Bất cập ở các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập - Bài 3: Tăng quy mô, chất lượng: “hãy đợi đấy!”

Số lượng học sinh (HS) tăng đều đặn mỗi năm, nhưng chất lượng các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập (TCCN NCL) lại “được chăng hay chớ”.
Bất cập ở các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập - Bài 3: Tăng quy mô, chất lượng: “hãy đợi đấy!”

Số lượng học sinh (HS) tăng đều đặn mỗi năm, nhưng chất lượng các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập (TCCN NCL) lại “được chăng hay chớ”.

Tuyển sinh vượt chỉ tiêu 166%!

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi hết sức khó khăn khi liên hệ với ban giám hiệu các trường khi họ đang rong ruổi tư vấn tuyển sinh ở các tỉnh để “lôi kéo” HS về trường.

Phòng học hay nhà kho? Ảnh: D.DOANH

Phòng học hay nhà kho? Ảnh: D.DOANH

Quy mô tuyển sinh mỗi năm đều tăng 15%, nhưng do có thêm nhiều trường TCCN tư thành lập mới, thêm nhiều trường ĐH, CĐ tuyển hệ TCCN dẫn đến sự cạnh tranh giữa các trường ngày càng gay gắt. Hiệu trưởng các trường cho rằng học TCCN trong các trường ĐH, CĐ “oai” hơn và có cơ hội liên thông nên hấp dẫn phụ huynh, HS hơn. Một số trường ĐH tăng quy mô tuyển sinh đã “bóp chết” các trường TCCN. Năm 2009, chỉ tiêu hệ TCCN của ĐH Công nghiệp TPHCM tăng từ 4.000 lên 6.000.

Theo hiệu trưởng các trường TCCN, các trường phải vật lộn, cạnh tranh với các trường ĐH, một sự cạnh tranh không bình đẳng về thương hiệu. Một giảng viên giỏi ở trường ĐH chưa hẳn dạy giỏi ở trung cấp, bởi mỗi bậc có đặc thù, đối tượng riêng và phải có phương pháp giảng dạy thích hợp. Các trường ĐH mở hệ TC để tận dụng CSVC của trường, nghĩa là mục tiêu đào tạo hàng đầu là SV, còn dư thừa mới đến TC.

Một cán bộ nguyên phụ trách TCCN tại trường ĐH C., giờ là quản lý một trường TCCN tư thục “tố cáo”: Giờ lý thuyết và thực hành ở hệ TCCN của trường ĐH cách nhau một tháng vì trường không đủ phòng máy. Dạy học như vậy thì không thể có chất lượng.

Nhưng, thực tế không có trường nào “chết” trong sự cạnh tranh này. Các trường “kêu” vì sự thôi thúc càng nhiều HS càng tốt, càng đem lại nhiều lợi nhuận. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2007 – 2008, tổng chỉ tiêu giao cho các trường TCCN là 31.823 nhưng có đến 52.991 HS nhập học, tức các trường đã tuyển vượt chỉ tiêu hơn 166%!

Nhiều trường đã tự ý mở rộng quy mô tuyển sinh, bất chấp những khó khăn và hạn chế về CSVC, GV. Trường TCTT Kinh tế kỹ thuật Tân Việt tuyển 258,2%, THTT Kinh tế kỹ thuật Phương Nam: 140,7%, TCTT TCKT Sài Gòn: 131,5%, TH Du lịch và khách sạn: 130%. “Kỷ lục” vi phạm tuyển sinh thuộc về Trường THTT Kinh tế kỹ thuật Tây Nam Á, chỉ tiêu chỉ có 100 nhưng nhận đến 625 HS (625%).

Để có thêm nhiều HS, các trường luôn phải “làm mới” mình bằng cách mở thêm ngành đào tạo. Trường TCTT Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn đang xin mở thêm 2 ngành và nâng lên thành CĐ. Trường Trung cấp Tin học Kinh tế Sài Gòn năm 2009 cũng có thêm một ngành mới là ngành marketing (150 chỉ tiêu) và đang làm thủ tục để xin lên CĐ “nhằm tạo ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh vào trường”, như lời giải thích của trường.

Bất cập nhiều hơn thành tựu

“Quy mô đào tạo của trường chuyên nghiệp tiếp tục phát triển với nhiều ngành nghề, loại hình đào tạo đáp ứng được yêu cầu đa dạng của người học”.

Sở GD-ĐT TPHCM đã ghi nhận những đóng góp của các trường TCCN nhưng dường như, nỗi lo lắng nhiều hơn: “Một số trường còn quá tải so với quy mô đào tạo trong khi phát triển cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thốn, chắp vá (dồn lớp, tăng ca …) ở một số đơn vị chưa khắc phục làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Cán bộ quản lý ở nhiều trường còn thiếu trong khi quy mô đào tạo ngày càng mở rộng khiến việc quản lý vất vả và khó đảm bảo yêu cầu công tác. Chế độ báo cáo của nhiều trường vừa chậm, vừa không đầy đủ, thiếu chính xác, thậm chí không thực hiện theo yêu cầu của Sở. Mặc dù số lượng tuyển sinh tăng nhưng theo đánh giá của Sở GD-ĐT, số lượng chưa ổn định, chất lượng đầu vào chưa tốt, hiệu suất đào tạo của TCCN thấp. Trong khi đó, Sở GD-ĐT không đủ người để kiểm tra chất lượng các trường”.

Đơn cử Trường TCTT Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn đào tạo ngành kỹ thuật mà không có thiết bị để thực hành. Trường đã “khắc phục khó khăn” bằng cách liên kết với hai trường CĐ Xây dựng 2, Trung cấp xây dựng để HS ngành xây dựng của mình thực tập.

