Một loạt kết quả khảo sát vừa được Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố mới đây cho thấy chất lượng đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Chênh giữa lý thuyết và thực hành
Kết quả khảo sát trên 120 sinh viên (SV) năm 2 và năm 3 chuyên ngành sư phạm mầm non của 3 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và Tuyên Quang cho thấy, chỉ có 67,9% SV hứng thú với giờ học thực hành, 32,1% còn lại cảm thấy không thoải mái hoặc không hấp dẫn với nội dung chương trình. Ngoài ra, đánh giá về mức độ chủ động và kết quả học tập, có đến 59,8% SV được hỏi cho biết còn thụ động trong giờ học, kết quả thực hành chỉ ở mức trung bình. Quan sát giờ học thực hành của SV ngành mầm non, hầu hết đều mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chương trình sẵn có của giáo viên hướng dẫn. Số SV biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn không cao, chỉ khoảng 20%.
Theo bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, hiện có nhiều SV tốt nghiệp ra trường loại giỏi, chiếm giữ các ngôi vị á khoa, thủ khoa của các trường ĐH nhưng không thành công trong giảng dạy. Ngược lại, nhiều em chỉ tốt nghiệp loại trung bình lại giảng dạy tốt. Qua đó cho thấy đang có một độ chênh giữa kết quả đào tạo ở trường ĐH và hiệu quả triển khai thực tế ở SV. Trong đó, nhiều em nắm rất vững về mặt lý thuyết nhưng khi va chạm môi trường thực tế sẽ lúng túng và bộc lộ rất nhiều điểm yếu.
Thêm vào đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, chương trình đào tạo SV mầm non hiện nay được biên soạn theo từng môn, nhưng khi về các đơn vị công tác, chương trình giảng dạy lại yêu cầu giáo viên biên soạn theo từng chủ đề. Do đó, “để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở bậc mầm non, SV phải có khả năng tích hợp các kiến thức đã học ở trường sư phạm, ngoài ra còn phải thường xuyên cập nhật các chủ trương đổi mới của ngành, có ý thức tự trau dồi một số kỹ năng đứng lớp như tổ chức trò chơi, tổ chức giờ học theo các hoạt động tạo hình...”, bà Dung bày tỏ.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến SV sư phạm hiện nay không thích nghi được với môi trường giảng dạy có một phần xuất phát từ thực tế chương trình đào tạo không bám sát nhu cầu giảng dạy. SV học ở trường một đằng, ra thực tế triển khai một nẻo khiến các em lúng túng, dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực, muốn bỏ nghề.
Có thực mới vực được đạo
Bắt đầu từ năm học 2013-2014, UBND TPHCM đã chấp thuận cho UBND các quận, huyện được phép tuyển dụng giáo viên bậc mầm non, tiểu học chưa có hộ khẩu thường trú (thuộc diện KT3) tại TPHCM. Đây được xem là một trong những lối thoát cho việc giải bài toán thiếu giáo viên ở các bậc học hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã bày tỏ việc “lấp đầy” về mặt số lượng chỉ mang ý nghĩa tình thế, không phải là phương án lâu dài cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN của TP. Bởi theo kết quả của một cuộc khảo sát, chỉ có 4% GVMN cảm thấy hài lòng với mức lương và thu nhập hiện có, 42% cho là bình thường và 54% bày tỏ suy nghĩ bi quan.
Ngoài ra, theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, quy định của ngành giáo dục hiện nay là GVMN không dạy quá 6 giờ/ngày, mỗi năm không quá 200 giờ phụ trội. Nhưng trên thực tế, GV thường phải có mặt ở trường từ 6 giờ sáng và chỉ đóng cửa lớp khi đứa trẻ cuối cùng được ba mẹ đón về, thường không sớm hơn 5 giờ 30 chiều. Rồi còn dành thời gian chuẩn bị học cụ, chế tạo đồ chơi, vệ sinh trường, lớp. Ngày nào cũng làm việc không dưới 10 giờ/ngày. “Công sức bỏ ra rõ ràng hơn hẳn so với thời gian quy định, nhưng ai trả cho các cô khoản lao động phụ trội này?”, bà Thanh bày tỏ. Vì vậy, hiệu trưởng một trường mầm non (xin được giấu tên) ở Bình Thạnh nêu ý kiến: “Trước khi bàn đến vấn đề nâng cao chất lượng GVMN, hãy làm sao để họ có thể yên tâm sống được với nghề rồi mới có thể cống hiến”. Nhưng để làm được điều đó, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc, chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong xã hội, bởi suy cho cùng, ngành giáo dục cũng chỉ là một trong những nhân tố đóng vai trò thụ hưởng mà thôi.
THU TÂM