Cấp bằng tốt nghiệp theo mẫu mới - Nhà trường lúng túng, sinh viên lãnh đủ

Học một đàng, cấp bằng một nẻo
Cấp bằng tốt nghiệp theo mẫu mới - Nhà trường lúng túng, sinh viên lãnh đủ

Thông tư 21 và 22 về mẫu bằng tốt nghiệp CĐ-ĐH mới của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 nhưng khi bắt đầu áp dụng mới bộc lộ những bất cập của việc thay đổi. Hàng ngàn sinh viên dở khóc dở mếu “ngậm bồ hòn” trước nhà tuyển dụng vì không giải thích được những thông tin sai lệch trên văn bằng.

Sinh viên Trường ĐHDL Văn Hiến kiến nghị lãnh đạo Khoa Du lịch nhanh chóng cấp lại bằng và ghi đúng ngành đã học. Ảnh: T.HÙNG

Sinh viên Trường ĐHDL Văn Hiến kiến nghị lãnh đạo Khoa Du lịch nhanh chóng cấp lại bằng và ghi đúng ngành đã học. Ảnh: T.HÙNG

Học một đàng, cấp bằng một nẻo

Gần 400 sinh viên Khoa Du lịch (khóa 2006-2010) Trường ĐHDL Văn Hiến TPHCM đang khóc ròng khi bằng tốt nghiệp họ vừa nhận hoàn toàn không đúng với ngành nghề đã học. Hàng trăm sinh viên khi nhận được bằng tốt nghiệp đã hồ hởi đem đến nộp cho nhà tuyển dụng để được ký hợp đồng vào làm việc chính thức nhưng đành ngậm ngùi lui bước vì bằng không được công nhận.

Hết một tháng thử việc tại công ty ở quận 10 nhờ giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời với ngành đào tạo Quản trị kinh doanh, L.Q.V mang bằng tốt nghiệp đến ký hợp đồng chính thức. Nhưng lúc này, trên văn bằng của V. lại ghi ngành tốt nghiệp là Du lịch - Khách sạn. Giám đốc nhân sự công ty đã khuyên sinh viên này nên tìm việc tại các công ty chuyên về du lịch, lữ hành hợp hơn, dù trước đó đã đồng ý nhận V. vào làm sau 1 tháng thử thách. Uất ức hơn khi đối chiếu giữa tên ngành trên giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và tên ngành trên bằng tốt nghiệp, sinh viên N.T.K đã bị nhà tuyển dụng… phán rằng: “Chị không trung thực. Không có trường nào lại cấp cho người học một lúc hai ngành nghề đào tạo khác nhau như thế”.

Quá thất vọng với tấm bằng tốt nghiệp đã nhận được, ngày 22-11 nhiều sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐHDL Văn Hiến đến trường yêu cầu lý giải vì sao bằng tốt nghiệp cấp sai so với ngành đã học. Theo đơn kiến nghị của sinh viên gửi ban giám hiệu, phòng đào tạo và trưởng khoa: Có nhiều khuất tất trên tấm bằng tốt nghiệp so với giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bảng điểm và bằng tốt nghiệp. Thứ nhất, trong giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời nhà trường cấp ghi rõ “ngành đào tạo của sinh viên Khoa Du lịch là ngành Quản trị kinh doanh”. Thứ 2, bảng điểm cấp cho sinh viên lại ghi “ngành Quản trị kinh doanh du lịch-khách sạn”. Thứ 3, trên bằng tốt nghiệp lại ghi ngành “Du lịch – khách sạn”.

Trong khi đó, năm 2006 trong thông báo tuyển sinh nhà trường ghi rõ là tuyển sinh đào tạo ngành “Quản trị kinh doanh du lịch-khách sạn và Quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ lữ hành”. Với sự bất nhất trên, sinh viên đã trực tiếp yêu cầu Khoa du lịch có cách giải quyết để sinh viên nhanh chóng tìm việc, đồng thời tránh bị nhà tuyển dụng hiểu nhầm.

