Giáo viên giáo dục thường xuyên và chuyên biệt: Khi tình thương không nói được bằng lời

Bao năm qua, các thầy cô giáo trường chuyên biệt, trường hy vọng và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn thành phố luôn ngày đêm âm thầm dạy chữ, dạy làm người, góp phần đưa nhiều mảnh đời khuyết tật, gia cảnh khó khăn vững bước vào đời. Ghi nhận công lao đóng góp đó, Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay vinh danh 3 thầy cô của những bậc học đặc biệt này. 

“Các em là một phần của đời tôi!”

Gặp thầy Nguyễn Thanh Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận 6, thầy liền khoe: “Trung tâm vừa khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, cuốn sách hay về Bác. Ngoài sách giấy, trung tâm còn xây dựng tủ sách Bác Hồ trực tuyến với nhiều đầu sách được lựa chọn phù hợp với độ tuổi và đối tượng học sinh và thầy cô giáo. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp học sinh, học viên hiểu hơn về thành phố mà các em đang sống cũng như những câu chuyện về Bác gắn với lịch sử đất nước, thành phố”.

Theo thầy Hoàng, thông qua học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một số học sinh, học viên trước đây có tâm lý tự ti thì nay mạnh dạn tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, văn thể mỹ. Có em trở thành học sinh ngoan, học lực khá, đoạt giải cao tại các hội thi cấp quận, thành phố.

Giáo viên giáo dục thường xuyên và chuyên biệt: Khi tình thương không nói được bằng lời ảnh 1 Thầy Nguyễn Thanh Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận 6 cùng các em học sinh

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành Hóa, Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy Nguyễn Thanh Hoàng về dạy tại Trường THCS Văn Thân (quận 6). Qua năm tháng, thầy dần là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục quận trong đào tạo học sinh giỏi. Ngoài việc đào tạo học sinh giỏi môn Hóa, hễ có thời gian thầy lại tham gia các lớp phổ cập buổi tối cho các em học sinh cơ nhỡ, công nhân, người lao động. Đến năm 2009, khi được giám đốc trung tâm GDTX mời về công tác, không chút do dự, thầy gật đầu nhận lời.

Dù đã quen với công việc dạy phổ cập, nhưng khi về Trung tâm GDTX quận 6 công tác, thầy Nguyễn Thanh Hoàng vẫn không tránh khỏi mất ăn, mất ngủ. Thầy kể: “Lúc đó trung tâm cái gì cũng thiếu, từ cơ sở vật chất tạm bợ đến chất lượng dạy và học cứ giậm chân tại chỗ. Chưa hết, học sinh phần lớn là công nhân, người lớn tuổi. Do quận giáp ranh với quận Bình Tân, nơi tập trung nhiều phân xưởng, công ty nên học trò người ngoại tỉnh rất nhiều, có học sinh nhuộm tóc xanh, tóc đỏ trông rất “anh chị”. Tôi phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh của các em, nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tâm tư học trò, tránh để các em mặc cảm”.

Theo thầy Nguyễn Thanh Hoàng, chắc chắn trung tâm có những học sinh cá biệt, nhưng đó không phải do lỗi các em, có thể do hoàn cảnh, cuộc sống đưa đẩy. Bản thân thầy Hoàng cùng đồng nghiệp luôn lấy tình yêu thương để cảm hóa học trò và đến nay trung tâm không còn học sinh cá biệt, ngỗ ngược.

Liên tục 5 năm trở lại đây, trung tâm là một trong 3 đơn vị dẫn đầu thành phố về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. Đạo đức của học viên ngày càng được nâng lên, các em biết quan tâm, chia sẻ khó khăn với bạn bè, biết đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập và biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội. Đặc biệt, năm nào trung tâm cũng có nhiều học sinh giỏi cấp thành phố.

Dù đạt được rất nhiều thành tích tập thể và cá nhân, nhưng khi được hỏi điều gì khiến thầy hạnh phúc sau 25 năm lăn lộn với nghề, thầy Nguyễn Thanh Hoàng tâm sự: “Điều tôi hạnh phúc và vui nhất là các em khi vào trung tâm thì không còn nghĩ đến chuyện bỏ học. Sau khi thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, đi học nghề… nhiều em đã trở về trường, thăm và giúp đỡ lại các em khác. Các em chính là một phần của đời tôi!”.

