốt các thủ tục đầu tư trong một số lĩnh vực liên quan đến đầu tư công trình giao thông vận tải như sau: quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo quỹ đất để thực hiện các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” (BT hoặc các hình thức đầu tư khác). Sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải nhằm xác lập danh mục các dự án cần đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Đưa các dự án này ra kêu gọi đầu tư. Nghiên cứu nhóm giải pháp tăng cường đối thoại, hỗ trợ, hợp tác với nhà đầu tư bằng các biện pháp hành chính, tài chính trên cơ sở đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý.
T.Đức
- Đường Vành đai 2 – cần cơ chế tạo vốn
Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa đề nghị UBND TPHCM đề xuất Chính phủ hỗ trợ cơ chế tạo vốn để đầu tư xây dựng khép kín Vành đai 2 - trục giao thông quan trọng bậc nhất thành phố. Chính phủ có thể bảo lãnh vay, cho thành phố phát hành trái phiếu đô thị hoặc dùng ngân sách trung ương hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến.
Vành đai 2 còn vài đoạn tuyến ở khu vực quận Thủ Đức, quận 9 và quận 7… vẫn chưa được xây dựng. TPHCM đã đưa các dự án xây dựng các đoạn đường này ra kêu gọi đầu tư nhưng thiếu cơ chế tạo vốn nên chưa thể triển khai xây dựng công trình. Vành đai 2 hoàn thành sẽ giúp TPHCM tổ chức lại giao thông, các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô nếu không có nhu cầu đi vào nội thành, TP, có thể đi trên vành đai để giảm áp lực giao thông nội thành.
S.L.
- Ưu tiên vốn ODA các công trình trọng điểm
Liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã đề nghị, ưu tiên tập trung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ODA để xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị (metro) và các công trình giao thông trọng điểm cấp bách. Việc bố trí vốn nên được thực hiện vào tháng 1 hàng năm để công tác đầu tư được triển khai thực hiện liên tục. Vốn cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng cần được nghiên cứu đề xuất trước, đặc biệt đối với các dự án xây dựng công trình giao thông trọng điểm của thành phố như dự án hoàn thiện đường Vành đai, các đường hướng tâm, các nút giao thông quan trọng…
L.S.
- Hoàn thành cầu Bình Lợi vào tháng 6-2013
Dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đang thi công hệ thống cống thoát nước, đường, vỉa hè với tổng khối lượng ước đạt 65%. Dự kiến, 2 hạng mục là cầu Bình Lợi và đoạn đường từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến nút giao thông Bình Triệu sẽ hoàn thành vào tháng 6-2013. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, toàn công trình sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Đ.T.