Đại học – Những tồn tại kiềm hãm phát triển. Bài 1: "Suất đầu tư" và công bằng xã hội

Đại học là bậc học hết sức quan trọng của mọi hệ thống giáo dục. Nhưng mỗi nước lại có cách chọn hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) cho riêng mình bên cạnh những xu thế chung của thế giới. Đại học Việt Nam đến nay dù đã có những bước tiến bộ, đặc biệt là việc mở rộng quy mô, nhưng vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu chất lượng của nguồn nhân lực cũng như chưa có mặt trong những hệ thống GDĐH mạnh trên thế giới. Là người có uy tín cũng như có nhiều năm nghiên cứu về phát triển GDĐH, Giáo sư Phạm Phụ đã dành cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn sâu xung quanh chủ đề này, như là một hướng gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của đất nước.
Đại học – Những tồn tại kiềm hãm phát triển. Bài 1: "Suất đầu tư" và công bằng xã hội

Đại học là bậc học hết sức quan trọng của mọi hệ thống giáo dục. Nhưng mỗi nước lại có cách chọn hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) cho riêng mình bên cạnh những xu thế chung của thế giới. Đại học Việt Nam đến nay dù đã có những bước tiến bộ, đặc biệt là việc mở rộng quy mô, nhưng vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu chất lượng của nguồn nhân lực cũng như chưa có mặt trong những hệ thống GDĐH mạnh trên thế giới. Là người có uy tín cũng như có nhiều năm nghiên cứu về phát triển GDĐH, Giáo sư Phạm Phụ đã dành cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn sâu xung quanh chủ đề này, như là một hướng gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của đất nước.

  • Đầu tư thấp đừng đòi chất lượng sản phẩm cao

°PV: Thưa GS, trong tài chính GDĐH có một cụm từ “Suất đầu tư”, hay còn gọi là “Chi phí đơn vị” (CPĐV) - chi phí bình quân một năm cho một sinh viên (SV), đó chính là một chỉ số cơ bản phản ánh chất lượng đào tạo. Là một chuyên gia nghiên cứu về quản lý và kinh tế-tài chính của GDĐH, xin GS cho biết ý kiến về mức CPĐV hiện nay của ĐH Việt Nam?

Giáo sư Phạm Phụ.
Giáo sư Phạm Phụ.

°GS. PHẠM PHỤ: Theo như báo cáo của Bộ GD-ĐT, chi từ ngân sách Nhà nước (NSNN) bình quân cho một SV ĐH công lập năm 2009 là 7,14 triệu đồng/năm. Vậy, nếu mức học phí là 2,4 triệu đồng/năm thì gần đúng có thể cho rằng, mức CPĐV ở ĐH công lập hiện nay là 9,54 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 500 – 550USD/SV/năm. Nhưng qua khảo sát thực tế trong đợt đi cùng đoàn giám sát của Quốc hội vừa rồi, ở nhiều cơ sở ĐH, như ở Cao đẳng cộng đồng Hà Nội, thậm chí ở cả các ĐH vùng như Cần Thơ, Đà Nẵng…, mức chi thường xuyên cho 1 SV chỉ khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/năm. Nếu cho rằng chi phí này chỉ chiếm khoảng 75% của CPĐV thì CPĐV ở các cơ sở này cũng chỉ ở mức 5,5 – 6 triệu đồng/SV, tương đương với khoảng 300 – 350 USD/SV…

°Còn đối với các SV ngoài công lập?

°Với đa số các ĐH ngoài công lập như Phú Xuân (Huế), Hùng Vương (TPHCM)… với mức học phí 5,2 – 7 triệu đồng/SV, mức CPĐV chỉ có thể biến thiên trong khoảng 250 – 300 USD/SV. Nhưng hiện nay cũng đã có một số ĐH ngoài công lập thu học phí đến 18-45 triệu đồng/SV, tất nhiên CPĐV ở đấy có thể đến 800-2.000 USD/SV.

°Theo GS, đó là mức chi không thể đảm bảo chất lượng đào tạo ở các ĐH công lập nên tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, GS đã đưa ra một kiến nghị “đòi” tăng mức đầu tư cho SV lên gấp hai lần hiện nay, trong khi, GS thừa biết, ngân sách đầu tư cho GD thì có hạn, việc điều chỉnh học phí cũng vấp phải phản ứng của dư luận?

°Nhưng Việt Nam cũng phải có nguồn nhân lực có chất lượng để đảm bảo cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Mặt khác, Việt Nam cũng đã tham gia WTO từ năm 2007, nghĩa là ĐH Việt Nam nay cũng phải biết cách cạnh tranh với ĐH của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, cả về chất lượng cũng như giá thành, cạnh tranh để có thêm nguồn lực tài chính. Cạnh tranh để có thêm thầy giáo giỏi, học trò giỏi…

°Thế nhưng, thưa GS, mức CPĐV từ năm 2004 – 2005, bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD, các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) 12.000 USD, lãnh thổ Đài Loan 7.000 USD…?

°Điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải có mức CPĐV như các nước, nhưng nếu Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức CPĐV 500 – 550 USD, GDĐH Việt Nam cũng như chính chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

°Vậy theo GS, chi phí đơn vị hợp lý hiện nay đối với một SV Việt Nam nên là bao nhiêu?

°Nếu so sánh theo kiểu “giáo dục so sánh” và suy luận theo cách ước tính của một số chuyên gia ở World Bank (WB) sẽ thấy, với các nước phát triển cao, tỷ lệ CPĐV/GDP đầu người chỉ cần ở mức 50% - 60%, với các nước phát triển trung bình, tỷ lệ này thường lại vào khoảng 80% - 100%, còn với các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này lại cần đến khoảng 120% - 150%. Từ đó ta có thể có con số CPĐV hợp lý khoảng 1.200 USD/SV – năm.

°Đó là con số mà GS cho rằng sẽ đảm bảo được chất lượng đào tạo?

°Khi khảo sát thực tế ở ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM với CPĐV khoảng 2.500 USD và ĐH Hoa Sen TPHCM với CPĐV khoảng 800 USD tôi thấy, dù điểm đầu vào chỉ ở điểm khá hoặc điểm sàn, việc tổ chức học tập ở các trường này khá tốt, SV khá tự tin và hy vọng chất lượng đào tạo tốt hơn nhiều…, mặc dù vẫn là những nhà quản lý và thầy giáo Việt Nam.

Tăng suất đầu tư cho SV sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Ảnh: CTV

Tăng suất đầu tư cho SV sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Ảnh: CTV

  • Chi phí chia sẻ

°Cũng có thể, nhưng thưa GS, chúng ta lấy đâu ra để có CPĐV là 1.200 USD?

°Điều này liên quan đến bài toán “chia sẻ chi phí” trong tài chính cho GDĐH, nghĩa là tỷ lệ chia sẻ chi phí cho: thứ nhất là phần NSNN, thứ hai là phần người học phải chi trả, và thứ ba là phần đóng góp của cộng đồng, kể cả đóng góp của chính cơ sở ĐH qua hoạt động khoa học và các hoạt động có thu khác.

°Được biết, tỷ lệ các phần này ở các ĐH công lập của Việt Nam trong một số năm gần đây thì NSNN chiếm khoảng 55%, người học phải chi trả là 42%, phần đóng góp của cộng đồng là 3%. Nếu giữ nguyên tỷ lệ này NSNN phải tăng lên trên 2 lần mới có nổi con số 1.200USD. Đây là một tính toán khó thực hiện?

°Vâng, tỷ lệ NSNN dành cho GD nói chung đã khá cao, đạt đến con số 20%. Hơn nữa, GDĐH cũng khó lòng dành ưu tiên NSNN so với GD phổ cập cũng như các lĩnh vực an sinh xã hội khác như y tế, giảm nghèo… Vì vậy, chúng ta cần vận dụng “mô hình Nhật Bản” (J – model). Mô hình này đã lan tỏa sang Hàn Quốc, Đài Loan từ cuối những năm 1970 và sang Malaysia, Singapore, Indonesia… từ cuối những năm 1980…

°Xin GS nói cụ thể hơn?

°Các nước và vùng lãnh thổ của châu Á có mức chi tiêu của chính phủ so với GDP rất thấp (năm 2004: lãnh thổ Đài Loan 15,3%, Malaysia 26,5%, Việt Nam 26,7%, Hàn Quốc 28,1%,…) so với mức bình quân của thế giới (31%), đặc biệt là so với các nhà nước châu Âu phúc lợi (Thụy Điển 56,7%, Pháp 53,7%, Đức 47%…) và cả Cuba 59,7%. Vì vậy, nhà nước chỉ đủ sức ưu tiên cho GD phổ cập và một số lĩnh vực về khoa học – kỹ thuật, với GD trung học phổ thông và GDĐH, chủ yếu là người học và gia đình họ phải gánh chịu.

Cũng chính vì vậy, SV ở ĐH tư thục chiếm phần lớn ở Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Indonesia…, có một số trường hợp chiếm đến 80%. Ở Nhật năm 1996, SV tư thục chiếm 73% ở ĐH 4 năm và 92% ở cao đẳng (nhưng chỉ có 30% ở sau ĐH).

°Vâng, có phải vì mức đầu tư thấp nên  đã xuất hiện một phong trào du học tự túc ở những đại học cấp thấp mà giới truyền thông đang gọi là “tỵ nạn du học”…?