Học hỏi từ… sự khiếm khuyết

Cô Đặng Thị Lệ Hằng, Phó hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú) có 21 năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt này. Đặc biệt là bởi cả 210 em học sinh đang theo học tại trường đều chậm phát triển trí tuệ.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới từ Trường Mầm non Thủy Tiên chuyển về Trường chuyên biệt Bình Minh, cô Hằng cho biết, bản thân lúc đó chưa có nghiệp vụ về giáo dục đặc biệt, còn lóng ngóng, vụng về với việc chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trải qua nhiều tháng vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cô đã dần hiểu được tâm lý của các em, thuần thục trong thao tác chăm sóc y tế cho học sinh. Trẻ được chăm sóc đều chậm phát triển trí tuệ nên nhiều khi chỉ một hành động đơn giản nhưng cả cô và trò phải tập đi tập lại hàng chục lần.

Cô kiên trì giúp các em điều chỉnh ngôn ngữ, ít nhất là phát âm rõ chữ. Những kỹ năng cá nhân đơn giản đó là bước nền giúp trẻ có thể tương tác với xã hội, hòa nhập cộng đồng. “Khoảng thời gian đó là một áp lực lớn với tôi, nhiều người khuyên tôi bỏ nghề, tìm việc khác. Bản thân cũng có chút băn khoăn, nhưng duyên với nghề, tình yêu với trẻ, tôi vẫn chọn tiếp tục theo đuổi nghề và không cảm thấy hối hận với quyết định này”, cô Đặng Thị Lệ Hằng chia sẻ. 

Từ giáo viên rồi lên quản lý, ý nghĩ luôn đau đáu thôi thúc trong cô và ban giám hiệu nhà trường là làm sao giúp tất cả học trò hòa nhập với cộng đồng. Nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo đã được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao. Đáng chú ý, mô hình “Can thiệp sớm” được cô và đồng nghiệp đi tiên phong thực hiện, gặt hái những thành công ấn tượng.

Thông qua mô hình “Can thiệp sớm”, trường đã giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt phát triển được tiềm năng và tham gia hòa nhập ở mức cao nhất; hỗ trợ tư vấn kịp thời đến cha mẹ học sinh về sự phát triển của trẻ; xây dựng sự kết nối giữa các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh tạo nên sự thống nhất trong chương trình “Can thiệp sớm”.

Với 22 năm tuổi nghề, cô Đặng Thị Lệ Hằng đoạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật: danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”; Phó hiệu trưởng “Năng động - sáng tạo - thân thiện” cấp quận; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2020…

Tương tự cô Hằng, cô Nguyễn Thị Diễm, giáo viên Trường Hy Vọng (quận 8) có hơn 14 năm công tác, cũng gặp nhiều phản đối từ người thân khi theo học sư phạm ngành chuyên biệt. Mọi người khuyên cô nên chọn đi theo sư phạm mầm non để công việc đỡ cực hơn. Nhưng ở thời điểm đó, ngoài tình thương dành cho các em, cô nghĩ rằng nếu cô không làm thì ai sẽ làm khi môi trường giáo dục chuyên biệt quá thiếu giáo viên. Cô cảm thấy hạnh phúc khi được đứng lớp, được hỗ trợ những đứa trẻ vốn mang nhiều thiệt thòi trên con đường hòa nhập. 

Giáo viên giáo dục thường xuyên và chuyên biệt: Khi tình thương không nói được bằng lời ảnh 2 Cô Nguyễn Thị Diễm, giáo viên Trường Hy Vọng (quận 8, TPHCM) và các em học sinh khiếm thính lớp 2B. Ảnh: HUỲNH GIAO

Lớp 2B do cô chủ nhiệm hiện có tới 8 học sinh là trẻ khiếm thính từ 11 đến 16 tuổi. Ở lớp học này, đôi tay chính là “chìa khóa” kết nối giữa cô và trò khiếm thính. Cô phải vừa nói vừa làm ký hiệu liên tục. Khó khăn là thế, nhưng lớp học của cô luôn sôi động, các em khiếm thính là một phần tích cực trong đó. Với học sinh có khả năng tiếp thu chậm, cô sẽ dạy riêng cho từng em, dành nhiều thời gian kiên trì chăm sóc

Từ nhận định rõ học sinh, cô có những chương trình, kế hoạch giảng dạy, đưa ra yêu cầu phù hợp với năng lực của mỗi em. Các em cũng rất thích được cô khen thưởng, tán dương. Thấy được điều đó, cô thường xuyên mua bánh, kẹo, bút... làm quà khi các em có thành tích tốt, khích lệ tinh thần học tập của các em. 

Cô Nguyễn Thị Diễm đúc kết: “Để có thể hòa nhập được với thế giới của học sinh khiếm thính, tôi đã chọn cách học từ chính học trò. Bản thân tự xem mình như người khiếm thính, chỉ dùng ánh mắt và đôi tay để giao tiếp với học sịnh. Vì chỉ khi thấu hiểu được những khó khăn của các em, mình mới tìm ra phương pháp giáo dục, giúp các em hòa nhập cuộc sống với các trẻ bình thường khác”.

Tin cùng chuyên mục