Giáo dục ĐBSCL: Bao giờ thoát khỏi “vùng trũng”? - Bài 2: Cần chính sách để giữ giáo viên

Học cấp II dạy... cấp III!
Giáo dục ĐBSCL: Bao giờ thoát khỏi “vùng trũng”? - Bài 2: Cần chính sách để giữ giáo viên

Đội ngũ GV “thiếu và yếu” là một căn nguyên trong nhiều năm qua, đã tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục tại ĐBSCL.

Một trong nhiều điểm trường của huyện Trà Cú (Trà Vinh) còn tranh tre, vách lá. Ảnh: LÊ CHINH

Một trong nhiều điểm trường của huyện Trà Cú (Trà Vinh) còn tranh tre, vách lá. Ảnh: LÊ CHINH

Học cấp II dạy... cấp III!

Tình trạng thiếu GV là vấn đề “đau đầu” của hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL. Do thiếu GV nên mỗi địa phương đưa ra một biện pháp “chữa cháy” để đảm bảo giảng dạy các môn. Hiện tỉnh Kiên Giang còn thiếu 994 GV ở các cấp, nhất khu vực vùng sâu, vùng đảo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của học sinh (HS). Ví dụ như tỷ lệ đậu tốt nghiệp PTTH của tỉnh Kiên Giang năm học 2008-2009 thấp hơn 3,35% so với năm học trước.

Đặc biệt là môn văn, tỷ lệ bài thi trung bình trở lên đạt 24,51%, thấp hơn 50,48% so với năm học 2007-2008. Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết: “Tỷ lệ tốt nghiệp thấp là do việc quản lý, chỉ đạo dạy và học từ sở đến các trường từng lúc, từng nơi thiếu chặt chẽ; một bộ phận giáo viên còn yếu chuyên môn, nghiệp vụ, HS thiếu động cơ học tập…”. Tại huyện Kiên Hải, thiếu 27 GV, chủ yếu môn Anh văn và địa lý. Buổi sáng GV dạy cấp III, chiều dạy cấp II, chất lượng các môn học không thể đảm bảo.

Ông Trịnh Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kiên Hải cho biết: “Ở cấp III, GV địa lý chưa có, GV dạy văn (hoặc sử) kiêm luôn dạy môn địa. Rất khó để nâng cao chất lượng giờ học”. Một điều đáng nói là GV tại huyện đảo này ở mức 9+3. Có nghĩa là GV chỉ mới trình độ lớp 9 đã đi dạy cấp III, sau đó trong 3 tháng hè sẽ đi “nâng cấp” chuyên môn. “Vì là huyện đảo xa nên nhiều GV giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ không chịu về đây công tác” - ông Nguyễn Khải Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Kiên Hải ngậm ngùi. Còn tại xã An Sơn, vì thiếu GV cấp II, nên GV cấp I phải lên cấp II dạy. Đội ngũ GV yếu chuyên môn nghiệp vụ đào tạo theo kiểu “cơm chấm cơm” nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, huyện Kiên Hải chỉ có 44/71 HS đậu tốt nghiệp.

Câu chuyện “đôn” GV dạy vượt cấp ở Kiên Giang, khơi gợi lại một thực trạng “đau lòng” của ngành giáo dục ĐBSCL. Lúc thiếu GV trầm trọng, không ít địa phương đã đào tạo cấp tốc GV theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng” để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Giáo viên: Vùng sâu thiếu, đô thị thừa

Tại Hậu Giang trước thềm năm học 2009-2010, còn thiếu 143 GV cấp THPT, 333 GV mầm non. Chuyện thiếu GV mầm non trầm trọng hiện nay hầu như địa phương nào trong vùng cũng gặp. Ông Trần Tấn Thời lý giải về thiếu GV giảng dạy ở cấp THPT: “Các em từ địa phương học đại học xong, quay về địa phương giảng dạy ít. Đa số đến từ các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL, thậm chí từ miền Trung vào dạy”. Theo Bộ GD-ĐT, đội ngũ GV, giảng viên ở ĐBSCL còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, ảnh hưởng nhiều đến quá trình GD-ĐT của vùng. Đối với giáo dục phổ thông còn thiếu GV các môn đặc thù (thể dục, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, ngoại ngữ), nhân viên phụ tá thí nghiệm; đối với khối đào tạo, tỷ lệ GV, giảng viên có trình độ sau đại học còn thấp.