°Đúng, hiện chúng ta đã có trên 50.000 SV đi du học tự túc, phần lớn thuộc loại này, và chi phí xã hội hàng năm có thể lên đến khoảng 800 – 1.000 triệu USD, nếu so với ngân sách nhà nước hàng năm dành cho 1,7 triệu SV đang học trong nước là khoảng 500 triệu USD thì quả là những chi phí không hợp lý.

Không chỉ vậy, ĐH Việt Nam đã và đang bị đối xử “bình đẳng quốc gia” ngược ở ngay trên nước mình, nghĩa là “phân khúc thị trường” chi phí cao của dịch vụ GDĐH lại được dành ưu tiên cho ĐH của nước ngoài đến Việt Nam. Một hệ quả nữa là các ĐH Việt Nam mở tràn lan các chương trình liên kết chất lượng thấp ở các địa phương, kể cả với nước ngoài, vì ở đây không bị ràng buộc mức học phí.

Giảng viên Nguyễn Thị Bảo Trâm, Trường ĐH KHTN TPHCM hướng dẫn SV lớp cử nhân tài năng thực hành thí nghiệm Hóa.Ảnh: MAI HẢI

Giảng viên Nguyễn Thị Bảo Trâm, Trường ĐH KHTN TPHCM hướng dẫn SV lớp cử nhân tài năng thực hành thí nghiệm Hóa.Ảnh: MAI HẢI

  • Thiếu công bằng từ học phí thấp

°Để giảm tỷ lệ đầu tư từ NSNN, cần tăng tỷ lệ SV ở ĐH tư thục cao hơn, trong khi tỷ lệ này hiện nay ở VN đạt chưa đến 15%, quá thấp để nghĩ đến việc áp dụng mô hình mà GS vừa nói?

Việt Nam rất thiếu dữ liệu về CBXH trong GDĐH. Tuy vậy, vẫn có một vài dữ liệu
 liên quan đến mất CBXH theo vùng miền. Năm 2004, tỷ lệ SV trên một vạn dân bình quân của cả nước là 161, của đồng bằng sông Hồng là 323 trong khi của đồng bằng sông Cửu Long là 40 (chênh nhau 8 lần). Năm 2007, UNDP tại Việt Nam cũng đã có một nghiên cứu về an sinh xã hội, kết quả cho thấy: Có đến 35% NSNN trợ cấp cho GD đã chảy vào con em của lớp 20% dân cư giàu nhất, nhưng lại chỉ có 15% chảy vào con em của lớp 20% dân cư nghèo nhất… (!).

°Theo như dự kiến từ trước năm 2005, vào năm 2010, Việt Nam có SV ở ĐH tư thục chiếm 30% - 40%. Nếu đạt con số này thì sẽ dồn thêm NSNN cho 60% - 70% SV ở các ĐH công lập, giảm tỷ lệ 55% chi từ NSNN xuống còn khoảng 30% - 35% như ở nhiều nước của châu Á. Kèm theo đó là việc nâng cao hiệu quả trong phân phối NSNN, cũng như  sử dụng tài chính ở các cơ sở ĐH…, thì nguồn vốn NSNN cho GDĐH vẫn có thể giữ nguyên như con số hiện nay. Tất nhiên, tỷ lệ phần đóng của SV và gia đình họ, về bình quân, phải tăng lên, khoảng 50% - 55% trong CPĐV. Và tỷ lệ đóng góp của cộng đồng, trong đó có đóng góp của chính trường ĐH cũng phải tăng lên.

°Vậy cuối cùng, phần đóng góp của SV và gia đình SV sẽ lên khoảng 50% - 55% trong CPĐV. Điều này có nghĩa, học phí ở ĐH công lập bình quân sẽ phải tăng lên hơn 3 lần so với hiện nay. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, vì GS cũng biết, mỗi khi nói đến việc tăng học phí ĐH, búa rìu dư luận lại nã vào cái gọi là mất công bằng xã hội (CBXH)?

°À, xin lưu ý, chính sách học phí thất thường lại làm cho mất CBXH nhiều hơn. Ví dụ CPĐV là 10 triệu đồng, học phí là 3 triệu đồng, nghĩa là NSNN cấp 7 triệu đồng. Nhưng ở GDĐH, tỷ lệ SV thuộc tầng lớp trên chiếm phần lớn nên tiền trợ cấp đó chủ yếu lại chạy vào các lớp dân cư giàu có. Giáo sư D.Bruce Jonstone, một chuyên gia lớn về giáo dục đã từng nói, trong những điều kiện tương tự như ở Việt Nam, chính sách học phí thấp chính là cách “lấy thuế của dân chúng cấp thêm cho người giàu”.

Ở các nước, câu hỏi thường là tăng học phí hay tăng thuế, chứ không phải căn cứ vào mặt bằng của dân chúng. Tất nhiên, còn phải có những chương trình cho SV vay vốn, chương trình tài trợ SV nghèo v.v…

LINH AN

Tin cùng chuyên mục