Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng” - Bài 3: Tiến sĩ quan và mục tiêu… thiếu khả thi

Tiến sĩ bị... buộc thôi học

Đề án 322 của Chính phủ được thực hiện từ năm 2000 đến nay với mục tiêu đào tạo cán bộ trình độ TS, thạc sĩ, đại học ở nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để đào tạo... Cùng với đề án này, mục tiêu đào tạo 20.000 TS để các trường đại học có tối thiểu 30% TS vào năm 2020 là một vấn đề được dư luận các nhà khoa học, giáo dục bàn luận nhiều nhất. Có ý kiến cho rằng đây là một mục tiêu thiếu khả thi, bởi qua hơn 9 năm thực hiện vẫn còn quá nhiều điều tranh cãi.

Tiến sĩ bị... buộc thôi học

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đào tạo sau đại học ĐH Quốc gia TPHCM kể, có một giảng viên ở một trường thành viên được đi làm nghiên cứu sinh tại Mỹ ngành quản lý thư viện theo Đề án 322. Bảo vệ luận án loại ưu, chị quay lại trường và được bố trí… trưởng phòng tổ chức cán bộ! Ông Nghĩa tiếc rẻ: “TS chuyên ngành quản lý thư viện hiện nay là hiếm và quý lắm. Những kiến thức chuyên ngành này được truyền đạt cho sinh viên thì rất tốt, vậy mà…”.

Theo Ban điều hành Đề án 322, sau 9 năm triển khai, đã có gần 3.000 lưu học sinh được tuyển chọn đi học tại hơn 30 nước khác nhau, trong đó nhiều nhất là Nga, Australia, Mỹ… Kinh phí đào tạo trung bình khoảng 25.000 USD/năm cho mỗi nghiên cứu sinh (NCS), tức khoảng 1 tỷ đồng cho 3 năm đào tạo NCS. Nhưng cũng trong 6 năm đầu tiên, đã có 18 lưu học sinh phải về nước giữa chừng. Trong số này có 13 người ở Nga bị buộc thôi học vì học lực kém, 3 người ở Pháp không đủ trình độ ngoại ngữ, một người học TS ở Australia nhưng chỉ lấy được bằng… thạc sĩ. Ngoại trừ một số người không theo hết chương trình do bệnh, không chịu được thời tiết khác biệt…, số người không đạt yêu cầu trên đã khiến dư luận đặt dấu hỏi, liệu có “vấn đề” trong khâu tuyển chọn?

Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đào tạo sau đại học ĐH Quốc gia TPHCM, việc NCS tự túc kinh phí theo học TS ở nước ngoài thì quá tốt, bởi chính họ phải học cho xứng với đồng tiền bát gạo mà mình bỏ ra. Còn với NCS đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước thì có rất nhiều điều phải bàn.

Đề án 322 qua gần 9 năm cũng đã đủ thời gian để đánh giá kết quả. Bản thân ông thấy còn nhiều điều bất ổn trong cả 3 khâu tuyển sinh, quá trình đào tạo và đầu ra. Trong khâu tuyển sinh trước đây khá yên tâm vì ngoài việc xét duyệt hồ sơ thì thí sinh phải thi tuyển. Tuy nhiên, từ năm 2009, Bộ GD-ĐT lại quyết định thâu toàn bộ việc tuyển sinh về một mối và đặc biệt là bỏ thi tuyển mà chỉ xét duyệt trên hồ sơ danh sách các trường đề cử. Khi thực hiện theo cách này thì ai dám cam đoan là không có tiêu cực? Đặc biệt, đầu vào có “này nọ” rồi thì cũng còn có thể khắc phục, nhưng một khi đã đào tạo rồi, đầu ra thì sao? Điều này thì đến nay vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT tính toán thống kê đánh giá.

Nói gì về 20.000 tiến sĩ?

Trong năm 2010, Bộ GD-ĐT cấp gần 1.000 suất học bổng thuộc Đề án 322, trong đó 700 suất đào tạo TS, 200 suất đào tạo thạc sĩ, 30 thực tập sinh… Những chỉ tiêu này ưu tiên 90% để đào tạo nguồn nhân lực cho các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm công nghệ cao, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, số chỉ tiêu còn lại dành cho cán bộ các cơ quan nhà nước. Cơ cấu này cho thấy đề án tập trung cho đào tạo TS để phát triển nguồn lực cho các viện, trường đại học, và có lẽ cũng nhằm để… đạt chỉ tiêu tỷ lệ TS trong trường đại học! Thế nhưng, đào tạo TS có thể nào “ăn xổi”?

Một giáo sư có uy tín cho rằng, chất lượng đào tạo TS ở Việt Nam hiện nay yếu. Nhiều người bảo vệ luận án TS xong nhưng vẫn không nắm được những phương pháp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực của mình, thậm chí không có khả năng viết được một bài báo khoa học theo chuẩn mực quốc tế. Với thực tế đó, việc gia tăng số lượng là cần thiết, nhưng liệu có mang lại hiệu quả như mong muốn? Điều cần thiết bây giờ là tổ chức đào tạo sao cho trình độ TS trong nước tương đương với TS nước ngoài. Việc “lãng mạn” với những con số có thể dẫn đến những sai lầm khó khắc phục.