Trước đó không lâu, gần 140 sinh viên khóa 22 (2006-2010) theo học ngành Tiếng Anh thương mại của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng “dở khóc dở mếu” với tấm bằng mới ghi ngành đào tạo Tiếng Anh. Sinh viên P.T.N.T vừa tốt nghiệp ngành này bức xúc: Năm 2006, trường tuyển sinh và thông báo rõ ràng là ngành Tiếng Anh thương mại. Tuy nhiên khi cấp bằng chỉ còn tiếng Anh.

Sự việc không dừng lại ở đó, nhiều sinh viên nhận bằng tốt nghiệp mới của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đã gặp không ít khó khăn khi xin việc. Nhiều sinh viên xin vào ngân hàng đều bị loại vì lý do “Em chỉ học ngành Tiếng Anh, mà chúng tôi tuyển… Tiếng Anh thương mại”. Dù cố giải thích và chứng minh mình có học những môn chuyên ngành về nghiệp vụ ngân hàng nhưng cũng không thể thuyết phục được nhà tuyển dụng. “Tháng 9, em xin vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Nhìn vào văn bằng, họ đã loại ngay hồ sơ của em với lý do không phải ngành Tiếng Anh thương mại” – một sinh viên cho biết.

Hiện nay, hàng loạt trường đang lúng túng trong việc phát bằng cho sinh viên vì đã lỡ dạy những chuyên ngành quá xa với tên gọi ngành nghề đã đăng ký.

Tại bộ hay tại trường?

Xung quanh vấn đề bằng tốt nghiệp mới, chắc chắn nhiều trường sẽ còn gặp nhiều rắc rối giữa chuyện ghi ngành với chuyên ngành đào tạo tại mục “ngành đào tạo” trên bằng tốt nghiệp. Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều trường tuyển sinh ghi cả chuyên ngành đào tạo nhưng theo quy định mới chỉ ghi ngành chứ không được ghi chuyên ngành.

Tại buổi làm việc với sinh viên chiều 22-11, Phó chủ nhiệm Khoa Du lịch Trường ĐHDL Văn Hiến PGS-TS Phạm Xuân Hậu cho rằng: Sinh viên tốt nghiệp năm 2010 được nhà trường cấp bằng theo mẫu phôi bằng mới của Bộ GD-ĐT. Do đó, có thể do tên ngành học quá dài và không thể ghi tắt nên nhà trường ghi ngành “Du lịch - Khách sạn” cho ngắn gọn. Trước những phản ứng gay gắt của sinh viên, vị phó chủ nhiệm khoa xoa dịu : “tôi thay mặt khoa cam kết sẽ làm hết trách nhiệm, đề nghị ban giám hiệu nhà trường nhanh chóng giải quyết khiếu nại của các em”.

Về vấn đề này, GS-TSKH Lê Ngọc Trà, Chủ nhiệm Khoa Du lịch Trường ĐHDL Văn Hiến cho rằng rõ ràng việc ghi tên ngành “Du lịch – Khách sạn” trên bằng tốt nghiệp là không đúng vì trường không có ngành nào có tên gọi như thế. Cả loại giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bảng điểm và bằng tốt nghiệp đều không đúng với ngành nghề đào tạo là sai sót của  phòng đào tạo. Còn Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM lý giải, trước đây khi chưa có quy định về phôi bằng tốt nghiệp mới, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Tiếng Anh thương mại. Tuy nhiên, tháng 7-2010 trường đã cấp hơn 140 bằng tốt nghiệp mới theo quy định của Bộ GD-ĐT và không được ghi chuyên ngành Tiếng Anh thương mại mà ghi ngành đào tạo Tiếng Anh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và CĐ từ năm 2005 – 2010, trường ghi rất rõ: “Các ngành đào tạo đại học: Tiếng Anh thương mại, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán – kiểm toán, Hệ thống thông tin kinh tế”. Như vậy, rõ ràng ngay từ lúc tuyển sinh, thông tin về ngành nghề của trường đã không rõ ràng và không hề có ngành Tiếng Anh.

Thông tư hướng dẫn về cách ghi và cấp phát văn bằng CĐ-ĐH mới đã được Bộ GD-ĐT ban hành  hơn một năm. Việc các trường đổ lỗi do quy định về phôi bằng mới xem ra không hợp tình mà cũng chẳng hợp lý…

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục