Giáo viên vùng sâu, vùng xa: Đón tết đạm bạc

Nhiều giáo viên tại ĐBSCL từ trước đến nay không biết đến việc thưởng tết. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa điều kiện sống của người dân còn khó khăn, giáo viên còn góp tiền mua sắm quần áo, gạo, bánh mứt tết cho những học trò của mình. Sau kỳ nghỉ tết, học sinh đi học đầy đủ, không bỏ học giữa chừng là món quà động viên lớn nhất của những thầy cô!
Giáo viên vùng sâu, vùng xa: Đón tết đạm bạc

Nhiều giáo viên tại ĐBSCL từ trước đến nay không biết đến việc thưởng tết. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa điều kiện sống của người dân còn khó khăn, giáo viên còn góp tiền mua sắm quần áo, gạo, bánh mứt tết cho những học trò của mình. Sau kỳ nghỉ tết, học sinh đi học đầy đủ, không bỏ học giữa chừng là món quà động viên lớn nhất của những thầy cô!

Ở vùng biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp còn nhiều khó khăn nên giáo viên hầu như không có tiền thưởng tết.

Thưởng tết… tượng trưng

Nhiều giáo viên giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa ở bán đảo Cà Mau nghẹn lòng khi nhắc đến chuyện thưởng tết. “Chúng tôi chỉ mong anh em giáo viên trường mình nhận được lương đúng ngày là vui lắm rồi. Ở đây nói chuyện thưởng tết nghe xa vời lắm”, thầy Triệu Thanh Dùm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Duy Từ (xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau) nói.

Hàng năm cứ độ tết đến xuân về, câu chuyện thưởng tết trở thành niềm suy tư của nhiều giáo viên. Thông qua các kênh báo đài, họ nghe những con số thưởng tết “khủng” của đơn vị này công ty kia mà ham. Tuy nhiên, vì yêu nghề nên đa phần giáo viên vượt qua hết mọi khó khăn để hoàn thành công tác dạy và học.

Thầy Phan Quốc Hưng, giáo viên Trường Tiểu học Cù Lao Dung (Sóc Trăng), ngậm ngùi: “Mỗi cái tết đi qua mình cảm thấy buồn khi lo cho gia đình chưa được chu toàn. Nhưng vì quý cái tình của học trò nghèo vùng này mà mình gắn với nghề nhiều năm nay”. Ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Cà Mau, cho biết: Tính đến thời điểm này vẫn chưa nhận được chủ trương của tỉnh về chính sách thưởng tết cho giáo viên trên địa bàn. Năm 2013, mỗi giáo viên được tỉnh hỗ trợ 500 ngàn đồng, riêng hai năm nay không có.

Thầy Triệu Thanh Dùm tâm sự: Trường Tiểu học Đào Duy Từ thuộc điểm trường vùng sâu của huyện U Minh. Trường có 30 giáo viên, đa phần đời sống anh em có nhiều khó khăn. Hiện công đoàn trường và chi bộ đang họp bàn xem xét, chọn lựa thật kỹ từng giáo viên có hoàn cảnh thật sự khó khăn để hỗ trợ 500 ngàn đồng/người cho anh em ăn tết”. Tại một số điểm trường nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, phần thưởng tết của các thầy cô là những hiện vật “cây nhà lá vườn”.

Thầy giáo Nguyễn Phú Đủ, phụ trách điểm trường ấp 20, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), nói: “Tết ở đây vui lắm, mùng 3 tết mấy đứa học trò chân lấm tay bùn khăn gói mang quà đến thăm thầy cô. Tụi nhỏ đi biếu thầy cô quà tết là mấy con khô cá lóc hay cá tươi, có đứa đem cả bó củi nhặt được đến tặng thầy”.

Còn tết đối với cô giáo Võ Kim Thiện, quê tận Thanh Hóa dạy trường Biển Bạch Đông (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) là: “Học trò được đến lớp đầy đủ, không đứa nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh nghèo khó đến cuối năm là món quà lớn nhất của giáo viên chúng tôi”.

Lo tết cho học sinh nghèo

Trà Cú là một trong những địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất ĐBSCL, cuộc sống người dân còn bộn bề khó khăn. Hàng năm, ăn tết xong, nhiều em học sinh…  bỏ học luôn. Vì hoàn cảnh nghèo khó, nhiều em phải theo cha mẹ, anh chị lên TPHCM, Bình Dương… để làm việc. Vì vậy, các trường học luôn phải vận động, hỗ trợ học sinh không bỏ lớp.

Thầy Trần Ngọc Phú (Trường Tiểu học Đôn Xuân A, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) nói: “Giáo viên xứ này làm gì có thưởng tết. Mình khó một, học sinh còn khổ tới mười nên đến tết nhiều thầy cô phải bỏ tiền túi ra cho các em chút quà mừng năm mới”. Thầy Phú kể thêm: “Có lần vào dịp giáp tết, nhìn mấy đứa học trò nghèo thiếu thốn trăm bề, tôi bỏ tiền túi mua cho tụi nhỏ chiếc áo, đôi dép để gọi là quà đón năm mới. Tụi nhỏ mừng, thấy thương vô cùng”.

Thương học trò nghèo, nhiều giáo viên ở huyện Trà Cú còn trích tiền lương đóng góp để mua gạo, sách vở, quần áo, bánh mứt… cho các học sinh nghèo dịp tết. Việc làm này được duy trì và ngày càng lan rộng. Thầy Trần An Khương, giáo viên dạy môn thể dục, Trường Tiểu học Hàm Giang B, hàng năm đều trích ra khoản tiền lương của mình để làm học bổng cấp cho học sinh vào dịp Tết Nguyên đán.

Thầy Khương tâm sự: “Tôi về đây công tác được 10 năm. Thấy nhiều em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn, phải bỏ học đi làm mướn nên tôi muốn đóp góp một phần nhỏ, giúp các em có ít quần áo, ít bánh mứt dịp năm mới cho chúng vui vẻ”. Ngoài tiền quà bánh, mỗi năm, thầy Khương dành 1 suất học bổng trị giá 300.000 đồng dành cho học sinh nghèo, học xuất sắc…

Thầy Kim Tấn Lộc, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Hàm Giang B, cho biết: “100% học sinh của trường là người dân tộc Khmer, trong đó học sinh nghèo hơn 40% nên tỷ lệ bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa hàng năm (nhất là sau tết) ở mức cao. Hàng năm trường tổ chức vận động, tuyên truyền một số phong trào như: Hũ gạo tình bạn, Nuôi heo đất, Hớt tóc miễn phí; vận động giúp đỡ cho những em học trò nghèo, có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Trước đây, khi chưa có phong trào này, cứ sau tết là có 20 - 30 học sinh bỏ học. Những năm gần đây không còn tình trạng học sinh nghỉ học sau tết.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp Trần Thanh Liêm cho biết, việc thưởng tết cho giáo viên tùy khả năng từng trường, cũng như sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể cấp xã, huyện. Thưởng cũng mang tính tượng trưng. Ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp nên giáo viên không có thưởng. Hiện ngành giáo dục của tỉnh Đồng Tháp có 23.000 cán bộ, giáo viên… Nếu thưởng ở mức 100.000 đồng/người thì tổng số tiền là 2,3 tỷ đồng. nếu thưởng 500.000 đồng/người thì số tiền lên đến 11,5 tỷ đồng, khó có khả năng cân đối nguồn chi.

HUY PHONG - PHÚC HƯNG

Tin cùng chuyên mục