Tại Trà Vinh, tình trạng thiếu, thừa GV cục bộ vẫn còn ở một số địa phương. Ông Đỗ Thành Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trà Cú - Trà Vinh cho biết: “Hiện các trường trong huyện còn thiếu GV ở bộ môn nhạc, họa và tin học. Năm học tới, chúng tôi sẽ đề nghị Sở GD-ĐT bổ sung thêm GV ở những môn học này”. Trong khi đó, nhiều trường tại TX Trà Vinh đang “dư” nhiều GV. Trường THCS Long Đức (xã Long Đức, TX Trà Vinh) hiện đang thừa GV bộ môn Anh văn, hóa, sinh. Ông Lâm Tấn Lập, Hiệu trưởng trường, phân bua: “Những GV thừa, trường “khó xử” nên có lúc bố trí qua làm văn phòng”.

Đây cũng là thực trạng chung của đội ngũ GV được đào tạo ngành sư phạm ở ĐBSCL. Các “nhà giáo tương lai và hiện tại” thường chú trọng chọn và chạy theo “mốt” phải dạy ở các thị xã, thành phố, trường chuyên… Ngoài ra, một tỷ lệ không nhỏ sinh viên ngành sư phạm, sau khi ra trường không chịu về vùng sâu, vùng xa mà chấp nhận làm “trái nghề” tại đô thị. Hoặc một số tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng sẵn sàng chịu thất nghiệp để làm việc “qua ngày” ở các đô thị chờ thời! 

Chủ động đặt hàng các trường đào tạo!

Trong 3 năm qua, việc đầu tư cho GD-ĐT ĐBSCL có bước tăng đáng kể nhưng do cơ sở hạ tầng xã hội của vùng ở mức xuất phát còn thấp, nguồn lực đầu tư chưa đồng bộ và đủ mạnh để tạo ra được sự đột phá cho sự nghiệp “trồng người” trong toàn vùng. “Có nhiều nguyên nhân khiến sự nghiệp trồng người ở ĐBSCL chưa thể tăng tốc như: Quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa khoa học; nâng cấp cơ sở đào tạo chưa đồng bộ với việc tăng cường đội ngũ cán bộ đào tạo GV giảng dạy... Nhưng có một nguyên nhân hết sức cốt lõi. Đó là trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa tham mưu đề xuất cho lãnh đạo những cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm KT-XH địa phương” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định.

Trong chuyến về làm việc tại Hậu Giang cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng: Trong vòng 3 năm tới, giáo dục mầm non, phổ thông cơ bản sẽ chấm dứt tình trạng thiếu GV. Muốn vậy, mỗi tỉnh phải xây dựng kế hoạch cân bằng GV cho từng môn học, bậc học của mình. Và từng tỉnh - thông qua Sở GD-ĐT, phải chủ động đặt hàng với các trường đại học sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm trong và ngoài tỉnh mình để sau đó có đủ GV về giảng dạy. Chúng ta “đặt hàng GV”, phải kèm theo chính sách để khuyến khích họ sau khi học về là phải giảng dạy, công tác tại địa phương mình. Có như thế thì không riêng gì Hậu Giang mà các tỉnh, thành khác, cơ bản sẽ chấm dứt tình trạng thiếu GV. Đó là tiền đề quan trọng cùng với nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới thiết bị dạy học, từ đó, chất lượng giáo dục cũng sẽ dần được nâng lên.

C.Phong – L.Chinh

>> Bài 1: Học sinh bỏ học, lỗi tại ai?
>> Bài 3: Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng

Tin cùng chuyên mục