Ban giám hiệu của trường lý giải: Vì thực tập chỉ diễn ra 5 tuần, 8 tuần thực tập khác ra công trường, xí nghiệp nên trường hợp tác với đơn vị có sẵn cơ sở thực hành sẽ tốt về mặt kinh tế. Nếu lập xưởng, HS chỉ làm 5 tuần, trường sẽ lỗ vốn, nguy cơ đóng cửa cao. Trường lấy chuyên ngành “kỹ thuật” làm tên, thế mà chỉ có phòng máy tính và phòng thực hành điện. Khi chúng tôi đề nghị tham quan, người phụ trách phòng máy tính không có mặt ở trường, còn bàn ở phòng thực hành điện đầy bụi. Nhân viên của trường phải mất nhiều thời gian mới tìm được chìa khóa thích hợp để mở một hộp điện cho khách xem.

Chưa có trường nào sai phạm bị đóng cửa

“70% HS TCCN tư thục đến từ các tỉnh khác, chúng tôi rất xót xa khi gia đình các em phải dành dụm từng chút cho con lên TP ăn học trong khi CSVC, chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập, thanh tra sở mỗi năm chỉ đi kiểm tra vài ba trường”.

Một cán bộ phòng giáo dục chuyên nghiệp bức xúc. Theo ông, các trường có nhiều sai phạm chỉ phạt hành chính với mức phạt không đủ sức răn đe. “Chưa có trường TCCN tư thục nào bị đóng cửa vì sai phạm cả”, ông khẳng định. HS sẽ “choáng” trong việc chọn những trường có tên na ná nhau, thiệt là tội cho các em. Riêng chữ Sài Gòn thì đã có 5 trường lấy làm thương hiệu: Trường TCTT Tin học kinh tế Sài Gòn, TCTT Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, TCTT Tài chính kế toán tin học Sài Gòn, TCDL Công nghệ thông tin Sài Gòn, TCTT Kinh tế Kỹ thuật nghiệp vụ Tây Sài Gòn.

Theo quy định, các trường phải có “3 công khai: học phí, chương trình, học sinh tốt nghiệp” nếu không thực hiện thì phải rút giấy phép, nhưng chưa có trường nào làm được theo quy định này. Hầu hết các trường thường mở ngành kế toán, tin học, du lịch để giảm chi phí đầu tư mà ít đi vào ngành kỹ thuật, vốn đang khát nhân lực. Về chương trình, hiện nay các trường đào tạo mỗi trường mỗi kiểu. Ngoài các ngành như: kế toán, du lịch có chương trình chuẩn, các ngành còn lại đều chưa có.

Hồ sơ ĐH, CĐ giảm, TCCN “lên ngôi”

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, năm nay số lượng hồ sơ của các thí sinh tự do thi ĐH, CĐ năm 2009 gửi về VPĐD Bộ GD-ĐT tại TPHCM giảm hơn 40% so với các năm trước đó. Có nhiều khả năng các thí sinh không đậu năm 2008 nộp đơn vào học các trường TCCN hoặc hệ TCCN các trường ĐH, CĐ.

Năm 2009 việc tuyển sinh TCCN thực hiện theo hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh, trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Bên cạnh đó, việc xét tuyển vào TCCN linh hoạt, bao gồm cả THCS hoặc tương đương (tùy theo đối tượng tuyển của từng trường).

Ngoài ra, Bộ khuyến khích các trường xét tuyển những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN. Đối tượng này khi được xét tuyển vào học TCCN sẽ được cơ sở đào tạo TCCN xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện ở phổ thông và miễn trừ cho HS không phải học lại, thi lại các môn văn hóa phổ thông (theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN) có điểm tổng kết từ 5,0 trở lên.

Cửa rộng mở vào TCCN, do vậy, nhiều chuyên gia dự đoán: Kỳ tuyển sinh năm 2009, nhiều HS sẽ né trường ĐH, CĐ để nộp đơn vào TCCN vì năm 2010, Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi hai trong một và học TCCN vẫn có nhiều cơ hội liên thông lên CĐ, ĐH.

Càng tăng số lượng, càng thêm nguy cơ giảm chất lượng, khi có thêm nhiều HS học trong những căn phòng thuê mướn ộp ẹp hay trong nhà kho, học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Hệ quả tất yếu, HS ra trường nhưng thiếu kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại, thiếu năng lực giao tiếp tại môi trường và doanh nghiệp phải tốn kinh phí để tái đào tạo nguồn nhân lực này.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GD-ĐT năm 2008, qua kiểm tra 37 trường ĐH, CĐ có đào tạo TCCN và 29 trường TCCN, tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu tập trung vào các khối ngành sư phạm, y tế, kế toán tài chính. Nhiều trường tuyển sinh TCCN không theo quy chế, không có quyết định thí sinh trúng tuyển, tuyển sinh đào tạo ngành chưa được phép…Về quy trình tuyển sinh cũng có nhiều sai phạm như: thông báo tuyển sinh không rõ ràng, không thành lập hội đồng tuyển sinh, bộ phận thanh tra, kiểm tra, không có quyết định công nhận thí sinh trúng tuyển…

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, quy mô tối thiểu của các trường TCCN là 200 HS; các ngành nghề tỷ lệ tối đa HS, SV, GV từ 20 – 30 HS/GV, diện tích đất tối thiểu 30m²/HS. Nếu tính cụ thể ở các trường thì hầu hết không đáp ứng được những quy định này. Thậm chí có trường còn ghép nhiều lớp ở hội trường lớn, để “tiết kiệm” GV.

Hồng Liên - Lê Linh

Thông tin liên quan

- Bài 1: “Ốc mượn hồn”

- Bài 2: Một cơ sở đào tạo chui?

Tin cùng chuyên mục