GS Phạm Phụ bức xúc: Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009–2020 đưa ra mục tiêu vào năm 2020 có 450 sinh viên/vạn dân, nghĩa là có khoảng 4,5 triệu SV vào năm đó. Với tiêu chí 20 sinh viên/giảng viên thì năm 2020 sẽ phải có 225.000 giảng viên, trong đó cao đẳng 50.000 và đại học 175.000. Dự thảo cũng nêu chỉ tiêu có 15% TS ở bậc cao đẳng và 30% TS ở bậc đại học. Như vậy, tính con số cụ thể sẽ phải có 50.000 giảng viên CĐ x 15% + 175.000 giảng viên ở đại học x 30% = 60.000 TS! Trong khi đó, hiện nay, cả nước có khoảng 15.000 TS. Nghĩa là, trong 12 năm đến phải đào tạo thêm 45.000 TS. Theo thống kê, trung bình có khoảng 20% - 30% số TS của một nước không ở lại trong hệ thống giáo dục đại học, cũng không tham gia thỉnh giảng. Nhưng con số này ở Việt Nam khoảng 50%. Vậy để đạt được các tiêu chí nói trên thì ít nhất ta phải đào tạo thêm khoảng 50.000 TS. Trong khi đó, một cơ sở đào tạo TS lớn như ĐH Quốc gia TPHCM thì năm 2008 cũng chỉ cho “ra lò” được 37 TS. Vậy, làm gì để có thể đạt được con số ngất ngưởng trên, chưa nói đến chuyện chất lượng đầu ra?

Hiện tượng “dị thường” ở Việt Nam?

Một vài địa phương đang đặt mục tiêu… “TS hóa” cán bộ để tìm tư duy đột phá. Đây là điều lý giải chung vì sao hiện khá nhiều người cố “chạy” để có được tấm bằng thạc sĩ, TS. Không ít cán bộ có nhiều bằng cấp hiện nay đều là… bổ túc, tại chức. Điều này hoàn toàn không phải do bản thân họ, mà một phần không nhỏ do tư duy sính bằng cấp. Trong khi đó, để đạt trình độ TS đòi hỏi có thời gian đủ cho việc nghiên cứu sâu. Liệu đội ngũ cán bộ quản lý có thể vừa học vừa làm TS giống như vừa học vừa làm đại học không?

Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ TS rất cao! Trên các nước, người ta phân biệt rất rõ giữa nghiên cứu và quản lý. TS là những người thuộc những chuyên ngành hẹp về nghiên cứu, cho nên TS nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Thời gian của một TS là nghiên cứu và đào tạo, nếu làm quản lý, muốn hay không thì những buổi hội thảo, nghiên cứu của TS sẽ chuyển thành những… buổi họp chỉ đạo.

GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) khá bức xúc khi cho rằng trên thế giới, đào tạo TS là nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và đào tạo lại. Vậy mà ở nước ta, đào tạo ra TS giờ chủ yếu là để làm quản lý, kinh doanh, hoặc là làm ngoài, trong đó hễ làm quản lý mà có TS thì càng… danh giá! Một hiện tượng “dị thường” ở Việt Nam khi mà trong bộ máy nhà nước và doanh nghiệp, số người có bằng TS cao hơn hẳn Nhật Bản, một quốc gia có thu nhập đầu người gấp 75 lần nước ta!

Tuyển không đủ chỉ tiêu

Cả nước hiện có khoảng 13.000 người có học vị TS và TSKH. ĐH Quốc gia TPHCM, một trong những nơi được đào tạo trình độ TS uy tín của cả nước, mỗi năm cung cấp khoảng 30 TS, chiếm khoảng 10% số lượng TS được đào tạo tại các trường đại học trên toàn quốc. Số lượng TS được đào tạo ở ĐH Quốc gia TPHCM năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2001, nơi đây chỉ cấp 3 bằng TS, nhưng năm 2008 số lượng này là 37, trong đó các trường thành viên như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH KHXH-NV chiếm đa số.

Tuy nhiên, năm 2008, ĐH Quốc gia TPHCM có được 154 chỉ tiêu đào tạo TS nhưng chỉ có 140 thí sinh nộp đơn xin dự tuyển và cuối cùng chỉ tuyển được 85 người. Tỷ lệ TS trong giảng viên ở đại học và cao đẳng cũng liên tục giảm trong suốt 6 năm qua, năm 2000 là 14,17% nhưng năm 2006 chỉ còn 10,99%.

Linh An - Tiến Đạt

Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”

- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?

- Bài 2: Hội đồng du di!

Tin cùng chuyên mục